Ukraine trước "giờ G"
Hãng tin Bloomberg cho hay, trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 1/2 tới, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra quyết định về gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (tương đương 54,1 tỷ USD) dành cho Ukraine.
Đây là một vấn đề cấp bách và mang tính mấu chốt đối với Kiev bởi nước này đang rơi vào tình trạng thiếu vũ khí nghiêm trọng trong cuộc xung đột với Nga.
Sự bất đồng chính trị đang cản trở khoản viện trợ từ Mỹ dành cho Ukraine, khiến Kiev phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguồn ngân sách đang sắp cạn kiệt. Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine cần thêm rất nhiều đạn dược và vũ khí khi phải đối mặt với lực lượng Nga đang cố thủ dọc chiến tuyến dài 1.500km.
"Một điều rất rõ ràng - Ukraine cần số tiền đó, họ phải nhận được khoản tiền do EU viện trợ" - Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics phát biểu trong cuộc phỏng vấn trước báo giới tại thủ đô Riga.
Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quốc phòng châu Âu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo rằng, nếu các khoản tài trợ mới cho Ukraine không được thông qua, Nga có thể giành chiến thắng chỉ trong vài tháng hoặc thậm chí vài tuần nữa.
"Một Ukraine có chủ quyền rất quan trọng đối với an ninh toàn cầu", ông Austin nói. "Chúng ta không được dao động trong việc ủng hộ Ukraine".
Tuy nhiên, EU cũng đang phải đối mặt với cuộc đấu tranh nội bộ về nguồn tài trợ cho Kiev. Tháng 12/2023, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán - người được xem là đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin - đã dùng quyền phủ quyết để chặn nỗ lực của liên minh này nhằm viện trợ cho Ukraine.
"Thật khó khăn. Tôi biết rõ về ông Viktor Orbán", Ngoại trưởng Luxembourg Xavier Bettel nói, "sẽ không dễ dàng để thuyết phục ông ấy".
Thời gian qua, chính quyền của Thủ tướng Orbán cũng nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Hungary lập luận rằng các lệnh trừng phạt này đã không thể làm suy yếu Nga như EU mong đợi và có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Đầu năm 2023, ông Orbán tuyên bố Hungary sẽ phủ quyết bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU lên Nga làm ảnh hưởng đến năng lượng hạt nhân. Và mới đây nhất, vào tháng 11/2023, các cuộc thảo luận về vòng trừng phạt chống Nga lần thứ 12 của EU đã bị đình trệ do Hungary hoàn toàn phản đối gói trừng phạt này.
EU đe dọa dùng 'đòn hạt nhân' với Hungary
Trước rào cản từ phía ông Orbán, theo tờ Politico (Mỹ), các quốc gia thành viên còn lại trong EU vừa đe dọa sẽ khiến Hungary "phải im lặng" nếu nước này tiếp tục phủ quyết khoản viện trợ 50 tỷ euro dành cho Ukraine trong cuộc họp của EU vào ngày 1/2 tới.
Tờ báo Mỹ cho hay, sau nhiều năm "tiếp cận nhẹ nhàng" với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, giờ đây, các nhà ngoại giao châu Âu đang phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng mạnh tay sử dụng "phương án hạt nhân" nếu quyết định của Budapest gây nguy hiểm cho an ninh Ukraine - một ứng cử viên trở thành thành viên của liên minh trong tương lai.
Sức ép đang vây chặt ông Orbán và mọi chuyện khó có thể suôn sẻ với Hungary trong thời gian tới nếu vị Thủ tướng vẫn giữ ý định phủ quyết của mình.
"Phương án hạt nhân" ở đây đề cập tới việc sử dụng Điều 7 trong quy định của EU. Đây là biện pháp trừng phạt chính trị nghiêm khắc nhất đối với một quốc gia thành viên EU nhằm đình chỉ quyền bỏ phiếu của quốc gia này đối với các quyết định của liên minh.
Điều đó đồng nghĩa với việc, Thủ tướng Orbán có thể bị loại ra khỏi quá trình bỏ phiếu của EU trong cuộc họp tuần này.
Politico dẫn lời 5 quan chức và nhà ngoại giao châu Âu cho biết, các quốc gia khác trong khối sẵn sàng có động thái chống lại Budapest, và đây sẽ là một động thái mang tính lịch sử đối với những nhà lãnh đạo đang hành động "dựa trên tinh thần đoàn kết và nhất trí".
"Nếu ông Orbán một lần nữa chặn thỏa thuận (về ngân sách của EU và gói viện trợ 50 tỷ euro dành cho Ukraine) tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 2, thì việc sử dụng Điều 7 để tước quyền bỏ phiếu của Hungary có thể sẽ xảy ra" - Một quan chức ngoại giao cho hay.
Lý do là bởi, đối với đa phần các quốc gia trong EU, cuộc bỏ phiếu tuần này không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với Ukraine, mà còn là thông điệp mà EU gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Ukaine luôn có được sự ủng hộ thống nhất của các đồng minh phương Tây".
"Đã đến lúc ông Orbán nhận ra rằng mối đe dọa từ Điều 7 đang hiện hữu" - Ông Steven Van Hecke, giáo sư khoa chính trị châu Âu tại Đại học KU Leuven (Bỉ) cho hay.
Tờ Guardian (Anh) dẫn các nguồn tin cho biết, sự kiên nhẫn của các quốc gia thành viên EU đã bị thử thách tới cực hạn, 26 nước trong khối có thể tiến tới tước bỏ hoàn toàn quyền bỏ phiếu của Hungary lần này, trừ phi có sự chuyển biến đột phá nào đó từ phía Budapest.
Các nhà lãnh đạo EU cảm thấy họ phải chấm dứt điều mà họ cho là "hành động mang tính đe dọa" từ phía ông Orbán.
"Lần này là vấn đề viện trợ, lần sau có thể là vấn đề di cư, lợi ích, vấn đề sống còn" - Một nguồn tin ngoại giao nói.
Trong khi đó, ông Péter Krekó - Giám đốc tổ chức nghiên cứu Political Capital có trụ sở tại Budapest - cảnh báo nguy cơ xảy ra phản ứng dữ dội từ phía Hungary nếu các quốc gia còn lại trong EU quyết định sử dụng "phương án hạt nhân".
"Việc đình chỉ quyền bỏ phiếu sẽ làm Hungary ngày càng xa lánh Liên minh châu Âu" - Ông Krekó nhận định.
Chủ tịch EC hoãn kế hoạch từ chức để ngăn ông Orbán
Trong một diễn biến liên quan khác, tờ Guardian ngày 27/1 cho hay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đã quyết định hoãn kế hoạch từ chức sớm do lo ngại Thủ tướng Hungary Viktor Orbán sẽ ngồi vào vị trí này.
Quyết định của ông Michel được đưa ra chỉ 6 ngày trước khi diễn ra một cuộc họp "gay gắt" của EU gần đây, trong đó dự đoán ông Orbán sẽ tiếp tục chặn gói viện trợ 50 tỷ euro dành cho Ukraine.
Trong một tuyên bố được đăng lên Facebook hôm 26/1, Michel cho biết ông đã suy nghĩ lại sau khi nhận được "sự chú ý mạnh mẽ của giới truyền thông" và một số "phản ứng cực đoan" từ bên ngoài tổ chức châu Âu.
Chủ tịch EC sẽ giữ vai trò chủ trì các cuộc họp của Hội đồng châu Âu, làm trung gian cho thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên, tức là sẽ tham gia vào cả "cuộc chiến" hiện tại nhằm thuyết phục Hungary ủng hộ gói viện trợ cho Ukraine.
Trong hai ngày 25 và 26/1, ông Michel đã thực hiện 13 cuộc gọi tới các nhà lãnh đạo EU, bao gồm cả ông Orbán. Các trợ lý của ông cũng lên đường đến Budapest để cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Hungary liên kết với các quốc gia thành viên còn lại trong EU.
Tuy nhiên, các nguồn tin trong cuộc nói rằng, khả năng thuyết phục được ông Orbán khá thấp. Nếu như thời gian trước, Điều 7 được xem là phương sách cuối cùng và không phải là lựa chọn khả thi để giải quyết vấn đề liên quan tới Hungary thì nay đang dần trở thành hiện thực.
"Mức độ bức xúc [đối với ông Orbán] đã cao hơn nhiều so với thời điểm tháng 12/2023" - Một nguồn tin ngoại giao cho hay.