Nga xé thỏa thuận lịch sử, kéo tên lửa áp sát nước EU từ chối đàm phán với TT Putin: Căng thẳng đỉnh điểm

Nhật Minh |

Tờ Politico đánh giá đây là một động thái "đột ngột" của Nga. Trong khi đó, quốc gia Bắc Âu đang có xu hướng thể hiện lập trường "cứng rắn chưa từng có" đối với Moscow.

Nga hủy bỏ thỏa thuận lịch sử với Phần Lan

Theo tờ Politico, Bộ Ngoại giao Nga mới đây tuyên bố đã chấm dứt thỏa thuận lịch sử xuyên biên giới giữa Nga và Phần Lan. Động thái đột ngột này diễn ra sau cáo buộc của Helsinki rằng Moscow đang gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới chung giữa hai nước.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow "đã chấm dứt" thỏa thuận năm 2012 giữa Nga và Phần Lan về "thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới" mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Thỏa thuận này vốn được thiết lập nhằm mục đích "góp phần mở rộng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước và phát triển hợp tác xuyên biên giới lâu dài".

Trước đó, vào tháng 10/2023, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Phần Lan Antti Helanterä để thông báo rằng Moscow sẽ hủy bỏ thỏa thuận do "các hành động đối đầu của Phần Lan nhằm chống lại Nga, và sự phân biệt đối xử của quốc gia Bắc Âu đối với người Nga khi dựa trên nguồn gốc quốc gia để xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh".

Nga xé thỏa thuận lịch sử, kéo tên lửa tới gần nước EU từ chối đàm phán với TT Putin: Căng thẳng đỉnh điểm- Ảnh 1.

Nga đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận xuyên biên giới với Phần Lan. Ảnh: Politico

Politico cho hay, căng thẳng giữa Nga và Phần Lan đã gia tăng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine tháng 2/2022, khiến hai quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) là Phần Lan và Thụy Điển quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO.

Phần Lan đã trở thành thành viên NATO vào tháng 4 năm ngoái, chấm dứt 7 thập kỷ không liên minh quân sự. Thụy Điển thì đang chờ sự chấp thuận của Hungary trước khi có thể chính thức gia nhập liên minh này.

Tháng 11/2023, Helsinki cáo buộc Moscow gây ra cuộc khủng hoảng di cư bằng cách tạo điều kiện để người tị nạn kéo tới biên giới giữa hai nước và cho phép họ vào lãnh thổ Nga mà không có giấy tờ thông hành hợp lệ.

Helsinki đã phản ứng bằng cách đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ dài 1.340km với Nga. Khi trả lời phỏng vấn của tờ HS (Phần Lan) vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo đã tuyên bố Phần Lan không có ý định đàm phán với Nga ở cấp độ lãnh đạo quốc gia – tức đàm phán với Tổng thống Putin để giải quyết vấn đề.

Trong khi đó, Nga phủ nhận cáo buộc này, và nhấn mạnh rằng quyết định của Phần Lan "rõ ràng mang tính khiêu khích và có xu hướng làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa hai nước".

Cùng thời gian này, khi phát biểu trên Đài truyền hình nhà nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng "sẽ có vấn đề" với Phần Lan sau các động thái chống Nga, đồng thời cáo buộc NATO đã "lôi kéo" Helsinki vào liên minh.

Phần Lan sẽ "cứng rắn chưa từng có" với Nga

Theo hãng tin Reuters, duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nga từng là nhiệm vụ quan trọng đối với các đời Tổng thống Phần Lan, tuy nhiên, cuộc bầu cử lãnh đạo mới của quốc gia Bắc Âu trong ngày hôm nay (28/1) sẽ đánh dấu "sự cứng rắn chưa từng có" trong cách tiếp cận của Phần Lan đối với người hàng xóm cũ.

Các nhà phân tích chính trị cho biết, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, các ứng cử viên Tổng thống Phần Lan đang cạnh tranh để thể hiện lập trường cứng rắn nhất nhằm chống lại Nga trong các chiến dịch tranh cử. Việc này giúp họ làm hài lòng những cử tri đánh giá động thái của Nga đối với các nước láng giềng là "thù địch và hung hăng".

Nga xé thỏa thuận lịch sử, kéo tên lửa tới gần nước EU từ chối đàm phán với TT Putin: Căng thẳng đỉnh điểm- Ảnh 2.

Các ứng viên Tổng thống Phần Lan đang cạnh tranh thể hiện lập trường cứng rắn chưa từng có với Nga. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết, người Phần Lan tức giận trước việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và lo lắng về tình trạng gia tăng người di cư kéo đến Phần Lan qua lãnh thổ Nga.

"Nếu trước đây mục tiêu là cạnh tranh xem ai có thể duy trì mối quan hệ tốt nhất với Nga, ai có khả năng đàm phán tốt nhất thì giờ đây, cuộc cạnh tranh đã chuyển hướng sang ai có lập trường cứng rắn nhất trong quan hệ với Nga, cả trong chính sách quốc phòng" - Chuyên gia chính trị Johanna Vuorelma của Đại học Helsinki nói với Reuters.

Ông Alex Stubb, cựu thủ tướng Phần Lan, đồng thời là ứng cử viên hàng đầu cho cương vị Tổng thống Phần Lan sắp tới khẳng định, quốc gia Bắc Âu vẫn an toàn như từ trước đến nay và "không sợ bất cứ hành động khiêu khích hay tấn công nào từ Nga".

Nga triển khai tên lửa tới sát vịnh Phần Lan

Trong một diễn biến liên quan tới căng thẳng Nga-Phần Lan, truyền thông Bulgaria ngày 26/1 cho biết, Nga đã triển khai các tên lửa phòng không S-300PT tới sát Vịnh Phần Lan. Trong khi đó, vịnh này tiếp giáp với Phần Lan.

Nga xé thỏa thuận lịch sử, kéo tên lửa tới gần nước EU từ chối đàm phán với TT Putin: Căng thẳng đỉnh điểm- Ảnh 3.

Vị trí của Phần Lan, vịnh Phần Lan và thành phố St.Petersburg của Nga trên bản đồ. Ảnh: Gulf of Finland

Được trang bị radar quét mạng pha điện tử thụ động, S-300PT có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc thông qua một hệ thống điều khiển hỏa lực duy nhất. Thiết kế bán di động cho phép hệ thống sẵn sàng khai hỏa ngay sau 1 giờ đồng hồ.

Hiện phía Nga chưa cho biết mục đích chính xác của động thái này là gì nhưng trước đó, vào tháng 5/2022, khi Phần Lan đang trong quá trình xin gia nhập NATO, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố Nga cần phải triển khai lực lượng hải quân với quy mô đáng kể tại Vịnh Phần Lan, đồng thời củng cố các lực lượng trên bộ và phòng không gần khu vực này.

Lý do là bởi St. Petersburg - một trong những thành phố cảng quan trọng nhất của Nga - được kết nối với biển Baltic thông qua vịnh Phần Lan. Với việc Phần Lan gia nhập NATO, vịnh Phần Lan sẽ trở thành điểm nghẽn trong cuộc xung đột (nếu có) giữa Nga và liên minh quân sự này, làm hạn chế quá trình vận chuyển hàng hải của Nga và làm phức tạp thêm các nỗ lực tiếp tế hoặc củng cố Kaliningrad (vùng lãnh thổ quan trọng của Nga ở Baltic) bằng đường biển.

Tới tháng 12/2023, truyền thông Nga đưa tin, Moscow sẽ sớm triển khai các hệ thống pháo Coalition-SV (có tầm bắn lên tới 70km, tốc độ bắn kỷ lục 16 phát/phút) đến Quân khu phía bắc, giáp ranh Phần Lan và Na Uy – hai quốc gia đều đang có căng thẳng tăng lên với Nga.

Cùng thời gian này, ông Mikhail Ulyanov - đại diện thường trực của Nga tại tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) cảnh báo, Phần Lan sẽ là quốc gia đầu tiên chịu thiệt hại trong trường hợp căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang, do quốc gia này nằm gần Nga.

"Họ đã sống một cách bình lặng và hòa bình, sau đó đột nhiên đứng giữa Nga – NATO với tư cách là thành viên của liên minh đó… Trong trường hợp có sự leo thang nào đó, họ sẽ là những người đầu tiên chịu thiệt hại" - Ông Ulyanov nhấn mạnh.

Về phần mình, Cơ quan An ninh và Tình báo Phần Lan cho rằng Moscow hiện coi Phần Lan là "một quốc gia thù địch", đồng thời cảnh báo Nga đã "chuẩn bị thực hiện các biện pháp chống lại Phần Lan" và có khả năng tiếp tục gây ảnh hưởng đến các hoạt động, cũng như làm suy yếu các mối quan hệ song phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại