Ukraine nói về chảo lửa Bakhmut, quốc gia không thuộc EU trừng phạt Nga

Anh Thư |

Theo phía Ukraine, Bakhmut và Avdiivka vẫn là tâm điểm giao tranh hôm 5-4. Hơn 50 cuộc tấn công mới từ cả hai phía đã xảy ra trong vòng 24 giờ trên nhiều vùng của Ukraine

Theo Reuters, thông tin từ Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi tới 45 cuộc tấn công của Nga trong vòng 24 giờ qua, với TP Bakhmut và TP Avdiivka là hai "chảo lửa" chính. Các tay súng của Ukraine cũng đã tiến hành 7 cuộc tấn công vào lực lượng Nga và 2 sở chỉ huy.

Người đứng đầu công ty quân sự Wagner của Nga Yevgeny Prigozhin gần đây tuyên bố đã chiếm được TP Bakhmut, nhưng Ukraine nhiều lần bác bỏ điều này, nhưng cho biết phía Nga cũng đã chiếm ít nhất một nửa thành phố.

Ukraine nói về chảo lửa Bakhmut, quốc gia không thuộc EU trừng phạt Nga - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine ngồi trên một chiếc xe tăng ở khu vực gần TP Bakhmut của Ukraine hôm 2-4 - Ảnh: REUTERS

Trong số các cuộc tấn công được Ukraine thống kê, ít nhất 20 cuộc là nhằm vào Bakhmut theo Bộ tổng tham mưu Ukraine.

Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.

Trong một diễn biến khác, theo đài RT, một gói trừng phạt mới đã "tung đòn" bởi Na Uy, đánh dấu gói trừng phạt thứ 10 mà châu Âu áp đặt lên Nga. Na Uy không thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhưng bị cơ quan truyền thông Nga này cáo buộc là "đã đi theo sự dẫn dắt của Brussels".

Gói trừng phạt được chính phủ Na Uy công bố hôm 4-4 nhắm vào 87 cá nhân và 34 tổ chức, cấm nhập khẩu một số nguyên liệu thô từ Nga và cấm buôn bán "hàng hóa công dụng kép" (để chỉ công nghệ và linh kiện ứng dụng trong cả dân sự và quân sự).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Na Uy Anniken Huifeldt cho biết các biện pháp trừng phạt - vốn được thực hiện dựa theo các gói trừng phạt mà EU đã đưa ra - thể hiện "phản ứng mạnh mẽ và rõ ràng của châu Âu đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine".

Theo phía Nga, trong khi chính phủ Na Uy khẳng định rằng chính sách này gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, thì Oslo "cũng đã phải trả giá".

Các biện pháp trừng phạt của EU, đặc biệt là lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, được Nga cho là đã đẩy khối này vào khủng hoảng lạm phát, đặc biệt là năng lượng. Trong khi đó Nga khẳng định những điều này không làm tê liệt nền kinh tế của họ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại