Phát biểu tại một cuộc họp không chính thức với 26 người đồng cấp khác trong khối EU tại Brussels (Bỉ) hôm 29/8, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã kêu gọi EU “thuyết phục Mỹ bật đèn xanh” cho các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga .
Theo ông Kuleba, Ukraine cần sự hỗ trợ từ các thành viên EU nhằm “dỡ bỏ các hạn chế về việc tấn công tầm xa vào tất cả các mục tiêu quân sự hợp pháp ở Nga", đồng thời nói thêm rằng nếu những người ủng hộ Ukraine từ chối nhượng bộ về vấn đề này thì Kiev có thể sẽ “cầm chắc thất bại”.
"Tất nhiên, quyết định này chủ yếu nằm ở Mỹ và Anh, nhưng Pháp cũng có đóng góp quan trọng và là một phần của EU", ông Kuleba nói.
Nhà ngoại giao Ukraine nhận định rằng, nếu được cung cấp đủ số lượng tên lửa cần thiết và được phép khai hỏa vũ khí Mỹ vào Nga, Kiev sẽ “làm giảm đáng kể khả năng gây thiệt hại của Nga đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của mình, đồng thời cải thiện cục diện chiến trường trên bộ”. Bên cạnh đó, ông Kuleba cũng thúc giục các đồng minh EU đẩy nhanh việc giao các hệ thống phòng không như đã hứa.
Phương Tây ủng hộ Ukraine, Mỹ không thay đổi quyết định
Lời kêu gọi của ông Kuleba được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiến hành cuộc tấn công trên không lần thứ ba vào Ukraine chỉ trong vòng bốn ngày, kể từ 26/8. 80 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đã được sử dụng trong đợt tấn công lần này.
Mục tiêu của cuộc tấn công là các cơ sở hỗ trợ cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Trong đó bao gồm các trạm biến áp điện ở Kiev, Vinnitsa, Zhitomir, Khmelnytsky, Dnepropetrovsk, Poltava, Nikolaev, Kirovograd, Odessa, cũng như các trạm nén khí ở Lviv, Ivano-Frankivsk và Kharkov.
Truyền thông nhận định đây là đợt tấn công lớn nhất của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Ngay lập tức, Ngoại trưởng Anh David Lammy cũng đã lên án cuộc tấn công mới nhất của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine hôm 26/8 bằng một bài đăng trên mạng xã hội X. Tổng thống Joe Biden cũng có cùng quan điểm với nhà ngoại giao Anh khi mùa đông đang đến gần và các cuộc tấn công của Nga có thể đẩy Ukraine vào tình trạng thiếu điện.
Tại một hội nghị hồi tháng 6 ở Berlin (Đức), Tổng thống Zelensky cho biết các đợt không kích tương tự của Nga đã phá hủy 80% sản lượng điện nhiệt và 1/3 sản lượng thủy điện của Ukraine.
Trong một cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nhận định rằng Nga đang thực hiện “một chiến thuật cổ điển” nhằm vào hạ tầng năng lượng của Ukraine. Ông Kirby cũng nhắc lại cam kết, Mỹ sẽ tiếp tục giúp Ukraine tăng cường hệ thống phòng không và năng lượng, đồng thời cho biết Washington đang tập trung vào việc tìm kiếm các hệ thống đánh chặn từ các đồng minh và đối tác để viện trợ cho Kiev.
Người phát ngôn Nhà Trắng cũng nhắc lại việc chuyển giao 5 hệ thống phòng không Patriot đã được công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO, trong bối cảnh Ukraine đang cần vũ khí.
Song, dù Mỹ tuyên bố đứng về phía Ukraine nhưng yêu cầu cấp thiết nhất mà Kiev đưa ra liên quan đến việc tháo gỡ lệnh hạn chế sử dụng vũ khí, vẫn chưa được thực hiện. Trong một cuộc họp báo hôm 27/8, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder khẳng định rằng dù Ukraine được phép tấn công xuyên biên giới một số lần, nhưng "đối với các cuộc tấn công tầm xa, tấn công sâu vào Nga, chính sách của Mỹ vẫn không không thay đổi".
Ở chiều hướng ngược lại, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. Ông cho biết điều cấp thiết là phương Tây phải "gỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí để chống lại các mục tiêu của Nga".
“Vũ khí mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine phải được sử dụng hết công suất, và các hạn chế phải được dỡ bỏ để người Ukraine có thể nhắm vào những nơi mà Nga đang chuẩn bị để tiến hành các cuộc ném bom. Nếu không, vũ khí viện trợ sẽ vô dụng”, ông Borrell nói.
Theo cây viết Tom Waitling của tờ The Independent, dù Anh, Pháp và Mỹ đều là những nhà cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng Washington mới có sức ảnh hưởng lớn nhất trong việc cho phép Kiev sử dụng tên lửa, đặc biệt là tên lửa ATACMS ở tầm xa hơn. Nguyên nhân là do các tên lửa cần được khai hỏa bởi các hệ thống phóng do Mỹ viện trợ để thực hiện các vụ tấn công.
Trước đó, ba nước này đã chấp thuận cho Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 6 tuyên bố không cho phép “Ukraine tấn công sâu hơn 300km vào lãnh thổ Nga, bao gồm Moscow và Điện Kremlin”.
Washington hiện cũng tuyên bố rằng, sau khi các đồng minh của Ukraine cho phép Kiev tấn công phòng thủ vào Nga, Moscow đã đối phó bằng cách di chuyển các mục tiêu quân sự ra khỏi tầm bắn của tên lửa phương Tây, nghĩa là việc cho phép tấn công sâu hơn sẽ không hiệu quả như trước đây.
Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky và ông Rustem Umerov, Bộ trưởng quốc phòng Ukraine dự kiến sẽ đến Washington vào cuối tuần này để kêu gọi Mỹ cho phép tấn công sâu hơn vào Nga. Có thông tin cho rằng hai quan chức này sẽ trình bày với giới chức Mỹ danh sách các mục tiêu quân sự tiềm năng bên trong lãnh thổ Nga nhằm củng cố đề nghị dỡ bỏ lệnh hạn chế vũ khí của Nhà Trắng.