Kiev hé lộ vũ khí 'Made in Ukraine': Vượt hạn chế của phương Tây, tạo bước ngoặt khiến Nga không ngờ?

Hữu Hiển |

Palianytsia là sự kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái do Ukraine tự chế tạo trong bối cảnh các đồng minh phương Tây đặt điều kiện sử dụng tên lửa tầm xa của họ ở Nga.

Vũ khí mới do Ukraine tự chế tạo

Trang Firstpost (Ấn Độ) ngày 27/8 đưa tin, vũ khí "Palianytsia" do Ukraine sản xuất là sự kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái.

Palianytsia được đặt tên theo một loại bánh mì của Ukraine; và đây là một từ rất khó phát âm chuẩn xác, đến mức nó được sử dụng để vạch mặt những điệp viên bị tình nghi vào thời gian đầu của cuộc xung đột.

Liệu vũ khí tự chế mới của Ukraine có thể vượt qua các hạn chế của phương Tây và tấn công sâu vào Nga không? - Ảnh 1.

Được sản xuất tại Ukraine, vũ khí 'Palianytsia' là sự kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái. Ảnh: @Support4Freedom/X

Theo một video quân sự từ Ukraine, tên lửa này có tầm bắn lên tới 700 km, ngang bằng với Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) được Mỹ cung cấp. Video này còn cho thấy Palianytsia có thể vươn tới ít nhất 20 sân bay ở Nga và hiển thị bản đồ các sân bay nằm trong phạm vi đó, bao gồm cả căn cứ không quân Savasleyka của Nga.

Một trong những chuyên gia tham gia vào dự án tên lửa tầm xa này cho biết, đây là "một phát triển hoàn toàn mới, từ con số 0", bắt đầu từ khoảng 18 tháng trước.

"Đây không phải là việc mở rộng một dự án cũ của Liên Xô", chuyên gia này phát biểu với điều kiện giấu tên để bảo vệ bí mật của dự án. Theo chuyên gia này, Palianytsia có một tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn giúp tăng tốc, tiếp theo là một động cơ phản lực.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã xác nhận vào ngày 24/8 về sự tồn tại của Palianytsia, gọi đây là "một loại vũ khí mới".

Palianytsia "được thiết kế trong nước để phá hủy tiềm năng tấn công của đối thủ", ông Zelensky nói, đồng thời cho biết thêm, "số lượng máy bay không người lái tên lửa sẽ tăng lên giống như sản lượng máy bay không người lái tấn công tầm xa của chúng tôi - loại vũ khí mà chúng tôi chứng kiến hiệu quả gần như hàng ngày".

Chuyên gia Ukraine giấu tên cho biết, Palianytsia đã được sử dụng lần đầu tiên đúng dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Độc lập của Ukraine (24/8/1991 - 24/8/2024), sau cuộc không kích của hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái từ Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine vào ngày 26/8. Palianytsia đã nhắm vào một căn cứ quân sự Nga nằm trong khu vực do Moscow kiểm soát.

Bộ trưởng Công nghệ Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết, bước tiếp theo là mở rộng quy mô sản xuất vũ khí.

"Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một bước ngoặt vì chúng tôi sẽ có thể tấn công vào những nơi mà hiện nay Nga không ngờ tới", ông nói.

Ông Fedorov từ chối cung cấp thông tin chi tiết về phạm vi hoặc nguồn cung hiện tại của Palianytsia, viện dẫn lý do an ninh, nhưng cho biết ông đã tham gia vào các dự án phát triển tên lửa nội địa kể từ cuối năm 2022.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov hôm 26/8 đã cam kết rằng, loại vũ khí này sẽ sớm được sử dụng lại để đáp trả cuộc tấn công vào đêm hôm trước ở Ukraine.

"Ukraine đang chuẩn bị phản ứng. Vũ khí do chính nước này sản xuất", ông Umerov viết trên trang Facebook của mình. "Điều này một lần nữa chứng minh rằng để giành chiến thắng, chúng ta [Ukraine] cần có năng lực tầm xa và dỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của đối thủ".

Có thể vượt qua hạn chế của phương Tây

Các quan chức Ukraine cho biết, Palianytsia được tạo ra do nhu cầu cấp thiết. Nguyên nhân là do Nga đã thống trị bầu trời kể từ khi chiến sự nổ ra vào tháng 2/2022, và các đồng minh phương Tây đặt ra các điều kiện về việc sử dụng tên lửa tầm xa của họ ở Nga.

Theo Firstpost, Mỹ và các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine nhưng hạn chế nước này sử dụng ở sâu trong lãnh thổ Nga vì lo ngại chiến tranh leo thang. Trong khi đó, Ukraine có thể nhắm vào các khu vực biên giới nhưng muốn tấn công sâu hơn vào các cơ sở hạ tầng quân sự của Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington cho biết, Nga đang "tận dụng không gian ẩn náu ở các khu vực hậu phương sâu".

ISW ước tính, ít nhất 250 mục tiêu quân sự quan trọng ở Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS, nhưng các hạn chế hiện tại chỉ cho phép Ukraine tấn công 20 mục tiêu trong số đó.

Liệu vũ khí tự chế mới của Ukraine có thể vượt qua các hạn chế của phương Tây và tấn công sâu vào Nga không? - Ảnh 2.

Phà Conroe Trader gần Crime bị tấn công vào ngày 22/8, nhiều khả năng là do tên lửa bắn từ Ukraine. Ảnh: defence-ua.com

Mục tiêu dài hạn của Ukraine

Ukraine cho rằng, việc không thể chống trả vũ khí tầm xa của Nga sẽ gây ra hậu quả chết người. Tướng Oleksandr Syrskyi - Tổng tư lệnh quân đội Ukraine - cho biết, Nga đã phóng 9.627 tên lửa tầm xa, và lực lượng phòng thủ của Ukraine chỉ bắn hạ được 1/4 trong số đó.

Chuyên gia tham gia dự án chế tạo Palianytsia và Bộ trưởng Công nghệ Ukraine Fedorov cho biết, mỗi tên lửa có giá dưới 1 triệu USD và quân đội nước này đang chuyển sang khu vực tư nhân để giảm chi phí sản xuất hơn nữa.

"Thị trường tư nhân tạo ra các giải pháp cực kỳ nhanh chóng", ông Fedorov nói.

Theo ông Fedorov, tính đến năm nay, các công ty tư nhân đã trở thành nhà cung cấp phương tiện không người lái chính cho quân đội Ukraine, bao gồm cả những máy bay hiện đang tấn công vào lãnh thổ Nga và những phương tiện không người lái dưới nước đã nhiều lần tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga.

"Tất cả các loại tên lửa sẽ có sẵn ở Ukraine", ông Fedorov nói. "Nếu chúng tôi có vũ khí của riêng mình như thế này, chúng tôi sẽ cảm thấy độc lập và tự tin hơn".

Bộ trưởng Fedorov nói thêm rằng ông tin rằng diện tích lớn của Nga cũng có thể là điểm yếu của nước này.

"Không thể sản xuất đủ hệ thống phòng không để bảo vệ một vùng lãnh thổ rộng lớn như vậy", ông Fedorov nói. "Đối với chúng tôi, điều này mở ra khả năng hoạt động sâu sau phòng tuyến của đối phương".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại