Nhà máy lọc dầu Duna tại Szazhalombatta, gần Budapest (Hungary), nơi tiếp nhận dầu Nga được chuyển đến qua đường ống Druzhba. Ảnh: Getty
Phát biểu ngày 26/5, cố vấn Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Lana Zerkal chỉ trích chính sách của chính phủ Hungary khi nước này liên tục chặn vòng trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga.
Trong gói trừng phạt thứ 6 có đề xuất cấm vận đối với dầu thô Nga, nhưng các nước EU phụ thuộc nhiều vào dầu Nga, bao gồm Hungary, CH Séc, Slovakia và Bulgaria, đã nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm. Chính phủ Hungary nói rằng lệnh cấm vận dầu Nga sẽ giáng đòn mạnh lên nền kinh tế nước này.
Theo ý kiến của bà Zerkal, Hungary đang lạm dụng cuộc tấn công quân sự của Nga như một công cụ để đạt được các mục tiêu của riêng mình. Cố vấn Zerkal cho rằng giờ đây Hungary “có thể yêu cầu bất cứ điều gì” từ EU.
“Ukraine có đòn bẩy gây áp lực trong tay – đó là đường ống dẫn dầu Druzhba (tạm dịch: Hữu nghị)”, bà Zerkal nói, đồng thời cảnh báo “một điều gì đó có thể xảy ra” với phần cơ sở hạ tầng của Hungary.
“Theo tôi, sẽ là rất hợp lý nếu có điều gì đó xảy ra với đường ống này. Nhưng tôi nhắc lại, quyết định cuối cùng sẽ thuộc về chính phủ và tổng thống. Họ sẽ quyết định về việc chúng ta có thực sự muốn đối thoại với Thủ tướng Hungary Viktor Orban hay không”, cố vấn Zerkal nhấn mạnh.
Sau đó, nữ cố vấn đăng đàn Facebook thừa nhận rằng ý kiến của bà “đã gây ra một vụ bê bối ngoại giao”. “Để làm dịu tình hình, tôi muốn nhấn mạnh rằng quan điểm chính thức của Bộ Năng lượng Ukraine về vấn đề này là không thay đổi. Ukraine là nhà vận chuyển đáng tin cậy của các hãng năng lượng đến châu Âu".
Trong khi những tuyên bố của bà Zerkal đã bắt đầu lan truyền trên báo giới Hungary, thì Budapest vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về vấn đề này. Hungary là thành viên Liên minh châu Âu, đồng thời là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong một lá thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, được Financial Times đăng tải, Thủ tướng Orban được cho là đã nói với EU rằng lệnh cấm toàn khối đối với dầu Nga sẽ gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế Hungary. Do đó Budapest sẽ cần các khoản đầu tư khẩn cấp từ Brussels sẽ cần thay thế.
Hungary gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga về nhập khẩu khí đốt và phụ thuộc khoảng hơn 50% lượng dầu nhập khẩu. Khoảng 65% lượng dầu nhập khẩu được chuyển đến Hungary thông qua đường ống Druzhba.
Đề cập đến lệnh cấm dầu Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto trước đây nói rằng Budapest sẽ ủng hộ việc cấm vận chuyển dầu bằng đường biển, nhưng không ủng hộ việc cấm vận chuyển dầu qua đường ống.
Bất chấp sự thiếu đồng thuận trong EU, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hồi đầu tuần này cho biết 27 quốc gia thành viên của khối “sẽ đạt được bước đột phá trong vòng vài ngày tới” về lệnh cấm vận. Mọi quyết định về các biện pháp trừng phạt của EU phải được thông qua bởi tất cả các quốc gia thành viên.
Kể từ khi xung đột bùng phát, Ukraine đã liên tục kêu gọi các nước châu Âu khác ngừng mua các nguồn năng lượng của Nga. Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng việc các lãnh đạo châu Âu cố gắng từ bỏ năng lượng Nga sẽ chẳng khác nào “tự sát” kinh tế.