Châu Âu tịch thu du thuyền của nhiều tỷ phú Nga. Ảnh minh họa: AFP
Đây là đề xuất mới nhất được Uỷ ban châu Âu (EC) công bố hôm qua (25/5). Tuy nhiên, kế hoạch này được đánh giá là phức tạp cả về tư pháp lẫn chính trị.
Các đề xuất được EC đưa ra sẽ cho phép tịch thu các tài sản như du thuyền, biệt thự hoặc các tài khoản ngân hàng… đang bị đóng băng của hơn 1.000 nhà tài phiệt Nga và Belarus thuộc danh sách trừng phạt của EU.
Biện pháp này cũng sẽ áp dụng đối với hành vi tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt như mượn danh nghĩa người khác đứng tên tài sản hoặc sử dụng các công ty bình phong “núp bóng” hoạt động. Những cá nhân và thực thể liên quan bị kết tội hoạt động tội phạm, ví dụ như rửa tiền.
EC dự kiến sẽ bổ sung hành vi vi phạm các lệnh trừng phạt của EU vào danh sách “tội phạm châu Âu”, song song với các tội khủng bố, buôn người, lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ em, buôn bán bất hợp pháp ma túy và vũ khí…
Phát biểu trước báo giới, Uỷ viên phụ trách Tư pháp châu Âu ông Didier Reynders cho biết: "Về việc tịch thu và thu hồi tài sản, các hành động vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu sẽ bị coi là phạm tội và các tài sản liên quan cũng sẽ bị tịch thu. Đề xuất này sẽ được áp dụng đối với loại hình tội phạm mới này".
Uỷ viên phụ trách Tư pháp châu Âu Didier Reynders nhấn mạnh toàn bộ tài sản tịch thu được sẽ dùng để hỗ trợ tái thiết Ukraina sau khi cuộc xung đột kết thúc. Theo số liệu thống kê, EU hiện đang đóng băng khoảng 10 tỷ euro tài sản và phong toả khoảng 200 tỷ euro từ các giao dịch của các nhà tài phiệt Nga. Kể từ sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, đã có 1091 cá nhân và 80 thực thể thuộc Nga bị EU đưa vào vào danh sách trừng phạt.
Tuy nhiên, để có hiệu lực, đề xuất sẽ cần có sự đồng ý của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Đây sẽ là thử thách khó khăn trong bối cảnh phản ứng của mỗi thành viên đối với việc tịch thu tài sản thuộc Nga vẫn có sự khác nhau.
Về pháp lý, mới chỉ có 12 thành viên (Đan Mạch, Pháp, Croatia, CH Sip, Lettonia, Luxembourg, Hungary, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Thuỵ Điển) coi đây là tội phạm hình sự, trong khi các nước còn lại, nhất là Đức, chỉ đưa ra mức phạt nhẹ và mang tính chất hành chính.
Các nước Baltic và Ba Lan là những thành viên tích cực nhất trong việc kêu gọi EU tịch thu tài sản đang bị phong toả của Nga để hỗ trợ Ukraina, trong khi Hungary luôn là yếu tố khó lường khi vẫn phản đối gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga./.