Tại một xưởng sửa chữa dã chiến ở Kharkiv, một tiểu đoàn bảo trì đang sửa các xe tăng và phương tiện thiết giáp thu giữ của Nga, cùng với một số chiếc của Ukraine. Ảnh: The Washington Post
Khi các lực lượng Ukraine bắt gặp xe chiến đấu của Nga bị bỏ lại trên chiến trường, họ biết rằng mình đã tìm thấy một chiến lợi phẩm quý.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3, được trang bị súng máy 100 mm và pháo 30 mm, là một trong số ít xe loại này mà quân đội Ukraine đã thu giữ từ người Nga kể từ khi xung đột bắt đầu. Nhưng khoảng một tháng trước, sau nhiều tuần được vận hành bởi binh lính Ukraine, khoang động cơ và hệ thống tiếp nhiên liệu của nó bắt đầu gặp trục trặc.
Kể từ đó, phương tiện chiến đấu trên đã ngừng hoạt động, mắc kẹt tại một địa điểm sửa chữa ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine.
Theo tờ Washington Post, các lực lượng Ukraine đã thu giữ hàng trăm thứ mà họ gọi là "chiến lợi phẩm", gồm xe tăng, xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh của Nga, kể từ khi xung đột bùng phát.
Chúng đã trở thành những tài sản quý giá với Kiev. Tiểu đoàn bảo trì làm việc tại địa điểm sửa chữa này gọi đùa chúng là xe tăng "cho thuê", ám chỉ đến chương trình hồi Thế chiến thứ hai, khi Mỹ cung cấp cho Anh, Liên Xô và các quốc gia Đồng minh khác các thiết bị quân sự.
Một thành viên tiểu đoàn sửa chữa thuộc Lữ đoàn Cơ giới độc lập số 14 Ukraine đang sửa động cơ của một phương tiện chiến đấu. Ảnh: Washington Post
Nhưng nhiều xe tăng và các phương tiện khác đang bị mắc kẹt tại địa điểm sửa chữa này khi các lữ đoàn Ukraine vật lộn không tìm được các bộ phận cần thiết để sửa chữa, thay thế. Đơn vị ở đây, một tiểu đoàn bảo trì thuộc Lữ đoàn Cơ giới độc lập số 14, đã không thể tìm thấy các bộ phận cần thiết cho chiếc BMP-3.
Ruslan, chỉ huy 47 tuổi của tiểu đoàn bảo trì, cho biết: "Rõ ràng là chúng nên ra trận chứ không phải ngồi trong kho chứa".
Để tìm các bộ phận sửa xe, trước tiên tiểu đoàn cần tìm những bộ phận giống hệt nhau. Không giống như các mẫu trước đây của loại phương tiện chiến đấu này, BMP-3 không thể sửa chữa bằng cách sử dụng các bộ phận từ các phương tiện tương tự của Ukraine.
Ruslan cho biết, có thể một lữ đoàn khác có phương tiện phù hợp, nhưng không có hệ thống định vị các bộ phận để điều phối. Ông gợi ý rằng các lực lượng vũ trang Ukraine có thể được hỗ trợ từ một chương trình hoặc cơ sở dữ liệu theo dõi các bộ phận tương thích giữa các lữ đoàn. "Như thế sẽ tiết kiệm thời gian, tiết kiệm rất nhiều tài nguyên", Ruslan nói.
Một sĩ quan phụ trách báo chí của Lữ đoàn 14, lữ đoàn duy nhất đã chiến đấu trên tất cả các mặt trận chính kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, nói đùa rằng tính cách của người Ukraine là thu thập và tích trữ những tài sản quý giá. Không phải lúc nào cũng dễ dàng với việc yêu cầu một lữ đoàn khác cung cấp xe tăng hoặc phương tiện chiến lợi phẩm cho nhau.
Tại vùng Donetsk, Vadym Ustymenko, thành viên một đơn vị xe tăng thuộc Lữ đoàn tấn công đổ bộ đường không số 25 của Ukraine, cho biết anh đã thay xe tăng "sáu hoặc bảy lần" trong 7 tháng qua vì chúng thường xuyên phải sửa chữa. Ustymenko hiện đang chiến đấu trên chiếc xe tăng T-80 - một trong những mẫu xe tốt nhất trong kho vũ khí của Ukraine.
Lữ đoàn 25 là đơn vị đầu tiên tiến vào thành phố Izyum sau khi lực lượng Nga rút lui khỏi vùng Kharkiv vào tháng 9, bỏ lại một lượng lớn xe tăng và xe bọc thép chở quân.
Bên trong xưởng sửa chữa dã chiến của Lữ đoàn Cơ giới độc lập số 14. Ảnh: Washington Post
Ustymenko nói: "Chỉ riêng về xe tăng, thực sự có rất nhiều nhưng chẳng mấy chiếc đang hoạt động. Những chiếc mà bạn chỉ cần khởi động hoặc mất vài phút là có thể nổ máy thì đếm trên đầu ngón tay. Những chiếc cần một số sửa chữa để chạy được có lẽ chiếm 30%. Và 50% còn lại như phế liệu, đòi hỏi rất nhiều công sức [sửa chữa]."
Một người lính khác trong đơn vị của Ustymenko cho biết, với những chiếc xe tăng đang ở trong tình trạng tồi tệ thì một số có thể trở thành "nhà tài trợ" các bộ phận cần thiết cho những chiếc khác. Do vũ khí của Ukraine phần lớn có từ thời Liên Xô nên một chiếc xe tăng hơn 30 năm tuổi có thể được cải tiến với phụ tùng thay thế từ một mẫu xe mới 5 năm tuổi thu được của Nga.
Những người lính trong đơn vị của Ustymenko cho biết họ thỉnh thoảng liên lạc với các lữ đoàn khác để hỏi phụ tùng thay thế. Một người nói rằng anh đã hỏi xin một số đạn dược cho xe tăng của họ từ một lữ đoàn trong khu vực và bị từ chối.
Mặc dù Ukraine thường có thể tự sửa chữa thiết bị của mình ở ngay trên tiền tuyến hoặc gần đó, với các phụ tùng thay thế có sẵn, nhưng nếu thiết bị do phương Tây cung cấp bị hỏng, thì thường sẽ được kéo trở lại một cơ sở của NATO ở Ba Lan. Điều đó có thể có nghĩa là Kiev phải loại bỏ một khẩu lựu pháo quan trọng khỏi chiến trường trong nhiều tuần.
Địa điểm sửa chữa phương tiện quân sự ở vùng Kharkiv, đông bắc Ukraine. Ảnh: Washington Post
Daria Kaleniuk, giám đốc điều hành của Trung tâm hành động chống tham nhũng ở Ukraine, cho biết: "Các loại vũ khí đến từ Mỹ chủ yếu là từ các kho dự trữ, vì vậy, chúng không phải là mới". Bà đã gặp gỡ các chính trị gia phương Tây để vận động hỗ trợ Ukraine máy bay chiến đấu và xe tăng chiến đấu hiện đại. "Việc gửi vũ khí hỏng cho Ba Lan [để sửa chữa] thường chậm trễ và gây thất vọng lớn cho quân đội Ukraine", bà Kaleniuk nói.
Tại địa điểm sửa chữa dã chiến ở vùng Kharkiv, các thành viên của tiểu đoàn bảo trì đang hì hục với hai xe tăng Nga và một số xe thiết giáp chở quân, sửa chữa động cơ, hệ thống lái và tháp súng máy. Một trong những việc đầu tiên đơn vị này làm khi sửa chữa một chiến lợi phẩm là sơn lại nó, loại bỏ biểu tượng "Z" của người chủ cũ.
Thông thường, phần khó khăn nhất trong việc sửa chữa xe tăng Nga chỉ đơn giản là xác định vấn đề nó gặp phải, ông Ruslan cho biết.
Mỗi lữ đoàn Ukraine có một đơn vị bảo trì, chuyên tìm kiếm các thiết bị bỏ lại trên chiến trường và đưa chúng đến điểm sửa chữa. Ảnh: Washington Post
Mỗi lữ đoàn Ukraine đều có một đơn vị trinh sát kỹ thuật chuyên tìm kiếm xe tăng và thiết bị bị bỏ lại trên thực địa, sau đó vận chuyển chúng đến địa điểm sửa chữa. Xe tăng và các phương tiện đã trở nên dễ dàng tìm thấy hơn từ khi lá cây trút xuống trong mùa đông, cải thiện tầm nhìn.
Nhưng những tháng mùa đông cũng tạo điều kiện khắc nghiệt hơn cho xe tăng và thiết bị, gây hao mòn nhiều hơn.
Tình trạng mất điện liên tục cũng gây ra một trở ngại nữa. Việc mất điện gần như hàng ngày tại địa điểm sửa chữa làm trì hoãn công việc của nhóm. Ngay cả một máy phát điện cũng không đủ để cung cấp năng lượng cho tất cả các công cụ họ cần để sửa chữa thiết bị.