Sự kiện này được lên kế hoạch diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 4/11, tại khu vực Kherson trên thao trường Yagorlyk. Cuộc tập trận sẽ đi kèm với việc bắn đạn thật từ các hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 và S-300PT. Ngoài ra, tiến hành thử nghiệm kiểm tra đối với tên lửa của S-300 (PT, PS và V1) và tên lửa S-125-2D1.
Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine thông báo, cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ được thực hiện trong không phận Ukraine trên Biển Đen. Ukraine cũng tuyên bố đóng cửa không phận khu vực này để phục vụ cuộc tập trận.
Vào ngày 30-31/11, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg sẽ tới tham dự cuộc tập trận. Đồng thời, nhóm 4 tàu chiến thuộc Cụm Hải quân thường trực quét mìn của NATO cũng đã vào cảng Odessa. Bao gồm các tàu: ESPS Sella của Tây Ban Nha, Ros Lupu Dinescu của Rumani, BGS Shkval của Bulgaria và ITS Numana của Ý.
Ông Stoltenberg sẽ có bài phát biểu trước toàn bộ học viên của Đại học Hàng hải Quốc gia Odessa (ONMU) và quan sát việc bắn các hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 và S-300PT.
Buk-M1 (NATO gọi là SA-11) là một dòng hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung tự hành tiên tiến được phát triển bởi Liên Xô, chính thức ra đời vào năm 1984.
Hệ thống này được trang bị đài radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu 9S18M1 Kupol-M1 sử dụng ăng ten mảng pha, các thành phần đặt trên xe tự hành bánh xích mới GM-567M có tính năng vượt trội so với các phiên bản phòng không trước đây của Liên Xô.
Buk-M1 sử dụng radar dẫn đường và nhận dạng mục tiêu nâng cấp, giúp tăng cự ly hoạt động thêm 25 - 30% so với phiên bản tiền nhiệm.
Khả năng chống nhiễu của radar trên xe mang phóng cao gấp 2 lần so với loại lắp trên TELAR 9A310 của Buk cơ bản. Xác suất nhận dạng chính xác các mục tiêu khí động học và tên lửa đạn đạo của Buk-M1 được tăng lên 60%.
Sử dụng đạn tên lửa 9M38 (tầm bắn 35 km) nhưng xác suất tiêu diệt mục tiêu chỉ bằng 1 phát bắn của Buk-M1 đã tăng lên 95% so với 90%. Cho đến hiện tại, đây vẫn là một trong số những hệ thống phòng không tầm trung nguy hiểm nhất thế giới.