Vấn đề lớn của nước Mỹ
Quân đội Hoa Kỳ ngày 4/2 bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc (mà Bắc Kinh nói là khí cầu thời tiết). Liên tiếp sau đó là vụ bắn hạ 2 vật thể bay không xác định hôm thứ Sáu và thứ Bảy (10-11/2) trên không phận nước này và Canada. Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nói với ABC News rằng có khả năng những UFO này cũng là khinh khí cầu.
Khinh khí cầu của Trung Quốc bị bắn hạ trên không phận Mỹ. (Video: The Telegraph).
Chủ nhật (12/2), quân đội Mỹ tiếp tục bắn hạ một vật thể bay thứ 4, lần này trên vùng hồ Huron ở bang Michigan.
Sau loạt hành động như thế, dư luận Mỹ yêu cầu cộng đồng tình báo nước này phải làm sáng tỏ điều gì đang xảy ra trên bầu trời nước Mỹ.
Báo cáo của Mỹ về UFO trong tháng 1 có phát hiện nổi bật: Số lần nhìn thấy UFO tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 3/2021 đến tháng 8/2022, trong thời gian đó, 247 lần ghi nhận UFO được báo cáo, chủ yếu là từ các phi công và nhân viên của Lực lượng Không quân và Hải quân Hoa Kỳ. Con số này gần gấp đôi so với 144 lần nhìn thấy UFO được báo cáo trong khoảng thời gian 17 năm từ 2004 - 2021.
Báo cáo cho rằng con số trên gia tăng có thể do việc ghi nhận các sự vụ liên quan UFO không còn bị “kỳ thị” như trước. Thậm chí Lầu Năm Góc đang tích cực thúc đẩy các nhân viên của mình báo cáo bất kỳ “sự kiện dị thường" nào được chứng kiến trên bầu trời.
Thật vậy, vào tháng 7/2022, một bộ phận mới đã được thành lập ở Lầu Năm Góc - Văn phòng xử lý các sự kiện bất thường trong mọi lĩnh vực. Cơ quan này có chức năng điều tra các trường hợp nhìn thấy UFO đáng tin cậy của cộng đồng tình báo và quân đội Hoa Kỳ.
Đây là một phần trong nỗ lực tương đối mới của Quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc nhằm hiểu rõ hơn 500 lần nhìn thấy UFO đáng tin cậy trong vài thập kỷ qua.
Báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ cũng cho thấy phần lớn trong số ghi nhận đó, 163 lần, là các loại bóng bay hoặc “các thực thể giống như bóng bay”. Trong khi có 26 lần ghi nhận hệ thống máy bay không người lái (drone). Ngoài ra có một số lần là “do sự bất thường hoặc sai lệch của cảm biến, chẳng hạn như lỗi của người vận hành hoặc thiết bị”.
Tuy nhiên, có 171 lần nhìn thấy vật thể không xác định mà không có lời giải thích nào được đưa ra và trong số đó có một số vật thể “thể hiện đặc điểm bay hoặc khả năng hoạt động bất thường”.
Báo cáo cũng lưu ý việc nhìn thấy UFO “ tiếp tục xảy ra trong không phận bị hạn chế hoặc nhạy cảm, làm dấy lên những quan ngại có thể xảy ra đối với sự an toàn của các chuyến bay ”. Báo cáo này nói thêm rằng những lần ghi nhận trên có thể liên quan đến "hoạt động thu thập của kẻ thù", gợi đến việc UFO được tìm thấy xung quanh các cơ sở quân sự nhạy cảm của Hoa Kỳ có thể do một thế lực nước ngoài đang theo dõi chúng.
Chắc chắn còn nhiều điều cần tìm hiểu về 171 lần phát hiện UFO chưa có lời giải thích xác đáng đó. Phải chăng những cường quốc nước ngoài đang thăm dò hệ thống phòng không của Mỹ? Hay chúng chỉ vô hại, chẳng hạn như khinh khí cầu bị lạc?
Theo CNN, quốc hội Mỹ cần triệu tập các phiên điều trần để đi đến tận cùng sự việc. Tờ báo đặt vấn đề người dân Mỹ có quyền biết tại sao tồn tại các vật thể bay xung quanh không phận Mỹ mà Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo Mỹ không thể xác định được
Khởi nguồn các vụ điều tra UFO trong Chiến tranh Lạnh
UFO không phải vấn đề mới của nước Mỹ, và cũng không phải lần đầu tiên cường quốc này xem nó là chuyện hệ trọng. Có rất nhiều vụ việc liên quan UFO được ghi nhận sau Thế chiến thứ 2, nhưng có 3 vụ điều tra nổi bật nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và dự án Blue Book tồn tại lâu nhất.
Một nhân viên chính phủ đã chụp ảnh một UFO lơ lửng trong 15 phút gần Trung tâm Phát triển Hàng không Holloman ở New Mexico, ngày 16/12/1957.(Ảnh: Bettmann/Getty Images)
Chiều ngày 24/6/1947, phi công Kenneth Arnold đang bay gần núi Rainier, bang Washington, thì bất ngờ phát hiện 9 vật thể lạ ở phía chân trời. Arnold khẳng định các vật thể bay chao đảo từ bên này sang bên kia và lộn nhào đồng loạt giống như “đuôi của một con diều Trung Quốc”. Ông ước tính chúng di chuyển với tốc độ khoảng 1.700 dặm/h (tương đương 2.735km/h) - nhanh hơn nhiều so với bất kỳ máy bay nào ở thời điểm đó. Ban đầu, ông cho rằng các vật thể phi vật lý đó phải là phương tiện quân sự bí mật, nhưng sau đó ông thừa nhận vụ việc là “ điều bí ẩn đối với tôi cũng như đối với mọi người khác ”.
Câu chuyện kỳ lạ của Arnold nhanh chóng được đăng tải trên các tờ báo trên toàn nước Mỹ. Các phóng viên đã chộp lấy mô tả của ông về các vật thể chuyển động “giống như một chiếc đĩa nếu bạn phi chúng lướt qua mặt nước”. Trong vòng vài ngày, thuật ngữ “đĩa bay” ra đời.
Vụ việc được kết nối với một sự cố nổi tiếng khác vào tháng 7/1947 tại Roswell, New Mexico. Thời điểm này, Lực lượng Không quân Mỹ tuyên bố một khinh khí cầu thời tiết quân sự bị tưởng nhầm thành tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh. Cuộc chạm trán của Arnold đã giúp khơi dậy làn sóng nhìn thấy “đĩa bay” trên khắp nước Mỹ. Quân đội gạt bỏ hầu hết các “cuộc chạm trán” này như một sự nhầm lẫn hoặc chỉ là trò đùa. Nhưng trên thực tế, có nhiều báo cáo trong số đó đến từ các kiểm soát viên không lưu và phi công thương mại—những người được đào tạo để tìm kiếm trên bầu trời bằng con mắt sáng suốt. Ngoài ra những sự kiện kỳ lạ này cũng trùng hợp với thời điểm bắt đầu Chiến tranh Lạnh, khiến nhiều người suy đoán rằng những vật thể bí ẩn trên có thể là máy bay do thám của Liên Xô.
Từ đó, các cuộc điều tra chính thức của chính phủ về các hiện tượng bí ẩn đã bắt đầu.
Bước đột phá đầu tiên: Dự án Sign
Sau một cuộc điều tra chính thức của Lực lượng Không quân, Trung tướng Nathan Twining đã đưa ra một bản ghi nhớ vào cuối năm 1947 mô tả hiện tượng “đĩa bay” là “một thứ gì đó có thật chứ không phải ảo tưởng hay hư cấu”. Ông đề nghị quân đội tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc của những lần nhìn thấy.
Đến năm 1948, Lực lượng Không quân đã khởi xướng “Dự án Sign”, cơ quan đầu tiên trong ba cơ quan quân sự được giao nhiệm vụ thu thập và phân tích các báo cáo về cái được gọi là “Vật thể bay không xác định”. Các nhà điều tra của dự án nhanh chóng kết luận rằng UFO không đến từ phía sau Bức màn sắt (ND: biên giới vật lý cũng như tư tưởng của 2 phe trong chiến tranh thế giới thứ 2). Đặc điểm bay của chúng đơn giản là không trùng khớp với đặc điểm của bất kỳ máy bay nào do con người tạo ra. Nhưng có thể một số người trong nhóm điều tra đã bị ảnh hưởng bởi ý tưởng rằng UFO không thuộc thế giới này.
Một bản in ngày 14/4/1561 tại Nuremberg, mô tả hiện tượng thiên thể xảy ra ở Nuremberg ngày 4/4/1561. Trong những năm gần đây, bản in này được coi là bằng chứng về việc nhìn thấy UFO từ lịch sử tiền hàng không.
Theo sĩ quan Không quân Edward Ruppelt và những người nghiên cứu UFO cho chính phủ, Dự án Sign đã đưa ra một báo cáo vào mùa hè năm 1948 suy đoán rằng những lần nhìn thấy có thể là bằng chứng của "liên hành tinh" hoặc phi thuyền ngoài trái đất. Lãnh đạo của Lực lượng Không quân được cho là đã bác bỏ và tiêu hủy những báo cáo này với lý do không có bằng chứng chắc chắn cho kết luận của nó. Cho đến ngày nay, không có bản sao nào của báo cáo này đã từng được phục hồi.
Dự án Sign kết thúc cuối năm 1948 và được thay thế bằng Dự án Grudge tồn tại trong một thời gian ngắn. Dự án này sau đó đã được tiếp nối vào năm 1951 bởi Dự án Blue Book nổi tiếng. Có trụ sở tại Căn cứ Không quân Wright-Patterson gần Dayton, Ohio, Blue Book đóng vai trò là kho lưu trữ chính của chính phủ về việc nhìn thấy các hiện tượng trên không không xác định. Trong 18 năm tiếp theo, đội ngũ nhân viên ít ỏi của nó đã điều tra hàng nghìn báo cáo và thường xuyên đi vào thực địa để phỏng vấn những người Mỹ đã trải qua những cuộc chạm trán gần với tất cả các loại vật thể bay có hình đĩa hay những tên lửa hình điếu xì gà với ánh sáng rực rỡ vào ban đêm.
Kỷ nguyên Blue Book bắt đầu với một dấu ấn lớn. Dự án Sign and Grudge chỉ thu thập được trung bình khoảng 170 báo cáo về UFO mỗi năm, nhưng riêng trong năm 1952 đã có tới 1.501 lần nhìn thấy UFO - một con số chưa từng có.
Sự kiện có lẽ phi thường nhất đã xảy ra vào tháng 7/1952, khi một loạt đốm sáng bất thường đột nhiên làm sáng màn hình radar trên khắp thủ đô Washington, D.C. Quân đội Mỹ hoang mang đến mức điều máy bay phản lực đánh chặn. Thế nhưng, các phi công báo cáo đã nhìn thấy ánh sáng rực rỡ nhảy múa trên bầu trời đêm nhưng không thể bắt được bất cứ thứ gì.
Sau sự việc trên, Không quân Mỹ đã tổ chức một cuộc họp báo, Thiếu tướng John Samford lúc đó cho biết chính phủ sẽ tiếp tục điều tra các báo cáo được đưa ra bởi “những nhà quan sát đáng tin cậy về những điều tương đối khó tin”. Samford cho biết các sự kiện trên ở Washington có thể chỉ đơn giản là “hiện tượng đảo nhiệt" - các lớp không khí ấm áp có thể gây ra quang sai radar - và ông đảm bảo với người Mỹ rằng UFO không tạo ra "bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào đối với Hoa Kỳ".
Điều tra hay vạch trần?
Bất chấp tuyên bố của Samford, nhiều người trong chính quyền của Tổng thống Harry Truman thực sự lo ngại rằng UFO là mối nguy hiểm. Cho dù những cảnh tượng đó là có thật hay chỉ là sự hoảng loạn tập thể, các báo cáo từ những người dân hoảng loạn đã khiến các kênh liên lạc liên bang liên tục tắc nghẽn. Một số người trong CIA thậm chí còn tin rằng Liên Xô có thể dàn dựng một vụ UFO để giúp che đậy một cuộc tấn công vào Mỹ.
Câu lạc bộ đĩa bay của Mỹ, có trụ sở chính tại Los Angeles, công bố bức ảnh do một thành viên chụp được vật thể giống đĩa bay vào ngày 16/6/1963.
Tháng 1/1953, CIA triệu tập một nhóm chuyên gia dưới sự chỉ đạo của nhà vật lý từ trường CalTech, H.P. Robertson, để xem xét vấn đề đĩa bay. “Nhóm Robertson” này đã kết luận rằng hầu hết các trường hợp nhìn thấy UFO có thể dễ dàng được giải thích là ảo ảnh quang học hoặc hiện tượng thời tiết vô hại.
Tuy nhiên, nhóm đề nghị chính phủ nên thực hiện các bước để vạch trần các sự kiện UFO để giúp ngăn chặn sự náo động tiềm tàng của công chúng. Trong một động thái có thể đã cung cấp “nhiệt” những người theo thuyết âm mưu nhiều năm sau, họ cũng gợi ý rằng liên bang nên xoa dịu dân chúng bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, những người nổi tiếng và thậm chí cả Công ty Walt Disney để chế giễu và làm mất uy tín của UFO.
Tiến sĩ Thiên văn học J. Allen Hynek, năm 1972. (Ảnh: History.com)
Với sự giúp đỡ của nhà thiên văn học dân sự J. Allen Hynek, các nhà điều tra của Dự án Blue Book đã dành vài năm tiếp theo để gán ghép các vụ nhìn thấy UFO vào những thứ như trò lừa bịp, máy bay bị xác định nhầm, cho đến chim, bóng bay thời tiết, hiện tượng thiên văn và các vệt khói… Nhóm đã giải quyết thành công hàng nghìn trường hợp, tuy nhiên lời giải thích của họ thường có vẻ khó tin như chính các báo cáo ban đầu vậy. Một UFO năm 1966 ở Michigan được cho là do “khí đầm lầy”. Còn vào năm 1968, Blue Book kết luận những ánh sáng kỳ lạ di chuyển trên vùng trời Bắc Dakota mà một nhóm phi công B-52 chứng kiến chỉ đơn giản là hình ảnh ngôi sao Vega.
Trong số nhiều người đã dành những lời lẽ gay gắt cho các phương pháp của Blue Book, không ai khác chính Tiến sĩ Hynek, người đã làm việc với chương trình kể từ những ngày của Dự án Sign, đã đứng đầu cho việc vạch trần dự án này. “Toàn bộ hoạt động của Blue Book là một sự lừa dối”, ông viết vào những năm 1970. “Đã không ai quan tâm đến việc thu thập những dữ liệu cần thiết, cho dù chỉ đế xác định bản chất của hiện tượng UFO.
Sau lời giải thích nổi tiếng về “khí đầm lầy” của Blue Book và những nỗ lực xa vời khác nhằm đưa UFO vào danh mục “đã được xác định”, Tổng thống tương lai Gerald Ford -lúc đó là nghị sĩ bang Michigan - đã kêu gọi một cuộc điều tra “toàn diện” của Quốc hội để “xoa dịu mọi lo ngại” rằng Lực lượng Không quân Mỹ đã tham gia vào một vụ che đậy. Kết quả là một nghiên cứu độc lập về UFO do chính phủ liên bang tài trợ và do Đại học Colorado thực hiện được đưa ra. Được dẫn dắt bởi nhà vật lý Edward U. Condon, nhóm hoạt động lần đầu tiên vào cuối năm 1966 trước khi công bố phát hiện của mình trong một cuốn sách dài năm 1968 có tiêu đề “Nghiên cứu khoa học về các vật thể bay không xác định”.
Báo cáo Condon đã đưa ra những phát hiện rõ ràng: “ Kết luận chung của chúng tôi là không có gì thu được từ nghiên cứu về UFO trong 21 năm qua đã bổ sung thêm cho kiến thức khoa học ”, nó viết. “ Trên cơ sở kiến thức hiện tại, lời giải thích ít có khả năng nhất về UFO là giả thuyết về các chuyến viếng thăm của người ngoài Trái đất ”.
Tuy các nhà phê bình cho rằng nghiên cứu này có sự thiên lệch — chính Condon mô tả nó là một “sự thất bại” và “vô nghĩa” — nhưng những phát hiện của nó đã thuyết phục Lực lượng Không quân cuối cùng rút khỏi Dự án Blue Book. Vào ngày 17/12/1969, Tư lệnh Lực lượng Không quân đã công bố một bản ghi nhớ thông báo rằng nghiên cứu “không còn có thể được biện minh trên cơ sở an ninh quốc gia hoặc vì lợi ích của khoa học”.
Trên cơ sở kiến thức hiện tại, lời giải thích ít có khả năng nhất về UFO là giả thuyết về các chuyến viếng thăm của người ngoài Trái đất. Nhà vật lý Mỹ Edward U. Condon, 1969
Đến lúc đó, Blue Book đã phân tích 12.618 trường hợp vật thể bay trên bầu trời Mỹ, 701 trong số đó vẫn “không xác định được”. Vài ngày sau, một bài xã luận của New York Times cho biết quyết định đóng Blue Book nên được “hoan hô” như một chiến thắng của lý trí. “ Chắc chắn những tín đồ thực sự sẽ tiếp tục cuộc tìm kiếm ”, bài báo nói thêm, “ hơn bao giờ hết họ tin chắc rằng một số âm mưu quan liêu đang tìm cách bưng bít tin tức rằng trái đất đang bị người ngoài hành tinh do thám ”.
Với sự kết thúc của Dự án Blue Book, chính phủ liên bang đã chính thức ngừng quan tâm tới UFO. Tổng thống Jimmy Carter sau đó đã đề nghị NASA xem xét chủ đề này vào năm 1979, nhưng cơ quan này đã từ chối với lý do không có đủ bằng chứng hữu hình để đảm bảo một nghiên cứu có kết quả. Tuy nhiên, một số quốc gia phương Tây khác đã tiếp tục điều tra. Một “hội nghị UFO” do Bộ Quốc phòng Anh điều hành vẫn hoạt động cho đến tận năm 2009. Và Pháp vẫn tiếp tục theo dõi bầu trời cho đến ngày nay dưới sự bảo trợ của GEIPAN, một cơ quan chính phủ có nhiệm vụ thu thập và phân tích các báo cáo về UFO.