UAV vào sâu lãnh thổ Nga, phá hủy 2 máy bay, 3 quân nhân thiệt mạng

Hồng Anh |

Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/12 cáo buộc Ukraine sử dụng máy bay không người lái (UAV) thực hiện cuộc tấn công nghiêm trọng chưa từng có vào sâu trong lãnh thổ Nga trong cuộc chiến kéo dài hơn 9 tháng qua.

Theo Điện Kremlin, vũ khí mà Ukraine sử dụng là máy bay không người lái có từ thời Liên Xô. Chúng tấn công các căn cứ Ryazan và Engels, cách biên giới Ukraine gần 500km. Các lực lượng Nga đã đánh chặn những máy bay không người lái này, nhưng vụ nổ đã làm hư hỏng 2 máy bay, khiến 3 quân nhân thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Một quan chức giấu tên của Ukraine cũng cho biết, các UAV được phóng từ lãnh thổ Ukraine và ít nhất một cuộc tấn công được thực hiện với sự trợ giúp của các lực lượng đặc nhiệm ở gần căn cứ. Họ đã hướng dẫn UAV tìm đến mục tiêu.

UAV vào sâu lãnh thổ Nga, phá hủy 2 máy bay, 3 quân nhân thiệt mạng - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hậu quả của vụ nổ tại căn cứ không quân Dyagilevo của Nga. Nguồn: Imagesat International

Đây không phải lần đầu tiên Nga cáo buộc Ukraine tấn công lãnh thổ nước này, nhưng nếu vụ việc ngày 5/12 là do Kiev thực hiện thì đó sẽ là cuộc tấn công sâu nhất của Ukraine trên lãnh thổ Nga. Trước đó, Ukraine hầu như chỉ nhắm vào những căn cứ không quân của Nga ở gần biên giới nước này, chẳng hạn như Crimea hoặc những nơi mà máy bay không người lái cảm tử hay tên lửa đạn đạo tầm ngắn dễ tiếp cận.

Sân bay Engels nằm trên sông Volga ở miền Nam nước Nga, là căn cứ của một số máy bay ném bom tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trong đó có Tupolev-160 và Tupolev-95. Các quan chức Ukraine cho biết căn cứ này là bàn đạp cho chiến dịch tấn công tên lửa không ngừng nghỉ của Nga vào cơ sở hạ tầng nước này, gây ra tình trạng mất điện, nước trên diện rộng. Vụ nổ thứ hai xảy ra tại căn cứ quân sự Dyagilevo ở trung tâm thành phố Ryazan, cách Moscow 112km, theo Bộ Quốc phòng Nga. Vụ nổ tại căn cứ này đã gây thương vong cho các binh sỹ Nga.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky chưa xác nhận về việc tấn công bất cứ nơi nào trong số 2 sân bay trên. Nhưng trong thông báo trên Twitter, ôn Mykhailo Podolyak - Cố vấn Tổng thống Zelensky đã đưa ra những thông điệp đầy ẩn ý: "Theo khám phá của Galileo – trái đất hình tròn. Nếu các vật thể bay không xác định được phóng vào không phận quốc gia khác thì sớm hay muộn nó cũng sẽ quay trở lại điểm xuất phát".

Max Bergmann, cựu nhà ngoại giao Mỹ và chuyên gia về an ninh châu Âu và Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định: "Ukraine nhiều khả năng muốn gửi thông điệp tới Nga rằng, bất cứ bên nào cũng phải trả giá trong một cuộc xung đột. Không chỉ Ukraine mà cả Nga cũng dễ bị tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa tầm xa. Điều đó có thể mang lại cho Kiev một số đòn bẩy trên bàn đàm phán".

Ukraine được cho là đã sử dụng máy bay không người lái theo những cách chưa từng có, đồng thời chỉnh sửa các UAV cũ để thực hiện chức năng mới. Tiến sĩ Matthew Schmidt, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị và An ninh Quốc gia thuộc Đại học New Haven nhận định, nếu thông tin mà phía Nga đưa ra là chính xác, thì sẽ có 2 câu hỏi cần được giái đáp. Thứ nhất, máy bay không người lái này có phải do Ukraine chế tạo hay không? Thứ hai, làm cách nào họ có thể vận hành và kiểm soát chúng ở khoảng cách xa như vậy.

Theo chuyên gia Matthew Schmidt, Ukraine nhiều khả năng có một số công nghệ để chế tạo những máy bay không người lái hiện đại, song ông nghi ngờ về việc Kiev có động cơ cần thiết cho UAV để chúng có thể bay tới căn cứ của Nga ở khoảng cách xa như vậy. Sân bay Engels-2 nằm cách biên giới Ukraine 724km, nhưng UAV có lẽ sẽ phải bay ở khoảng cách xa hơn từ điểm cất cánh của chúng tại những vùng lãnh thổ do Kiev kiểm soát, ông lưu ý.

"Tôi dự đoán động cơ có thể được lấy từ nơi khác. Các tuyến liên kết kiểm soát và chỉ huy ở phạm vi xa như vậy, cho thấy UAV có thể được kiểm soát bằng trí tuệ nhân tạo hoặc vệ tinh thông tin. Điều này đặt ra câu hỏi vệ tinh của bên nào đang giúp liên kết UAV của Ukraine với trạm vận hành trên mặt đất".

Trước đó, phương Tây đã từ chối cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa, có thể tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga nhằm tránh bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc xung đột. Tuy nhiên, nhà sản xuất vũ khí Ukroboronprom của Ukraine cho biết, họ đang "hoàn thiện quá trình phát triển" một loại máy bay không người lái tầm xa với đầu đạn nặng 74kg với tầm bắn gần 1.000km. Cuối tuần qua, Ukroboronprom thông báo đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm đối với UAV mới.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Natalia Sad – Người phát ngôn của Ukroboronprom cho biết: "Chúng tôi hy vọng có thể thử nghiệm nó trong chiến đấu".

Giới phân tích cho rằng, nếu cuộc tấn công là do Ukraine tiến hành thì điều này cho thấy sự sẵn sàng của Kiev trong việc mở rộng chiến dịch tấn công, có nguy cơ khiến xung đột leo thang. Ngay sau các vụ nổ tại căn cứ quân sự, Nga đã phóng một loạt tên lửa về phía các thành phố của Ukraine.

Nhưng mối liên hệ giữa các vụ nổ tại căn cứ không quân Nga và đợt không kích mới nhất của máy bay ném bom chiến lược mà Nga triển khai vẫn chưa rõ ràng. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng đã tiến hành một đợt tấn công mới sử dụng hơn 100 tên lửa hành trình vào nhiều khu vực tại Ukraine.

Một số chuyên gia cho rằng, cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga dường như đã được lên kế hoạch từ trước. Hình ảnh vệ tinh được công bố ngày 4/12 cho thấy có sự gia tăng đáng kể các hoạt động tại căn cứ không quân Engels-2 của Nga, với sự xuất hiện của các oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 và Tu-95 có năng lực ném bom hạt nhân. Thời điểm đó, các chuyên gia độc lập và Ukraine đánh giá, có khả năng Nga sẽ mở một cuộc không kích quy mô lớn vào lãnh thổ Ukraine. Vì thế, các vụ tập kích bằng UAV vào 2 sân bay của Nga nhiều khả năng nhằm mục đích phá vỡ kế hoạch tấn công này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại