Ngày 7/6, The Drive đăng tải một đoạn video về hoạt động của quân đội Nga ở miền Đông Ukraine cho thấy, UAV "cảm tử" (nhiều khả năng là UAV Lancet) Nga tấn công một đài radar TRML-4D của lực lượng vũ trang Ukraine.
Radar TRML-4D được xem là thành phần quan trọng của hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến IRIS-T do Đức chế tạo và viện trợ cho quân đội Ukraine gần đây.
Theo The Drive, quân đội Ukraine nhiều khả năng chỉ có duy nhất một đài radar TRML-4D trong biên chế. Nếu TRML-4D bị phá hủy thì đồng nghĩa với việc IRIS-T mất đi khả năng cảnh giới và tấn công.
Hiện tại vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại của TRML-4D sau vụ tấn công do chất lượng hình ảnh từ video thấp. Từ đoạn video có thể thấy rõ UAV Nga đã bỏ qua xe phóng theo đạn tên lửa IRIS-T và chọn TRML-4D làm mục tiêu.
Đài radar TRML-4D của IRIS-T trước và sau khi bị tấn công. (Ảnh: The Drive)
Đoạn video cũng cho thấy các binh sĩ Ukraine phát hiện UAV "cảm tử" Nga đang lao tới và họ quyết định rời khỏi đài radar TRML-4D.
Đối với các thiết bị khí tài quân sự điện tử như radar, việc bị tấn công dù hư hại một phần cũng ảnh hưởng đến cả hệ thống, nhất là khi radar có vai trò cảnh giới, phát hiện và dẫn bắn cho các hệ thống tên lửa phòng không đất đối không. Điều này có nghĩa hệ thống IRIS-T của Ukraine sẽ không thể tham chiến trong một thời gian dài.
IRIS-T là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của quân đội Đức, có giá lên đến 136 triểu USD cho mỗi đơn vị. Các cuộc thử nghiệm cuối cùng của IRIS-T chỉ vừa được Đức tiến hành vào cuối năm 2021 và quân đội Đức vẫn chưa đưa vào trang bị bất cứ hệ thống phòng không nào loại này.
Mỗi hệ thống IRIS-T bao gồm 3 thành phần: ba bệ phóng tên lửa di động, một đài radar cảnh giới và một chỉ huy với các thiết bị hỗ trợ được tích hợp. Trong đó Radar TRML-4D có thể theo dõi tối đa 1.500 mục tiêu với tầm hoạt động lý thuyết 250 km và đủ sức bám bắt tiêm kích ở khoảng cách trên 120 km.
IRIS-T có tầm bắn xa 40 km và đủ sức bắn hạ mục tiêu ở độ cao tối đa 20 km, được thiết kế để bảo vệ những địa điểm trọng yếu trước các cuộc tấn công từ máy bay, trực thăng, máy bay không người lái hay tên lửa. Đây được coi là một trong những lá chắn phòng không hiện đại nhất của Ukraine, giúp nước này lấp khoảng trống phòng thủ sau khi nhiều tổ hợp S-300 và Buk-M1 bị phá hủy.