"Hợp đồng đã được ký, nhưng theo yêu cầu muốn giấu tên của khách hàng nên toàn bộ các thông tin liên quan đều được giữ kín", ông I. Sevastyanov cho biết.
Tên lửa chống tăng Kornet-EM.
Trong khi đó, theo tờ báo địa phương Khaleedj Times, UAE chính là đối tác của Nga trong hợp đồng trên. Cụ thể, UAE đã chi ra 2,6 tỷ dirham (700 triệu USD) để mua 5.000 đạn tên lửa chống tăng của Nga và các dịch vụ hậu cần, đào tạo đi kèm. Với mức giá trên, tên lửa đặt mua nhiều khả năng là tổ hợp tên lửa Kornet-E/EM.
Liên quan tới hợp đồng trên, Chuẩn tướng Mohammed Rashid Al-Shamsi, phát ngôn viên chính thức của IDEX-2017, đã lên tiếng xác nhận. Tuy nhiên, ông này từ chối cung cấp thông tin có liên quan.
Kornet-EM được biết tới là thế hệ tên lửa chống tăng sử dụng nguyên tắc bám chùm tia la-de do Tổ hợp thiết kế KBP tại Tula phát triển. Nguyên tắc dẫn bắn của đạn tên lửa Kornet-EM là bám theo chùm tia la-de hệ thống bắn chiếu vào mục tiêu.
Điểm khác biệt lớn của Kornet-EM so với phiên bản tiêu chuẩn là đạn tên lửa mới có tốc độ bay cao, đạt tới 320m/giây, tầm bắn đạt tới 15km; chùm tia la-de chỉ thị mới chính xác và khó bị gây nhiễu hơn. Nhờ tốc độ đạn tên lửa cao, Kornet-EM có đủ khả năng tiêu diệt các mục tiêu bay thấp, ngoài mục tiêu truyền thống là mục tiêu trên bộ.
Đầu đạn xuyên phá hóa năng của Kornet-EM có thể xuyên thủng từ 1.000 tới 1.300mm thép cán đồng nhất (RHA). Đây là yếu tố cho phép Kornet-EM vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt các dòng xe tăng hiện đại nhất hiện nay.
Trong thực chiến, tại Yemen, phiên bản tiêu chuẩn Kornet-E đã tiêu diệt nhiều dạng phương tiện thiết giáp tiên tiến, trong đó có cả xe tăng M1A2 Abrams, một trong dòng xe tăng được đánh giá có khả năng sống sót tốt nhất thế giới hiện nay.