Chuyên gia xát muối vào nỗi đau của người Mỹ
Không quân Mỹ gây "ấn tượng" bằng một loạt những vấn đề nổi cộm ở các cấp như thiếu phi công, thiếu nhân viên kỹ thuật, thiếu máy bay.
Chương trình tái trang bị vũ khí của họ bị kéo dài khi giá tiêm kích F-35 đã vượt qua mọi giới hạn cho phép, còn những vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng lại chưa được giải quyết triệt để. Thế nhưng Lầu Năm Góc đang vội vàng bàn giao chúng cho quân đội bởi họ thực sự không còn lựa chọn nào khác.
Ngày càng có nhiều tướng lĩnh và các nhà phân tích quân sự Mỹ bày tỏ nỗi nhớ nhung liên quan tới tiêm kích F-22 Raptor mà họ cho là chiếc máy bay thành công nhất trong những năm gần đây.
Cùng với đó, họ nhìn vào dự án PAK-FA của Nga và máy bay mới J-20 của Trung Quốc với một sự lo lắng tột độ vì họ không có gì để mang ra so sánh. Nhà phân tích Dave Majumdar của Tạp chí The National Interest càng xát thêm muối vào vết thương này.
Ban đầu Majumdar nhắc lại rằng, Lockheed Martin chỉ xuất xưởng 187 máy bay "Raptor" thay vì 381 chiếc, sau đó hoạt động sản xuất bị dừng lại vì "hết tiền". Hawk Carlisle - Tướng Không quân Mỹ nói rằng, ông thường xuyên mơ ước một ngày nào đó F-22 sẽ được sản xuất trở lại.
Tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ.
Thực ra, hiện nay nhiều người ở Mỹ cho rằng, quyết định dừng sản xuất các máy bay tiêm kích này là sai lầm. Nhưng giấc mơ của tướng Carlisle có thành hiện thực hay không?
Dave Majumdar khiến cho tướng Carlisle phải thất vọng không chỉ liên quan tới khả năng hồi phục sản xuất mà thậm chí cả việc sửa chữa các máy bay "Raptor" hiện có cũng đang gặp phải nhiều vấn đề.
Thứ nhất, tại công ty "Lockheed Martin", trước khi đóng cửa dây chuyển sản xuất các máy bay này đã thề thốt rằng, tại các nhà kho vẫn còn đủ phụ tùng thay thế.
Tuy nhiên, từng xảy ra trường hợp khi các đội thợ sửa chữa phát hiện thấy những conteiner trống rỗng tại nhà kho, còn để chế tạo các chi tiết cần thiết là điều không thể vì dây chuyển sản xuất không chỉ đơn thuần bị dừng và đóng gói mà đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Không ai dám chắc sẽ mất bao nhiêu chi phí để phục hồi lại nó.
Thứ hai, hệ thống điện tử của "Raptor" thực sự đã lỗi thời và cần thiết phải tái trang bị lại toàn bộ. Làm sao có thể nói tới ưu thế nếu như tốc độ của các bộ vi xử lý trên những máy tính của F-22 chỉ ở mức 25Mhz – kém hơn nhiều so với các điện thoại thông minh hiện đại.
Còn các kỹ sư thiết kế của Nga và Trung Quốc, đương nhiên, sẽ lắp đặt trên các sản phẩm của mình hệ thống điện tử hiện đại thế hệ mới nhất. Qua đó, liệu có cần phải nói tới việc cái giá cho hành động phản ứng nhanh trong một cuộc không chiến hiện đại hay không?
Điều cay đắng thứ ba mà Majumdar mang tới cho các phi công Mỹ đó là thiết kế vỏ máy bay được nghiên cứu chế tạo từ những năm 80 của thế kỷ trước đã lỗi thời. Nga và Trung Quốc không gặp phải những vấn đề này.
Nếu như đến năm 2030, PAK-FA và J-20 sẽ trở thành những cỗ máy hoàn toàn hiện đại thì F-22 tới thời điểm đó sẽ giống chú khủng long to xác, y hệt như các máy bay thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Majumdar khẳng định rằng, dây chuyền sản xuất "Raptor" khó có thể được khôi phục trở lại, còn những vấn đề liên quan tới F-35 cũng khó có thể được giải quyết một sớm một chiều.
Nhưng căn cứ vào tất cả các vấn đề nêu trên, việc khôi phục dây chuyền sản xuất "Raptor" sẽ trở nên vô nghĩa vì nó đã lỗi thời. Một thông tin khó "nuốt trôi" đối với Không quân Mỹ đó là việc PAK-FA được đưa vào sản xuất hàng loạt sẽ khiến cho Mỹ không còn bất cứ phương tiện nào để giữ được ưu thế trên không của mình.
Tiêm kích PAK-FA của Nga
Tiêm kích PAK-FA liên tục lột xác
Bên cạnh đó, mới đây ông Alexandr Artyukhov - Tổng giám đốc Tập đoàn Chế tạo động cơ hàng không Thống nhất Nga chia sẻ bên lề Triển lãm Aero India 2017 đang được tổ chức tại Bangalor của Ấn Độ rằng các động cơ thiết kế dành riêng cho PAK-FA sẽ có công suất lực đẩy mạnh hơn 20% so với các động cơ thế hệ trước.
Hiện nay các chuyên gia Nga đang trang bị cho T-50 PAK-FA các động cơ giai đoạn thứ nhất được chế tạo trên nền tảng động cơ AL-41FP. Động cơ mới này giúp cho tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga có thể bay siêu âm toàn hành trình.
Lực đẩy của động cơ AL-41FP hiện đang được lắp đặt trên các máy bay thế hệ "4++" Su-35 và T-50 có công suất lớn hơn khoảng 18% động cơ AL-31FP trên máy bay Su-30MKI của Ấn Độ. Trong khi đó, động cơ mới thực sự của T-50 còn có công suất mạnh hơn AL-41FP khoảng 20%.