“Tuyệt chiêu" của Ấn Độ giúp Mỹ - Nga - Ấn cùng có lợi

Hữu Hiển |

Từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, Ấn Độ đã trở thành điểm trung chuyển chính cho dầu thô Nga, và xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Ấn Độ sang châu Âu, Mỹ cũng tăng mạnh.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng của Nga, bao gồm cấm vận hoặc cấm vận một phần đối với dầu thô do Nga sản xuất.

Tuy nhiên, Ấn Độ - đồng minh mới của Mỹ ở Nam Á – đang có một vai trò rất đặc biệt. Nước này không chỉ nhập khẩu rất nhiều dầu thô của Nga, mà còn thông qua một số "tuyệt chiêu" để bán thành công các sản phẩm dầu của Nga cho Mỹ và một số quốc gia châu Âu – những nước đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga, nhưng giá năng lượng tại nước họ đang tăng cao; từ đó giúp cho cả Mỹ, Nga và Ấn Độ cùng thu lợi, thậm chí được lợi rất nhiều.

Vậy Ấn Độ đã làm điều đó như thế nào?

Mỹ - Nga - Ấn cùng có lợi

Theo tờ Wall Street Journal của Mỹ, cách tiếp cận của Ấn Độ trước tiên là nhập khẩu một lượng lớn dầu thô từ Nga, loại dầu này đã được giảm giá rất nhiều bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây; rồi sau đó tinh chế dầu thô của Nga này thành xăng, dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác tại các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ; cuối cùng bán sang châu Âu và Mỹ dưới hình thức các sản phẩm do Ấn Độ sản xuất.

“Tuyệt chiêu của Ấn Độ giúp Mỹ - Nga - Ấn cùng có lợi - Ảnh 1.

Ấn Độ có khả năng trở thành "trung tâm lọc dầu" của châu Âu trong tương lai. Ảnh: 163.com

Tờ Wall Street Journal cũng nhận định, do sơ hở trong chính sách của Mỹ và các quốc gia liên quan khác, không có quy định rõ ràng về việc liệu dầu thô của Nga có bị trừng phạt sau khi được tinh chế thành các sản phẩm khác ở các nước bên thứ ba hay không, vì vậy cách làm của Ấn Độ không có vẻ gì là bất hợp pháp, ít nhất là vào lúc này.

Vì vậy, không ít chuyên gia đã nói rằng, cách làm này của Ấn Độ đã giúp 3 bên, thậm chí nhiều bên cùng có lợi: một mặt thì giúp Nga - nước đang bị phương Tây trừng phạt – tiêu thụ dầu thô; mặt khác, làm giảm bớt tình hình kinh tế khó khăn do giá dầu cao tại châu Âu và Mỹ; ngoài ra, Ấn Độ cũng kiếm được rất nhiều tiền.

“Tuyệt chiêu của Ấn Độ giúp Mỹ - Nga - Ấn cùng có lợi - Ảnh 2.

Lượng dầu thô của Nga được nhập khẩu tại các cảng Jamnagar và Sikka của Ấn Độ mỗi ngày. Nguồn: Wall Street Journal

Tờ Wall Street Journal cũng dẫn số liệu cho thấy, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Ấn Độ đã trở thành điểm trung chuyển chính cho dầu thô của Nga, nhập khẩu 800.000 thùng/ngày, so với trước xung đột là 30.000 thùng/ngày. Trong số đó, chỉ riêng tập đoàn năng lượng khổng lồ Ấn Độ Reliance Industries trong tháng 5 năm nay đã nhập khẩu lượng dầu thô của Nga gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, dữ liệu cũng cho thấy, kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine vào ngày 24/2, xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Ấn Độ sang châu Âu và Mỹ cũng tăng mạnh.

Nguy cơ hứng chịu "lệnh trừng phạt thứ cấp" của Mỹ

Một số kênh truyền thông Ấn Độ đã đăng lại bài báo của tờ Wall Street Journal. Tuy nhiên, các kênh truyền thông này của Ấn Độ cũng bày tỏ những lo ngại nhất định về cách làm của chính quốc gia họ, vì điều này có thể dẫn tới "lệnh trừng phạt thứ cấp" của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ.

“Tuyệt chiêu của Ấn Độ giúp Mỹ - Nga - Ấn cùng có lợi - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình bài báo trên tờ Business Standard của Ấn Độ.

Tuy nhiên, các nhà lọc dầu của Ấn Độ không nghĩ rằng họ đã làm sai bất cứ điều gì. Theo báo chí Ấn Độ, các nhà lọc dầu của nước này tin rằng, tờ Wall Street Journal đang cố tình bắt lỗi và muốn làm tổn hại đến sự phát triển của ngành lọc dầu Ấn Độ.

Một số phân tích của các kênh truyền thông Mỹ cũng chỉ ra rằng, việc châu Âu và Mỹ phong tỏa dầu thô của Nga đã mang lại cho ngành lọc dầu Ấn Độ những cơ hội phát triển chưa từng có, và Ấn Độ có khả năng trở thành "trung tâm lọc dầu" của châu Âu trong tương lai.

Ngoài ra, bên cạnh cách "lọc dầu để kiếm tiền chênh lệch" của Ấn Độ, tờ Wall Street Journal trước đó đã đưa ra một biện pháp khác để lách lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ đối với dầu thô của Nga. Biện pháp này cũng đã được sử dụng bởi những người mua dầu thô của Iran và Venezuela, khi hai nước này bị Mỹ trừng phạt.

Cụ thể, những người mua dầu thô của Nga sẽ yêu cầu Nga vận chuyển dầu thô đến những "điểm đến không xác định" trên biển; sau đó các tàu chở dầu lớn khác đang chờ tại những "điểm đến không xác định" này sẽ trộn dầu thô của Nga với với dầu do các nước khác sản xuất để che giấu "danh tính" dầu thô của Nga.

Tờ Wall Street Journal cũng cho biết, các tàu chở dầu được Nga thuê làm công việc này thường tắt hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hoạt động diễn ra kín đáo hơn. Dữ liệu cho thấy, kể từ khi Nga bị phương Tây trừng phạt, số lượng các tàu chở dầu tắt GPS đã tăng lên đáng kể để vận chuyển dầu thô của Nga.

“Tuyệt chiêu của Ấn Độ giúp Mỹ - Nga - Ấn cùng có lợi - Ảnh 4.

Tàu chở dầu trên biển. Ảnh minh họa

Theo trang tin Hoàn cầu của Trung Quốc, đó là lý do tại sao tờ The Wall Street Journal "than thở" trong dòng tiêu đề bài báo mới nhất rằng: "Các nhà sản xuất dầu của Nga đang đi trước các lệnh trừng phạt một bước".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại