Hàng nghìn tỷ nằm 'đắp chiếu', xuống cấp
Dự án dừng thi công từ năm 2011 khiến hàng chục tấn vật liệu, thanh ray, tà vẹt, bu lông, ốc vít... được nhập từ Trung Quốc về năm 2005 và 2008 nằm chất đống ở ga Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh: Thiên Sơn
Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân (Quảng Ninh) khởi công từ năm 2005, được kỳ vọng là một trong những tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở Việt Nam. Tuyến được thiết kế với tốc độ tàu khách 120 km/h (tốc độ trung bình của đường sắt VN hiện là 50 km/h), tàu hàng 80 km/h.
Tuy nhiên, đến năm 2011 dự án phải dừng thi công thiếu vốn. Trong hơn 7.600 tỷ đồng đầu tư, Dự án đã giải ngân trên 4.500 tỷ, song mới hoàn thiện được đoạn ga Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ - ga Hạ Long...
Tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long được thiết kế chạy song song với quốc lộ 18, đi qua 4 tỉnh, thành là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh. Trong đó khoảng 40 km (từ Phả Lại đến Lim) được làm mới hoàn toàn; 90 km còn lại là cải tạo, nâng cấp từ đường sắt cũ.
Nhiều đoạn đường chạy qua cánh đồng thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thiện đoạn trên cao, tuy nhiên hơn thập kỷ qua theo người dân địa phương thì không có bóng dáng công nhân, máy móc thi công tiếp.
Đoạn chạy qua huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có chiều dài khoảng 3 km được đổ đất cao hơn mặt đường dự kiến đi trên cao nhưng bỏ không nhiều năm qua, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Thiên Sơn
Dự án cũng được thiết kế với nhiều cây cầu vượt, điểm nhấn về quy mô lớn nhất là cầu Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương. Cầu được xây dựng hoàn thiện tới 90% khối lượng, tuy nhiên chưa được lắp ray, hai đầu cầu cầu chưa được kết nối. Riêng phía đầu dự án đoạn ga Yên Viên, Gia Lâm, đoạn chạy qua địa phận Tp Hà Nội vẫn án binh bất động do thiếu vốn để triển khai.
Do bị dừng thi công hơn chục năm qua tại Dự án, đã khiến hàng chục tấn vật liệu, thanh ray, tà vẹt, bu lông, ốc vít... được nhập từ Trung Quốc về năm 2005 và 2008 nằm chất đống ở ga Đông Triều (Quảng Ninh). Theo ước tính, tại ga Đông Triều (Quảng Ninh) có khoảng 21 tấn ray, và các phụ kiện như bu lông, ốc vít... trị giá hàng trăm tỷ nằm 'đắp chiếu' phơi mưa nắng hơn chục năm…
21 tấn ray trị giá hàng trăm tỷ nằm nằm phơi mưa nắng. Ảnh: Thiên Sơn
Người dân khốn khổ vì dự án ‘đắp chiếu’ nhiều năm
Việc dự án bị dừng thi công do thiếu vốn gần hai thập kỷ qua khiến không ít người dân sống tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, cử tri tỉnh Quảng Ninh đã gửi kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải về việc chậm tiến độ của dự án, cụ thể, theo phản ánh, việc dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến các hộ dân dọc tuyến đường (từ thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, đến thành phố Hạ Long). Các hộ dân trong phạm vi dự án không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, không tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, không được cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất...
Trước những vướng mắc của dự án này, hồi tháng 6, Đại biểu Quốc hội từng chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT. Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng GTVT đã thừa nhận dự án đường sắt này "là sự nhức nhối của cử tri, nhân dân tỉnh Quảng Ninh".
Ông cho rằng, khi làm Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, từng nhiều lần đề nghị Trung ương cho phép triển khai tiếp bởi dự án được cho phép triển khai từ năm 2005 nhưng do khó khăn về kinh tế, ngân sách, đến năm 2011 thì dừng lại.
Cầu vượt của dự án vắt qua quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng đã hoàn thiện nhưng chưa có đường kết nối. Ảnh: Thiên Sơn
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, vừa qua, khi tham mưu cho Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết phát triển đường sắt, Bộ GTVT đã nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở ý kiến tư vấn và thấy rằng tuyến này vẫn rất cần thiết. Kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân trước năm 2030.
"Về ý chí, chúng tôi ủng hộ tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án. Chúng tôi ghi nhận ý kiến đại biểu và sẽ tham mưu, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt lựa chọn tư vấn để đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.
Quyết tâm mới nhất tháo gỡ vướng mắc
Liên quan đến động thái mới về quyết tâm tháo gỡ khó khăn và thu xếp vốn để tiếp tục thi công dự án, giữa tháng 4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu rõ ưu tiên chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và bố trí nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, 2026-2030.
Ga Hạ Long là một trong hai ga của dự án được hoàn thành hơn chục năm trước. Ảnh: Thiên Sơn
Theo ước tính, trong giai đoạn 2021 - 2025: Chỉnh phủ cần bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch.
Giai đoạn 2026 - 2030: dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2030.
Như vậy, để được thi công trở lại sớm nhất, dự án cũng cần phải chờ nguồn vốn trung hạn đến giai đoạn trước năm 2030.
Trả lời Truyền hình Quốc hội hồi tháng 8 khi nhìn nhận về dự án này, Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Với 1 dự án kéo dài và tới đây tiếp tục đợi đến giai đoạn 2026-2030 là quá dài. Trong khi nguồn lực đã bỏ ra, người dân đã phải dừng lại các hoạt động xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng để phục vụ dự án. Theo tôi khu vực đã quy hoạch thì Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, có cam kết với người dân về tiến độ; phải có thông tin rõ ràng để nhân dân, cử tri biết được lộ trình thực hiện dự án.”
Dự án đã hoàn thiện ga Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ, tuy nhiên vắng bóng tàu qua lại. Ảnh: Thiên Sơn