Trong diễn biến mới nhất, bên cạnh Mỹ thì các đồng minh của họ gồm Anh, Pháp, Italia đã cho thấy rõ động thái sẵn sàng tham chiến nếu Hoa Kỳ tuyên bố rằng thủ phạm vụ tấn công vũ khí hóa học tại Đông Ghouta chính là Quân đội Syria.
Ở ngoài khơi, các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ được hộ tống bởi những khu trục hạm Arleigh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga với tổng số 500 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã áp sát bờ biển Syria để chuẩn bị tấn công, chưa kể đến lực lượng lớn chiến đấu cơ F-15, F-16 và F-22 tại các căn cứ quân sự trong khu vực cũng đã chuyển trạng thái chiến đấu.
Phía bên kia, Nga đã báo động chiến đấu trên toàn bộ lãnh thổ nội địa cũng như các căn cứ trên đất Syria, cho Su-34 mang tên lửa diệt hạm tuần tra và tổ chức tập trận bắn đạn thật sát bờ biển Latakia. Trong khi đó, phòng không Syria cũng đang trực chiến ở cấp độ cao nhất, đề phòng đòn tập kích diễn ra bất cứ lúc nào.
Tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk
Có cảm giác như chiến tranh thế giới thứ Ba đang chuẩn bị bùng nổ tại Syria, giữa một bên là liên quân do Mỹ dẫn đầu, đối địch với lực lượng Nga - Iran - Syria ở thế phòng thủ.
Tình hình còn nóng bỏng hơn nữa khi Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga - Đại tướng Valery Gerasimov vừa lên tiếng cảnh báo rằng nếu tính mạng quân nhân Nga bị đe dọa, lực lượng vũ trang nước này sẽ đáp trả ngay lập tức vào những chiến hạm đối phương, kể cả khi chúng đã về nằm trong căn cứ.
Nếu viễn cảnh trên diễn ra thì thế giới khó tránh khỏi một cuộc chiến tranh toàn diện vì phạm vi xung đột bây giờ đã không còn được gói gọn lại xung quanh lãnh thổ Syria nữa mà lan ra trên quy mô toàn cầu, người Mỹ dĩ nhiên sẽ chẳng chịu ngồi im nếu Nga tấn công căn cứ quân sự của họ và sẽ có đòn đáp trả cực kỳ mãnh liệt.
Khu trục hạm Arleigh Burke của Hải quân Mỹ thử nghiệm tên lửa đánh chặn
Tuy nhiên nếu bình tĩnh lại thì có thể nhận thấy những phát ngôn to tát trên thực ra chẳng có gì đáng ngại. Nga vẫn tuyên bố rằng họ chỉ có hành động quân sự nếu các căn cứ không quân Hmeimim hay căn cứ hải quân Tartus trở thành mục tiêu của bom đạn Mỹ - điều chắc chắn chẳng bao giờ diễn ra.
Mục tiêu của chiến dịch quân sự "trừng phạt Syria" Mỹ có thể sớm tiến hành được xác định là cơ sở hạ tầng, sân bay, bến cảng... nhằm hủy diệt tiềm lực kinh tế và quốc phòng của nước này, Washington dĩ nhiên chẳng có lý do gì để mà oanh kích trực tiếp vào nơi Nga đang đóng quân.
Thực tế cũng cho thấy các vụ không kích được Israel tiến hành từ trước đến nay đều tránh xa vị trí có quân Nga, vụ tấn công mới nhất vào sân bay T4 cũng vậy, đối tượng được xác định ngay từ đầu là nhóm cố vấn quân sự Iran cho nên mọi tên lửa hành trình đều nhằm thẳng vào khu vực phía Tây đường băng.
Nga đã sớm nhận ra sự có mặt của biên đội F-15 Israel nhưng vì không thấy có nguy cơ đối với mình mà họ bỏ qua không can thiệp.
Đối đầu trực tiếp với Tel Aviv là điều Nga không hề mong muốn và sẽ cố tránh, cho nên chắc chắn họ còn e ngại hơn nhiều nếu gặp phải một liên minh quân sự hùng hậu đang triển khai bên ngoài Syria.
Khi Mỹ đã xác định tránh căn cứ quân sự của Nga, Moscow thực tế cũng cho thấy họ muốn kiềm chế xung đột quân sự bằng mọi cách (sau khi Su-24 bị bắn hạ Nga cũng chỉ có động thái biểu dương lực lượng chứ không đáp trả trực tiếp) thì có lẽ Damascus không nên hy vọng rằng sau những tuyên bố đanh thép, Nga sẽ tham chiến cùng họ vô điều kiện khi chưa bị đe dọa.
Hành động quân sự của các bên liên quan đến tình hình Syria