Chế tạo tàu ngầm khổng lồ mang được cả máy bay, Nhật đau đớn nhìn Mỹ “nẫng tay trên”!

NGỌC HUY |

Giới chuyên gia cho rằng, những công nghệ trên tàu ngầm lớp Sentoku của Nhật đã được Mỹ ứng dụng cho các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Regulus II sau này.

Ý tưởng về việc kết hợp giữa tàu sân bay và tàu ngầm quả thật rất lạ lùng. Tuy nhiên, trong Thế chiến 2, Phát xít Nhật từng có chương trình phát triển tàu ngầm khổng lồ lớp Sentoku có khả năng mang máy bay chiến đấu trong khoang.

Giới chức quân phiệt Nhật thời điểm đó cho rằng, với tàu ngầm lớp Sentoku, Hải quân Nhật Bản có thể tung ra các đòn tấn công bất ngờ và hiệu quả vào lãnh thổ nước Mỹ.

Nỗ lực mang chiến tranh đến lãnh thổ nước Mỹ

Lớp tàu ngầm Sentoku được phát triển theo sáng kiến của Đô đốc Issoroku Yamamoto, Tư lệnh Hạm đội Hỗn hợp Phát xít Nhật.

Trước khi gây chiến với Mỹ trên Thái Bình Dương, Đô đốc Issoroku Yamamoto, người từng học tại Mỹ đã biết tiềm năng của siêu cường quân sự này và luôn tìm các phương án có thể gây thiệt hại lớn nhất cho Mỹ trong chiến tranh và buộc Washington phải ngồi vào bàn đàm phán phân chia vùng ảnh hưởng.

Đô đốc Issoroku Yamamoto hiểu rõ, dù Nhật Bản trước chiến tranh sở hữu hạm đội vượt trội so với phía Mỹ, nhưng vẫn không đủ năng lực đưa chiến tranh tới lãnh thổ nước Mỹ bên kia bờ đại dương bằng cuộc chiến trực diện.

Chế tạo tàu ngầm khổng lồ mang được cả máy bay, Nhật đau đớn nhìn Mỹ “nẫng tay trên”! - Ảnh 1.

Mặt cắt kỹ thuật của tàu ngầm khổng lồ

Với nền tảng kỹ thuật thời điểm đó, Đô đốc Issoroku Yamamoto nảy ra ý tưởng kết hợp giữa tàu sân bay và tàu ngầm với việc đưa các máy bay chiến đấu vào trong khoang. Những chiếc tàu ngầm khổng lồ này sẽ áp sát lãnh thổ nước Mỹ và phóng máy bay chiến đấu oanh tạc các vị trí chiến lược trên lãnh thổ nước Mỹ một cách bất ngờ.

Sau khi tấn công, máy bay sẽ được thu hồi vào trong tàu ngầm và biến mất trên đại dương. Đây chính là nền tảng ý tưởng của tàu ngầm lớp Sentoku với số hiệu I-400.

Cuộc chiến Mỹ-Nhật bùng nổ trên Thái Bình Dương sau cuộc tập kích vào Trân Châu cảng ngày 7-12-1941 và việc nhiều vùng lãnh thổ Nhật kiểm soát bị oanh tạc bởi máy bay ném bom Mỹ trong năm 1942 đã thúc đẩy Tokyo đẩy nhanh việc phát triển tàu ngầm lớp Sentoku để trả đũa.

Mỗi tàu ngầm lớp Sentoku có thể mang 2-4 máy bay trong khoang, được trang bị ngư lôi và bom, tùy theo nhiệm vụ chiến đấu. Thiết kế cuối cùng của tàu ngầm lớp Sentoku được hoàn thành trong năm 1942 và việc đóng mới lớp tàu ngầm khổng lồ và đặc biệt dài tới 122m này bắt đầu từ năm 1943.

Với thiết kế đặc biệt với 4 động cơ công suất lớn tới 1.680 kW, lượng choán nước tới gần 6.000 tấn và kíp thủy thủ 157 thành viên, các tàu ngầm lớp Sentoku là những cỗ máy chiến tranh dưới lòng biển lớn nhất thế giới ở thời điểm đó và có khả năng di chuyển vòng quanh thế giới dưới các đại dương.

Thiết kế khoang đặc biệt của tàu ngầm lớp Sentoku cho phép nó mang thiết bị phóng máy bay từ trong khoang tàu. Ngoài máy bay, tàu ngầm này còn được vũ trang bằng hải pháo Type 11 140mm và 8 ống phóng ngư lôi ở mũi tàu.

Lớp vỏ của tàu ngầm Sentoku cũng lần đầu tiên áp dụng công nghệ ngói thủy âm bằng cao su giúp hạn chế phát ồn khi hoạt động dưới nước.

Với những giới hạn về kích thước, máy bay chiến đấu trang bị trên tàu ngầm lớp Sentoku cũng được thu gọn tối ưu. Phần cánh chính và cánh lái đuôi được tháo rời và chỉ được lắp lại khi máy bay chuẩn bị đường phóng lên không trung.

Một điểm đặc biệt là do đặc thù hoạt động trên tàu ngầm thường rất lạnh, trong khi đó công nghệ động cơ máy bay cũ thời Thế chiến 2 cần được sưởi ấm trước khi khởi động, nên dầu máy dành cho máy bay hoạt động trên tàu ngầm lớp Sentoku đều được đun nóng trước khi nạp cho máy bay.

Chế tạo tàu ngầm khổng lồ mang được cả máy bay, Nhật đau đớn nhìn Mỹ “nẫng tay trên”! - Ảnh 2.

Tàu ngầm lớp Sentoku trên biển

Nền tảng công nghệ cho các thế hệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ

Do những khó khăn trong cuộc chiến tranh với Mỹ, tới tận năm 1944, những tàu ngầm lớp Sentoku với tên mã I-400 mới được xuất xưởng. Ban đầu, Hải quân Nhật dự định đóng mới 18 tàu, nhưng cuối cùng chỉ có 3 tàu ngầm với tên mã I-400, 401, 402 được hoàn thiện và xuất xưởng trước khi chiến tranh kết thúc.

Khi Nhật thua cuộc trên mọi chiến trường và Quân đội Mỹ và đồng minh áp sát các đảo chính của lãnh thổ Nhật, nhiệm vụ của các tàu ngầm lớp Sentoku được thay đổi. Thay vì tấn công lãnh thổ Mỹ, giới chức Phát xít Nhật muốn sử dụng chúng tấn công kênh đào Panama vốn là con đường vận chuyển chiến lược của Mỹ.

Tuy nhiên, khi các tàu ngầm lớp Sentoku đang trên đường thực hiện nhiệm vụ thì Nhật đã đầu hàng đồng minh.

Các tàu ngầm khổng lồ này đã bị Hải quân Mỹ phát hiện và bắt giữ khi đang trên đường trở về Nhật.

Ấn tượng trước sự kỳ vĩ và những công nghệ tinh vi áp dụng trên tàu ngầm lớp Sentoku, Mỹ đã kéo hai chiếc tàu ngầm này về Hawaii để nghiên cứu.

Số phận Sentoku được định đoạt khi Liên Xô yêu cầu được quyền tiếp cận các tàu ngầm khổng lồ của Nhật và phía Mỹ đã đánh đắm chúng.

Giới chuyên gia cho rằng, chính nhờ những công nghệ thu thập được trên tàu ngầm lớp Sentoku đã được Mỹ áp dụng trên các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Regulus II sau này ở thập kỷ 1960.

Tàu ngầm I-400 lớp Sentoku bị Mỹ thu giữ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại