Truyền thông địa phương cho biết Chính phủ Ấn Độ ngày 22/7 dự kiến mua thêm máy bay không người lái Heron từ Israel, trong khi đó chiếc Predator B của Mỹ cũng nằm trong “danh sách mua sắm”.
Về phần mình, Trung Quốc đã sử dụng thường xuyên UAV trong nhiều tháng dài dọc đường Ranh giới thực tế (LAC). Vào đầu tháng 7, Trung Quốc còn tung hình ảnh về hoạt động của quân đội Ấn Độ tại Thung lũng Galwan. Những hình ảnh này dường như do máy bay không người lái chụp lại.
Đường Ranh giới thực tế (LAC) trải dài hàng nghìn km trên rặng núi cao nhất thế giới với độ cao trung bình so với mặt biển là trên 4km, một số đỉnh còn cao trên 8km. Đây là môi trường gây nhiều khó khăn cho máy bay không người lái.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời nhà phân tích quân sự Zhou Chenming cho biết: “Máy bay không người lái có thể dễ dàng tiếp cận những địa điểm mà con người khó đặt chân tới. Bên cạnh đó là giám sát nơi khó tuần tra. Còn Ấn Độ lại không có lợi thế về cả chất lượng và số lượng các máy bay không người lái của nước này”.
Công ty Israel Aerospace Industries (IAI) là nhà cung cấp UAV chính cho quân đội Ấn Độ. Trong đó mẫu UAV Heron và Searcher dành cho nhiệm vụ tấn công và thăm dò trong khi Harpies cùng Harop nhận nhiệm vụ chống bức xạ.
Heron là UAV chiến đấu tầm trung, sức bền cao (MALE) có chiều dài 8,5 m và chở được khối lượng kèm theo 250kg. Tốc độ tối đa của Heron là 200km/h, UAV này vận hành được liên tục trong 52 giờ, đạt trần bay tối đa là 10km. Searcher chỉ đạt độ cao tối đa là 6,1km, do vậy chiếc UAV này gặp hạn chế khi hoạt động trên dãy Himalaya.
Ấn Độ sở hữu khoảng 70 chiếc Heron. Năm 2018, một chiếc UAV Heron của Ấn Độ đã vượt qua đường Ranh giới thực tế (LAC) gần Doklam rồi rơi xuống lãnh thổ Trung Quốc. Một năm trước đó, một máy bay không người lái khác của Ấn Độ cũng rơi xuống lãnh thổ nước láng giềng.
Ấn Độ cũng từng phát triển phiên bản UAV chiến đấu tầm trung, sức bền cao (MALE) riêng là Rustom và Rustom-II nhưng cả 2 loại này đều chưa được phiên chế.
Ông Zhou phân tích: “Đối với Ấn Độ, quá trình mua sắm chậm và lượng UAV hạn chế. Bên cạnh đó các UAV tiên tiến không hề rẻ, trừ loại của Trung Quốc, do vậy tôi không thấy Ấn Độ áp đảo Trung Quốc về UAV ở khu vực biên giới”.
Máy bay không người lái BZK-005C của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu UAV lớn nhất thế giới. Quân đội Trung Quốc thường sử dụng mẫu UAV trinh sát/tấn công GJ-2. Vẫn chưa có thông tin chi tiết quân đội Trung Quốc sở hữu bao nhiêu chiếc GJ-2 nhưng Trung Quốc đã bán 48 máy bay không người lái loại này cho Pakistan với tên gọi khi xuất khẩu là Wing Loong II.
GJ-2 là máy bay không người lái MALE dài 11m với tải trọng 480kg. GJ-2 có thể chở theo 12 tên lửa hoặc bom với tốc độ tối đa 380km/h, đạt độ cao tối đa 9km.
Ngoài GJ-1, quân đội Trung Quốc còn phát triển máy bay không người lái trinh sát/tấn công CH-4, đã từng thử nghiệm tại Cao nguyên Tây Tạng năm 2018. Bên cạnh đó còn có máy bay không người lái BZK-005C chuyên dành cho nhiệm vụ liên quan tới vị trí cao.
Vào đầu năm nay, quân đội Trung Quốc đã cử máy bay không người lái tham gia tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng. Ngoài việc sử dụng máy bay không người lái cho chiến đấu, quân đội Trung Quốc còn dùng UAV cho các mục đích khác.
Theo đó, quân đội Trung Quốc dùng máy bay không người lái để vận chuyển thực phẩm, thuốc men và đạn dược tới các vị trí khó tiếp cận.