Tướng Mỹ tiết lộ chuyện tình cờ tìm được cách "trốn" hỏa lực tên lửa Việt Nam khi mổ xẻ vũ khí Nga

Lâm Vy |

Việc được tiếp cận với thiết bị quân sự và kỹ thuật Liên Xô đã mang lại hiệu quả, đặc biệt là với Không quân Mỹ.

Mỹ tìm cách tiếp cận vũ khí Liên Xô/Nga

Theo tạp chí National Interest, đôi lúc Chiến tranh Lạnh giống như một cuộc săn tìm kho báu lớn. Khi bên này cho ra một loại vũ khí mới, thì bên kia sẽ tìm mọi cách có được một bản sao chép để phân tích, đảo ngược kỹ thuật hoặc cung cấp cho phe đối lập.

Mỹ gọi đó là chương trình Khai thác Quân sự Nước ngoài (FME). Bộ sưu tập gồm các tài liệu do Cơ quan lữu trữ An ninh Quốc gia sưu tầm đã cho thấy chiến dịch FME của Mỹ nhằm có được các thiết bị mới nhất từ Nga được mở rộng như thế nào.

Chẳng hạn, báo cáo tình báo năm 1951 của Không quân Mỹ đã ghi lại cách Mỹ có được cơ hội phân tích tìm hiểu MiG-15 như thế nào, đây là mẫu tiêm kích của Liên Xô từng khiến các phi công Mỹ sốc nặng trên bầu trời Triều Tiên.

Sau cuộc không chiến ở tây bắc Bình Nhưỡng ngày 9/7/1951, một phi công MiG-15 đã nhảy thoát ra ngoài trước khi chiếc máy bay rơi xuống một vũng nước nông ngoài khơi bờ biển tây Triều Tiên. Máy bay của Anh đã tìm thấy mảnh vỡ của chiếc MiG-15 nhưng đội cứu hộ của Không quân Mỹ đã không thể thu hồi nó.

Tướng Mỹ tiết lộ chuyện tình cờ tìm được cách trốn hỏa lực tên lửa Việt Nam khi mổ xẻ vũ khí Nga - Ảnh 1.

Ảnh minh họa chiến dịch thu hồi MiG-15 Triều Tiên của lực lượng Anh-Mỹ. Ảnh: saltofamerica

Tới cuối tháng 7/1951, một đội đặc nhiệm không-hải quân kết hợp của Anh và Mỹ đã thử lại lần nữa. Bất chấp hỏa lực của Triều Tiên (phía cũng đang tiến hành chiến dịch thu hồi), lực lượng Anh-Mỹ, đã thu hồi được gần như toàn bộ chiếc máy bay, sau đó nó được chuyển tới Mỹ để nghiên cứu.

Một chiếc máy bay gặp nạn khác của Liên Xô cũng trở thành "kho vàng" cho quân đội Mỹ, đó là chiếc tiêm kích đánh chặn Yak-28 rơi xuống tây Berlin tháng 4/1966.

Có lẽ trường hợp được biết đến nhiều nhất trong việc thâu tóm công nghệ Liên Xô là vào đầu những năm 1960, khi CIA "mượn" và chụp ảnh vệ tinh Luna của Liên Xô trưng bày tại Mexico.

Năm 1965, CIA đã tìm cách có được một trực thăng vận tải Mi-8 loại mới và trả giá 100.000 USD để có được máy tính kỹ thuật số Minsk-2 của Liên Xô (dù không rõ chiến dịch này có thành công hay không).

Các mối quan hệ đồng minh chuyển đổi liên tục trong Chiến tranh Lạnh đồng nghĩa với việc các loại vũ khí cung cấp cho đồng minh ở Thế giới thứ 3 có thể sẽ rơi vào tay siêu cường đối lập một khi đồng minh chuyển phe.

Do đó, vào năm 1966, CIA đã có được một số loại vũ khí phòng thông mà Liên Xô cung cấp cho Ghana (Tương tự, Liên Xô từng có cơ hội tiếp cận F-14 và những vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Iran sau khi Đảng Cách mạng Hồi giáo lên nắm quyền).

Tướng Mỹ tiết lộ chuyện tình cờ tìm được cách trốn hỏa lực tên lửa Việt Nam khi mổ xẻ vũ khí Nga - Ảnh 2.

Mỹ đã tìm cách tiếp cận tên lửa SA-2 của Liên Xô. Ảnh: Army Recognition

Các chiến dịch tình báo thường không cho biết rõ liệu kết quả thu được có xứng đáng với nỗ lực bỏ ra hay không. Tuy nhiên, một số tài liệu được giải mật gần đây đã cho thấy rõ việc được tiếp cận với thiết bị quân sự và kỹ thuật Liên Xô đã mang lại hiệu quả, đặc biệt là với Không quân Mỹ.

Bản ghi nhớ vào tháng 7/1966 do Không quân Mỹ gửi tới CIA, liên quan tới tên lửa SA-2 của Liên Xô đã nêu rõ:

"Rõ ràng các phi công hải quân và không quân của chúng ta đã đạt được thành công đáng kể khi tránh được những thiệt hại trước hệ thống SA-2 tại miền Bắc Việt Nam" – Trung tướng Không quân Mỹ Joseph Carroll viết – "Một phần của thành công này là nhờ những cẩm nang và những thông tin khác mà các bạn (CIA) đã đạt được và chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Mỹ để nghiên cứu".

Song, bản ghi nhớ của Không quân Mỹ cũng đề cập rằng Mỹ vẫn chưa có được một hệ thống SA-2 thực tế để nghiên cứu. Cơ hội đó đã nảy sinh sau Chiến tranh 6 ngày năm 1967, khi Israel thu giữ được một số hệ thống SA-2 từ Ai Cập.

Nguồn cung cấp từ Israel

Theo National Interest, quả thật, nguồn cung cấp tốt nhất cho Mỹ để nghiên cứu các bản sao vũ khí Liên Xô chính là Israel. Nước này đã sưu tập được một kho vũ khí khổng lồ của Nga thông qua quân đội các nước Ả Rập trong những năm 1967, 1973 và 1982. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai phía không được suôn sẻ cho lắm.

Chẳng hạn, bản ghi nhớ tháng 6/1967 cho biết nhiều thiết bị Israel thu giữ được trong Chiến tranh 6 ngày "thuộc loại mà Bộ Quốc phòng Mỹ rất cần có để khai thác thông tin tình báo".

Thế nhưng, bản ghi nhớ tháng 9/1967 của Không quân Mỹ đã phàn nàn rằng, mặc dù Israel cho phép Mỹ tiếp cận nhiều thiết bị nhưng họ lại tỏ ra "lưỡng lự rõ rệt" khi để cho Mỹ xem xét các hệ thống nằm trong danh sách ưu tiên cao, đặc biệt là tên lửa SA-2 (Không quân Mỹ cho rằng Israel muốn nhắm đến việc trao đổi vũ khí Mỹ).

Mặc dù vậy, cuối cùng Mỹ đã tiếp cận được đầy thủ thiết bị của Liên Xô, trong đó có tên lửa SA-2, radar Fan Song (đây là loại Mỹ rất muốn được nghiên cứu để nhằm mục đích gây nhiễu), các loại pháo phòng không, radio và xe tăng.

Ngoài thông tin tình báo, các loại vũ khí Liên Xô còn nhiều giá trị khác. Chúng có thể được cung cấp cho các nhóm vũ trang chống lại Liên Xô cùng đồng minh, chẳng hạn như quân nổi dậy Afghanistan.

Một lần nữa, Israel được xem là nguồn cung cấp quý giá khi họ thu giữ được số lượng lớn khí tài Liên Xô trong Chiến tranh Lebanon 1982. Mặc dù cuộc xung đột này đã làm dấy lên căng thẳng giữa Mỹ và Israel nhưng mang lại cho Lầu Năm Góc thông tin vô giá về các loại vũ khí tiên tiến của Liên Xô như tiêm kích MiG-23 và xe tăng T-72.

Trớ trêu thay, Washington nghĩ rằng họ sẽ nhận được những thứ vũ khí này từ Israel như một món "quà biếu" (thay lời cảm ơn cho sự viện trợ của Mỹ).

"Mặc dù chúng tôi nhận thấy vị thế mặc cả hiện nay của chúng ta với người Israel khá thấp" – Giám đốc CIA William Casey viết cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Weinberger – "nhưng chúng tôi vẫn đề nghị phía ngài hỗ trợ, đưa ra những tác động cần thiết để chính phủ Mỹ có được những vũ khí đó với chi phí thấp hoặc không cần chi phí".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại