Tuần này, sau khi hội nghị công nghiệp quốc phòng Mỹ-Đài Loan (28-29/10) kết thúc, Viện nghiên cứu Đề án 2049 (Mỹ) đã tiếp tục thảo luận vấn đề Đài Loan, trong đó đề cập báo cáo của cơ quan phòng vệ đảo năm 2018: Trung Quốc sẽ hoàn thành kế hoạch tấn công Đài Bắc vào trước năm 2020.
Ông Richard Armitage - Chủ tịch Viện nghiên cứu Đề án 2049 - từng là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ gọi đây là một kịch bản ác mộng và cho rằng, cùng với sự hiện đại hóa nhanh chóng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (quân đội Trung Quốc - PLA) và thể hiện sự quan tâm tới phản ứng của Đài Loan khi PLA đổ bộ lên đảo bởi theo ông, đây không phải là kịch bản ngoài sức tưởng tượng.
Vấn đề Đài Loan
Tại buổi thảo luận, các chuyên gia quân sự Mỹ nổi bật như Rick Fisher - nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế, ông Mark Stokes - Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Đề án 2049, ông Scott Harold - chuyên gia Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation đã lần lượt thảo luận phân tích về các chiến lược và ưu thế của PLA trên mọi phương diện như vũ khí quân sự, tác chiến điện tử, chiến tranh tâm lý... khi Bắc Kinh tấn công Đài Loan.
Các chuyên gia Mỹ thảo luận về vấn đề Đài Loan. Ảnh: VOA
Ông Scott Harold nhận định, nếu theo đánh giá của cơ quan phòng vệ Đài Loan, PLA sẽ hoàn thành kế hoạch tấn công Đài Bắc vào trước năm 2020, thì hiện nay Đài Loan giống như đang ở trạng thái "đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột có khả năng phát sinh vào một ngày nào đó trong tương lai" chứ không giống đang ý thức rằng, họ có thể bị thống nhất chỉ 1 năm sau đó.
Cựu Phó Trợ lý phụ trách tài chính và kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ - ông Jim Thomas cũng cho rằng, đối mặt với sự khuếch trương sức mạnh nhanh chóng của PLA, Washington phải tự hỏi rằng, liệu Đài Loan có thực sự nghiêm túc quan tâm đến vấn đề an ninh phòng thủ không.
Chuyên gia Mỹ cho rằng, phương thức tác chiến phòng vệ truyền thống sớm đã không phù hợp với tình hình hiện nay nên Đài Loan cần xem xét chặt chẽ về hệ thống phòng vệ và khí tài quân sự truyền thống.
Ông này nhấn mạnh, mặc dù tác chiến lưỡng cư là hành động quân sự được tiến hành "vô cùng khó khăn" nhưng Đài Loan cần phải biết sợ, không ngừng tăng cường sức mạnh phòng vệ "nếu không đảo này sẽ mất đi sự ủng hộ của người Mỹ và đây là sẽ là một cuộc chơi vô cùng nguy hiểm".
Tuy nhiên, Chủ nhiệm nghiên cứu phân tích an ninh eo biển Đài Loan - ông Mai Phục Hưng phản bác rằng, "Mỹ phải chịu trách nhiệm nhất định" trước tốc độ phát triển chậm chạp về sức mạnh tác chiến của chiến lược tác chiến bất đối xứng của Đài Loan.
Chuyên gia Đài Loan cho rằng, Mỹ không chỉ đặt ra "tiêu chuẩn kép" với Đài Loan mà còn "rất giả dối ở một số phương diện" khi không sẵn lòng cung cấp hỗ trợ Đài Loan về chiến lược tác chiến bất đối xứng.
Đồng quan điểm này, bà Rachael Burton - Viện nghiên cứu đề án 2049 chỉ trích việc Washington không tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan.
Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Khang, Thượng tướng hải quân về hưu Đài Loan khẳng định, Đài Loan đã chuẩn bị mọi mặt và "không để cơn ác mộng này thành hiện thực".
Ông này nói, cuộc tấn công Đài Loan của PLA là cuộc tấn công mang tính toàn diện, bao gồm tấn công điện tử, phong tỏa trên biển, tấn công tên lửa... và hệ thống thông tin liên lạc, năng lượng, tài chính, nguồn nước, giao thông, y tế... của Đài Loan cũng đều là mục tiêu tấn công của PLA.
Trần Vĩnh Khang tiết lộ, Đài Loan sẽ áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ kiên cố, ngăn chặn tầng lớp và sự cải thiện tư duy tác chiến bất cân xứng về phòng vệ tổng thể gồm "sức mạnh bảo vệ, quyết thắng ven biển, diệt địch ven biển" để đối phó.
Ông nhấn mạnh, "Đài Loan sẽ thắng trong cuộc chiến với Trung Quốc" nhưng bên cạnh đó, Mỹ có thể hỗ trợ giúp ngăn chặn cuộc chiến bùng nổ..
"Khi tình hình hai bờ trở nên căng thẳng thì cần bình tĩnh tháo gỡ nguy cơ, không nên đẩy tới xung đột", chuyên gia Đài Loan khẳng định, "Quân sự là phương tiện chứ không phải mục đích để đạt được chính trị nên cuối cùng vẫn phải giải quyết bằng chính trị".