Sự thờ ơ của giới trẻ
Trong bài phát biểu gần đây tại Đại học Tamkang, Đài Bắc, Trung sĩ Jiang Pin-shiuan đã đưa ra những thông tin về chế độ đãi ngộ hấp dẫn dành cho các quân nhân của đảo này, trong đó bao gồm suất học bổng do chính quyền tài trợ, 110 ngày phép mỗi năm, cùng khoản lương bổng tiết kiệm hàng năm lên tới 10.200 USD.
Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên trong khán phòng đã tỏ vẻ thờ ơ trước bài phát biểu tuyển quân này. Họ cho rằng tham gia quân ngũ là việc "tốn thời gian", và cho rằng Đài Loan khó có cơ hội giành chiến thắng trước Bắc Kinh - kể cả về quân sự hay kinh tế.
"Chẳng cần đến chiến tranh, chỉ cần dùng kinh tế là Trung Quốc đã thừa sức 'đè bẹp' Đài Loan rồi", Chen Fang-yi, một sinh viên chuyên ngành kĩ thuật, cho biết. "Tôi không đặt nhiều niềm tin và kì vọng vào quân đội [Đài Loan]", Chen nói.
Lực lượng quân đội của Đài Loan đang nỗ lực dùng đủ mọi cách để chiêu mộ thêm binh sĩ: từ các bài giảng tại trường đại học và phổ thông cho đến các màn nhảy đồng diễn trên đường phố do chính lực lượng đặc nhiệm của đảo này thể hiện.
Theo Reuters, đây là một phần trong kế hoạch loại bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự đã được áp dụng trong nhiều thập kỷ qua của quân đội Đài Loan, để dần chuyển sang chế độ quân sự tình nguyện.
Hồi năm 2011, chính quyển Đài Loan đã cam kết xóa bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự để cắt giảm chi phí và nâng cao tính chuyên nghiệp cho quân đội. Thông qua việc nâng cao năng lực tác chiến mạng và tác chiến vũ khí công nghệ cao, chính quyền đảo này mong muốn quân đội có thể đối phó tốt hơn với những mối đe dọa từ Trung Quốc.
Với mục tiêu tuyển thêm 188.000 quân nhân theo diện tự nguyện, cơ quan quốc phòng của Đài Loan tuyên bố sẽ đạt được 81% chỉ tiêu đề ra trước cuối năm nay; và đạt được 90% chỉ tiêu vào năm 2020.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc Đại lục ngày càng gia tăng như hiện nay, thì việc tuyển mộ binh sĩ lại càng trở nên cấp thiết hơn trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho biết quá trình chiêu mộ binh sĩ của Đài Loan đang phải đối mặt rất nhiều thách thức, trong khi đó tốc độ tuyển quân lại không kịp bù lại sự mất cân bằng về lực lượng quân sự ngày càng có chiều hướng xấu đi.
Năm ngoái, khoản chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên gấp 15 lần so với Đài Loan. Phía Bắc Kinh cũng liên tục điều các máy bay ném bom đến sát đảo này nhằm gây sức ép, đồng thời còn ra sức lôi kéo những đồng minh ít ỏi còn sót lại của Đài Loan.
Một cuộc tập trận tại Đài Loan. Ảnh minh họa: AP.
Giới chuyên gia đang vô cùng quan ngại trước thực trạng của quân đội Đài Loan hiện nay. Ông Lin Yu-fang, cựu Chủ tịch Ủy ban đối ngoại và quân sự của Đài Loan, cho biết chính quyền đảo này cần cân nhắc việc tái áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự nếu muốn đảm bảo an ninh.
"Chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho quyết định [bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự]... Chúng ta sẽ không thể nào tuyển đủ binh sĩ với tình trạng hiện nay", ông Liu phát biểu.
Cơ quan quốc phòng của Đài Loan cho biết đảo này sẽ tiếp tục phát triển lực lượng quân đội cả về số lượng và chất lượng, và đã chuẩn bị mọi kịch bản đối phó với những động thái quân sự của Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính quyền đảo này còn kêu gọi sự ủng hộ của người dân trong giai đoạn chuyển đổi lực lượng quân đội.
Trốn nghĩa vụ quân sự
Trước đây, Đài Loan từng áp dụng luật nghĩa vụ quân sự rất chặt chẽ. Tuy nhiên, cái chết của một binh sĩ trẻ hồi năm 2013 do bị kỉ luật đã tạo ra làn sóng biểu tình mạnh mẽ của người dân đảo này. Đây có thể coi là cú tát trời giáng vào lực lượng quân đội của Đài Loan.
Kể từ đó, Đài Loan càng có thêm nhiều trường hợp trốn nghĩa vụ quân sự. Chỉ trong vòng 3 năm qua, hơn 1.000 lính dự bị đã bị buộc tội trốn tham gia tái huấn luyện bắt buộc.
Ông William Stanton, trước đây từng là người đứng đầu Viện Mỹ tại Đài Loan, đã đặt ra câu hỏi rằng với tình trạng như hiện nay, thì Đài Loan sẽ xoay xở ra sao nếu một cuộc xung đột với Trung Quốc thực sự xảy ra.
Năm ngoái, Đài Loan đã chi gần 47% từ số tiền gần 4,8 tỉ USD trong ngân sách quốc phòng cho các khoản liên quan tới nguồn lực, khiến quân đội nước này phải thắt chặt chi tiêu cho vũ khí.
Trong báo cáo hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhận định rằng mục tiêu chuyển hóa toàn bộ lực lượng quân đội từ nghĩa vụ sang tình nguyện trước năm 2019 sẽ "tốn kém hơn so với dự định", và đảo này sẽ buộc phải cắt giảm các khoản chi khác như trang bị vũ khí hay huấn luyện nâng cao tính sẵn sàng trong chiến đấu.
Đài Loan đã rút ngắn thời gian nghĩa vụ quân sự từ 3 năm xuống còn 4 tháng. Động thái này được cho là để thu hút giới trẻ tình nguyện gia nhập quân đội; tuy nhiên, nhiều người cho rằng đó là điều vô ích.
"Đằng nào chúng ta cũng chẳng thắng được Trung Quốc", Hsu Kai-wen, một thanh niên 20 tuổi vừa phải miễn cưỡng tham gia khóa nghĩa vụ 4 tháng của lực lượng hải quân Đài Loan, cho biết. "Vậy tại sao tôi phải phí thời gian của mình trong quân đội chứ?", Hsu kết luận.