Trước đây, Mỹ đã bắt tay Trung Quốc để đấu Liên Xô thì giờ đây Mỹ muốn bắt tay Nga để trừng phạt Trung Quốc (kế liên Nga chế Hoa theo cách gọi của Trung Quốc), theo RI.
Trong cuộc trò chuyện với Financial Times, ông Henry Kissinger cựu ngoại trưởng Mỹ đã có đánh giá quan trọng về nỗ lực của tổng thống Trump để cải thiện mối quan hệ của Mỹ với Nga. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trên nền tảng của cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày 16.7 tại Helsinki.
Ông Kissinger nói: "Tôi nghĩ ông Trump có thể là một trong những gương mặt lịch sử xuất hiện hết lần này tới lần khác để đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, khiến nó phải từ bỏ những ảo ảnh cũ kỹ. Không nhất thiết là ông ấy biết điều đó hay ông ta đang cân nhắc những lựa chọn lớn hơn. Đó có thể chỉ là một sự ngẫu nhiên".
Ông Kissinger không đề cập chi tiết nhưng xu hướng suy nghĩ của ông nhất quán với những ý kiến mà ông đã bày tỏ trong quá khứ. Mỹ đang dần mất đi ảnh hưởng trên đấu trường quốc tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hồi sinh của Nga đòi hỏi phải có một đối trọng toàn cầu mới.
Ông Henry Kissinger cựu ngoại trưởng Mỹ đã có đánh giá quan trọng về nỗ lực của tổng thống Trump để cải thiện mối quan hệ của Mỹ với Nga.
Trở lại những năm 1972, trong cuộc trò chuyện với ông Richard Nixon về chuyến đi sắp tới tới Trung Quốc, báo hiệu sự mở đầu lịch sử với Trung Quốc, ông Kissinger có vẻ đã mường tượng ra việc tái cân bằng sẽ trở nên cần thiết trong tương lai.
Ông bày tỏ quan điểm so sánh với Liên Xô (người Nga), Trung Quốc chỉ "mới nguy hiểm. Thực tế, họ sẽ trở nên nguy hiểm hơn sau một thời kỳ lịch sử". Ông nhấn mạnh: "trong 20 năm, với người kế nhiệm ông, nếu ông ta cũng khôn ngoan như ông thì sẽ khiến cho người Nga chống lại người Trung Quốc".
Kissinger chỉ ra rằng Mỹ, đã tìm cách để hưởng lợi từ sự thù địch giữa Moscow và Bắc Kinh trong kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh sẽ cần phải "chơi trò chơi cân bằng quyền lực một cách hoàn toàn không cảm tính. Hiện tại, chúng ta cần Trung Quốc để sửa và trừng phạt người Nga". Nhưng trong tương lai, sẽ phải có một con đường khác.
Tất nhiên, ông Kissinger không phải là người đi đầu trong "tam giác ngoại giao" Mỹ-Nga-Trung. Không hề bí mật, vào thập niên 1950, Mỹ đã làm tất cả để gây chia rẽ giữa hai nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Nikita Khrushchev.
Trọng tâm được nhấn vào Trung Quốc đang bị cô lập lúc đó. Ý muốn của ông Khrushchev về việc "chung sống hòa bình" qua cuộc họp thượng đỉnh với ông Dwight Eisenhower năm 1959 tại trại David đã trở thành một thời điểm vạch ra sự phân ly giữa Trung-Xô.
Ông Trump và ông Putin đã thể hiện mối quan hệ nồng ấm trong cuộc họp thượng đỉnh diễn ra ngày 16.7 tại Helsinki.
Nhưng ngay cả khi chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc trở nên sâu sắc (đỉnh điểm là cuộc xung đột đẫm máu tại sông Ussuri năm 1969), ông Nixon đã đảo ngược chính sách của ông Eisenhower và mở một đường dây đối thoại với Bắc Kinh, ưu tiên cho cuộc cạnh tranh toàn cầu của Mỹ với Liên Xô.
Nhưng tài liệu giải mật thời Chiến Tranh Lạnh cho thấy Washington đã thận trọng cân nhắc khả năng có một cuộc chiến lớn hơn giữa Trung Quốc và Liên Xô.
Một bản ghi nhớ đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thuật lại chi tiết khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử Chiến Tranh Lạnh - một sĩ quan KGB đã hỏi về phản ứng của Mỹ với giả thiết có một cuộc tấn công của Liên Xô vào những cơ sở chứa vũ khí hạt nhân Trung Quốc.
Sau đó có một bản ghi nhớ gây chú ý với Kissinger được thực hiện bởi nhà quan sát những ảnh hưởng của Trung Quốc Allen S. Whiting, cảnh báo sự nguy hiểm khi Liên Xô tấn công Trung Quốc.
Rõ ràng, năm 1969 là năm then chốt khi những tính toán của Mỹ được thay đổi dựa trên dự tính rằng những căng thẳng của Liên Xô với Trung Quốc sẽ tạo nên một nền tảng cho sự gần gũi Mỹ-Trung. Điều này đã dẫn tới những đàm phán của Nixon và Kissinger để mở ra những kênh đối thoại bí mật với Trung Quốc qua Pakistan và Romania.
Hiện tại, những tóm lược trên rất hữu dụng bởi những động thái của ông Trump đang chỉ ra một chương trình đảo ngược lại kỷ nguyên Eisenhower - ngăn chặn Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh một liên minh với Nga.
Tổng thống Eisenhower là người đặt nền móng cho sự phân ly giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Nhưng liệu ông Putin có "cắn câu" ông Trump? Rõ ràng điều này còn tùy thuộc vào Mỹ sẽ trao gì cho Nga. Không nghi ngờ rằng ông Putin sẽ coi đây là một cơ hội hiếm có với Nga.
Ông đã có sự tán dương thái quá với ông Trump về vấn đề Triều Tiên và những sự hưởng ứng ấm áp sau đó là một trao đổi có ý nghĩa tại Helsinki. Đây là khởi đầu tốt để ghi điểm cho sự sắc sảo của Moscow khi thực hiện vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bắc Kinh sẽ phải quan sát "sự tan băng" tại Washington với một thái độ không dễ chịu. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hoan nghênh cuộc họp thượng đỉnh tại Helsinki.
Nhưng những đánh giá chủ đạo của giới phân tích Trung Quốc cho rằng sẽ không có gì lớn xảy ra vì mâu thuẫn trong mối quan hệ Mỹ-Nga mang tính nền tảng và căn bệnh sợ Nga (Russophobia) đang lan tỏa khắp trong giới quyền uy nước Mỹ.
Mặt khác, thời báo Hoàn Cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc có một bài xã luận có một phân tích rất hay về điều gì thúc giục ông Trump dành sự chú ý (tôn trọng) với Nga - Trung Quốc có thể học sự tôn trọng mà ông Trump dành cho Nga.
Bài báo kết luận rằng lý do duy nhất có thể hiểu được là dù Nga không phải là một quyền lực kinh tế, họ vẫn giữ ảnh hưởng toàn cầu do sức mạnh quân sự:
Ông Trump luôn nhấn mạnh rằng Nga và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới, với tổng số lượng vũ khí chiếm khoảng 90% trên thế giới và vì thế Mỹ cần chung sống hòa bình với Nga. Về mối quan hệ giữa Mỹ với Nga, ông Trump là người rất nhạy bén.
Mặt khác, nếu Mỹ đang gây áp lực với Trung Quốc hiện nay thì là bởi Trung Quốc dù là một người khổng lồ về kinh tế vẫn yếu trong sức mạnh quân sự. Vì thế:
Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không chỉ sử dụng để đảm bảo an toàn cho "cú tấn công thứ hai" mà còn đóng vai trò nền móng để tạo nên sự răn đe mạnh mẽ khiến các quyền lực bên ngoài không dám hăm dọa quân đội Trung Quốc...
Một phần trong chiến lược của Mỹ đến từ vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn... Một số nhân vật diều hâu đang hô hào Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến trình phát triển sức mạnh hạt nhân chiến lược. Không chỉ để cho Bắc Kinh sở hữu một kho vũ khí hạt nhân mạnh mà còn khiến cho thế giới bên ngoài biết rằng Trung Quốc kiên quyết bảo vệ các lợi ích của quốc gia với bằng sức mạnh hạt nhân.
Thực tế, nếu thời điểm cấp bách tới, Trung Quốc sẽ phải tự lực cánh sinh trong tam giác của Kissinger. Và Trung Quốc cần chuẩn bị cho điều như vậy có thể xảy ra.