Hiện nay chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu lớn, họ thậm chí còn tuyên bố mình "đi sau về trước" so với Nga.
Nhận định trên được cho là có cơ sở, khi hiện tại tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, trong khi Su-57 của Nga còn đang "trầy trật".
Không chỉ có vậy, nhiều công nghệ được Trung Quốc trình diễn trên chiếc J-20 thực sự cho thấy sự vượt trội so với máy bay Nga, ví dụ như thiết kế khoang vũ khí được đánh giá tối ưu hơn.
Chi tiết đáng nói nhất là động cơ "chuẩn thế hệ 5" WS-10G đã được Trung Quốc tuyên bố hoàn thiện và sẽ trang bị cho lô J-20 sản xuất hàng loạt tiếp theo, trong khi loại Izdeliye 30 của Su-57 chưa biết bao giờ mới hoàn thành thử nghiệm.
Chính vì lẽ trên, truyền thông Trung Quốc đã tự tin khẳng định rằng giai đoạn mua máy bay chiến đấu Nga đã qua, thậm chí nước này còn có thể cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trên thị trường tiêm kích thế hệ 5.
Nhưng thật bất ngờ, bất chấp những chỉ trích mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga, sự thật lại có vẻ diễn ra khác biệt hoàn toàn.
Một số nguồn thông tin của Trung Quốc cho biết, vấn đề mua một lô 12 máy bay chiến đấu thế hệ 5 Su-57 của Nga hiện đang được thảo luận tích cực tại nước này.
Điều này không chỉ do ý định của không quân Trung Quốc nhằm tăng cường lực lượng tác chiến của họ thông qua máy bay quân sự của Nga, mà còn là một nỗ lực để vay mượn công nghệ.
"Nga và Mỹ đang tụt lại phía sau trong các thiết bị công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đối với Trung Quốc, nhưng người Nga luôn tạo ra máy bay chiến đấu tốt".
"Vì lý do này, khả năng mua 12 và có thể nhiều hơn nữa các máy bay chiến đấu Su-57 cho nhu cầu của không quân Trung Quốc hiện đang được xem xét", thông tin của Sina cho biết.
Do không có tuyên bố chính thức từ đại diện của không quân Trung Quốc và Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, có thể giả định rằng tại thời điểm này, khả năng mua Su-57 của Nga chỉ mới bắt đầu được xem xét.
Tuy nhiên theo các chuyên gia quân sự thì trong trường hợp thương vụ trên được xúc tiến thì có lẽ cũng khó mà sớm hơn năm 2030, bởi dây chuyền sản xuất Su-57 của Nga thực chất vẫn chưa hoàn thiện.
Trong thời gian trước mắt, Nga vẫn đang tập trung sản xuất Su-57 để phục vụ cho nhu cầu của không quân nước mình, bên cạnh đó họ còn phải tiếp tục hoàn thiện nốt nhiều tính năng cốt lõi cho chiến đấu cơ này.
Nếu Trung Quốc muốn mua Su-57 để làm một mẫu đối chứng công nghệ thì chắc chắn họ phải chờ đến lúc chiếc chiến đấu cơ này hoàn thiện thì mới đặt hàng chứ không bao giờ mang về một sản phẩm dở dang.