Sự kiện 2 tàu khu trục USS Fitzgerald và USS John S. McCain lớp Arleigh Burke (DDG-51) bị tai nạn sau khi va chạm với tàu hàng, dự kiến phải mất một khoảng thời gian dài để sửa chữa đã để lại lỗ hổng lớn trong lực lượng Hải quân Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Seth Cropsey - Giám đốc Trung tâm Sức mạnh Hải quân Mỹ cho biết, việc mất hai khu trục hạm trong lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo, giữa lúc Triều Tiên đang đe dọa tấn công các mục tiêu Mỹ và đồng minh là điều đáng tiếc và không đáng có.
Sự mất mát này diễn ra khi hạm đội Mỹ triển khai tại đây vốn đã quá mỏng, khó lòng đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ, khiến khối lượng công việc của 10 khu trục hạm và tuần dương hạm còn lại càng nặng nề hơn.
Chuyên gia Bryan Clark từ trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách cho rằng, có thể sẽ phải triển khai chiến hạm từ Hawaii hoặc từ lục địa Hoa Kỳ tới, tuy vậy đây là giải pháp "giật gấu vá vai" vì lại gây khoảng trống ở những vị trí khác.
Do việc đóng thêm tàu chiến là rất mất thời gian, Hải quân Mỹ được dự báo sẽ phải tìm đến giải pháp tái biên chế các khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry trong tương lai.
Các khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry (FFG-7) của Mỹ đang trong tình trạng niêm cất bảo quản
Tuy nhiên đề xuất trên của ông Clark rất không ổn do chênh lệch sức mạnh giữa Oliver Hazard Perry với Arleigh Burke là rất xa, FFG-7 có tầm hoạt động cũng như hỏa lực thua kém DDG-51 quá nhiều, đặc biệt hơn, nó không hề có khả năng tạo lập lá chắn phòng thủ tên lửa.
Mọi việc còn tồi tệ hơn vì trước khi bị loại biên, toàn bộ lớp khinh hạm Oliver Hazard Perry đã bị tháo bỏ ray phóng tên lửa Mk 13 để hoán cải thành tàu pháo, việc tái vũ trang tỏ ra không hề hiệu quả.
Do vậy để nhanh chóng lấp khoảng trống, Hải quân Mỹ còn một ứng viên sáng giá hơn đó là 5 tuần dương hạm Aegis lớp Ticonderoga đời đầu đang được lưu trữ tại căn cứ Philadelphia.
Các tuần dương hạm Ticonderoga đang được lưu trữ tại căn cứ hải quân Philadelphia
Nguyên nhân chính khiến 5 tuần dương hạm Ticonderoga số hiệu CG-47 đến CG-51 bị loại biên khi mới phục vụ 18 - 21 năm (trong khi thời hạn sử dụng lên tới 35 năm), theo nhận định chủ yếu nằm ở việc tàu chỉ được trang bị ray phóng đôi Mk 26.
Nhược điểm lớn của Mk 26 là không cho phép khai hỏa tên lửa với tốc độ nhanh như ống phóng thẳng đứng Mk 41, ngoài ra sau mỗi loạt phóng phải tái nạp một lần và còn phải lựa chọn chủng loại tên lửa cho phù hợp.
Nhưng nếu được nâng cấp hệ thống tác chiến Aegis, đi kèm lắp đặt bệ phóng Mk 41 thì chúng không thua kém gì những chiếc Ticonderoga đang hoạt động, sẽ đảm đương tốt nhiệm vụ thêm một thời gian khá dài nữa, thậm chí nếu so sánh về sức mạnh thì còn vượt trội nhiều tàu mới đóng của Nga hay Trung Quốc.
Ngoài ra trong kế hoạch bổ sung lực lượng cho hải quân, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho biết ông sẽ tăng cường đáng kể số lượng tuần dương hạm Ticonderoga, đây được coi là tuyên bố đầu tiên về việc "gọi tái ngũ" lớp tàu chiến này.
Với tình hình hiện tại, khi yêu cầu nhanh chóng lấp khoảng trống của chiếc ô phòng thủ tên lửa châu Á - Thái Bình Dương trở nên cấp thiết, 5 chiến hạm trên khả năng lớn sẽ sớm được "tái xuất giang hồ".