Đã "ăn trộm" còn... làm màu
Theo tờ Jerusalem Post (JPost) của Israel, hôm 20/4 vừa qua, truyền thông Iran khoe khoang rằng họ đã tái tạo bản sao của một loại tên lửa chống tăng Israel. Đồng thời, Iran tuyên bố giờ đây nước này đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về cải tiến tên lửa.
Tuy nhiên, tờ JPost phát hiện nhiều điểm kỳ quặc ở đây:
Đầu tiên, Iran không muốn tự mình đưa ra những tuyên bố trên. Theo cách trước nay thông tin được tung ra, bản tin này được "dẫn lại" từ một trang tin của Nga, để Iran không phải dẫn "các nguồn tin địa phương".
"Một trang tin hàng không của Nga cho biết Iran có thể đã tái tạo bản sao của một quả tên lửa Israel từng bị bắn hạ ở Syria" - Kênh Press TV của Iran cho hay.
Thế nhưng, ngay cả khi có dẫn lại nguồn tin từ Nga thì truyền thông Iran lại tự khẳng định rằng nước này hiện đã thử nghiệm mẫu tên lửa chống tăng mới.
Có thể nhìn ra cách Iran dựng nên câu chuyện này như sau: Đầu tiên truyền thông Iran dẫn nguồn từ truyền thông Nga, sau đó tiếp tục dẫn một số nguồn tin Iran như là nguồn cung cấp một phần câu chuyện.
"Avia.Pro (trang tin của Nga) dẫn lời các chuyên gia nhận định, Iran có thể sử dụng các tên lửa của Israel để chống lại chính Tel Aviv" - Press TV lưu ý.
Câu trên, thực chất, chính là một phần tường thuật từ phía Iran về việc họ sẽ sử dụng công nghệ Israel để chống lại Israel. Iran từng làm điều tương tự với Mỹ trong quá khứ, khi họ tuyên bố gây nhiễu và bắn hạ một chiếc máy bay không người lái (UAV) RQ-170 Sentinel vào năm 2011.
Hình ảnh tên lửa chống tăng mới của Iran được cho là sao chép từ tên lửa Spike của Israel. Ảnh: Fars news.
Iran sau đó đã chế tạo ra một mẫu UAV trông giống chiếc Sentinel và gọi nó là Saeqeh, về cơ bản là một loại UAV cánh bay. Nước này cũng đồng thời chế tạo một mẫu khác dựa trên UAV của Mỹ, gọi là Shahed 171.
Một bản điều tra của nhà phân tích Wim Zwijnenbrg trên website Bellingcat cũng lưu ý những điểm tương tự. Ngoài ra, theo bản điều tra, bản sao của Iran cùng kiểu với chiếc UAV mà nước này từng triển khai vào không phận Israel tháng 2/2018, sau đó bị trực thăng Apache của Israel bắn hạ.
Iran cũng từng sao chép UAV Predator và Scan Eagle của Mỹ để lần lượt chế tạo hai mẫu Shahed 129 và Qods Yasir.
Theo JPost, Iran gần đây đã tiết lộ nhiều mẫu UAV mới, trong đó có Ababil-3. Đây có vẻ là UAV được Iran sao chép từ một mẫu của Nam Phi, bản thân mẫu gốc này cũng mô phỏng thiết kế đuôi kép của Israel.
"Một lần nữa, Iran chỉ đơn giản lấy những gì người khác đã tạo ra và sao chép nó" - JPost viết.
Iran "tự vả vào mặt mình"
Theo JPost, tương tự như các UAV, kho tên lửa của Iran, từ Fajr cho tới Zelzal, Fateh, Shahab, hầu hết được thiết kế dựa trên các mẫu tên lửa của nước ngoài, như 9K52 Luna-M, Scud-C (Liên Xô/Nga), CSS-8 (Trung Quốc), Taep’o-dong, Hwasong-6 và No-dong (Triều Tiên).
Iran đã cải tiến các thiết kế của nước ngoài và sử dụng những tên lửa đạn đạo này để tấn công IS, phiến quân người Kurd và các căn cứ Mỹ tại Iraq.
Phải thừa nhận rằng, so với những thiết kế được sử dụng làm nền tảng, Iran đã làm được nhiều thứ hơn với các tên lửa của mình trong những chiến dịch gần đây. Song, không chỉ sao chép vũ khí, Iran còn tuyên bố rằng những bản sao mà nước này tạo ra có năng lực vượt trội hơn so với bản gốc.
Ví dụ, Iran "khoe" các UAV của họ có thể bay hơn 1.000 km và đạt đến độ cao hơn 13km. Và bây giờ, họ tiếp tục tuyên bố rằng đã trang bị tên lửa chống tăng cho các UAV của mình.
Tờ Tasnim News dẫn lại bản tin của Press TV cho biết, tên lửa chống tăng của Iran trang bị trên UAV Ababil-3, có thể xuyên thủng các xe bọc thép từ nóc - vị trí chúng có lớp giáp yếu nhất. Truyền thông Iran đã công bố hình ảnh từ những cuộc thử nghiệm này, đồng thời cho biết Ababil-3 sẽ được trang bị cho Không quân.
Iran tuyên bố đứng hàng đầu Trung Đông về công nghệ tên lửa, vậy sao lại đi sao chép? (Ảnh minh họa: VOA)
JPost nhận định, tuyên bố này có vẻ "có vấn đề", do trước nay sở trường của Iran chủ yếu là dùng UAV với vai trò "tự sát", họ cung cấp chúng cho lực lượng Houthis ở Yemen hoặc triển khai chúng từ Iran để chống lại Saudi Arabia cùng các mục tiêu khác.
Những chiếc UAV này không quay trở lại căn cứ. Điều đó khác biệt hẳn với vai trò của những mẫu UAV do Mỹ hoặc một số bên khác triển khai, chẳng hạn như mẫu Reaper trang bị tên lửa Hellfire của Mỹ.
Iran không giải thích nước này sẽ làm cách nào để kết nối với tên lửa lắp đặt trên các UAV, mà chỉ tuyên bố sẽ thả tên lửa từ UAV để tấn công mục tiêu.
Chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ IRGC Amir Ali Hajizadeh tuyên bố, Iran hiện đứng đầu Trung Đông về công nghệ tên lửa và đang dần trở thành một cường quốc toàn cầu.
Theo JPost, một lần nữa tuyên bố của Iran đưa ra chứa đầy mâu thuẫn.
"Nếu Iran tuyên bố rằng mình là một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ tên lửa ở Trung Đông, tại sao lại cần đi sao chép sản phẩm của nước khác? Tại sao họ không tự phát triển tên lửa chống tăng? Tại sao lại phải sao chép UAV và tên lửa của các bên khác?"- JPost nêu ra một loạt câu hỏi.
Theo tờ báo của Israel, truyền thông Iran không giải thích mâu thuẫn lồ lộ này nhưng lại tự hào khoe khoang rằng họ sẽ sử dụng những vũ khí đó để chống lại Mỹ-Israel.
Cần lưu ý rằng, thông tin về mẫu tên lửa chống tăng mới của Iran được đưa ra trong bối cảnh Iran tiếp tục tuyên bố sẽ hất cẳng Mỹ khỏi Iraq và vịnh Ba Tư. Tehran cũng thường xuyên đe dọa Israel và truyền thông nước này gần đây luôn nhấn mạnh tới mối đe dọa từ Hezbollah đối với quốc gia Do Thái.