'Phát hiện' mới của phía Ukraine
Bên cạnh tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV) cảm tử Geran-2 của Nga (bị Phương Tây và Kiev cáo buộc là biến thể của Shahed-136 Iran) đang gây rất nhiều khó khăn cho phía Ukraine - đặc biệt là lực lượng phòng không.
Và hôm 4/2 vừa qua, nhóm hacker "PRANA Network" đã ra tuyên bố về một vụ xâm nhập thành công của họ nhằm vào hệ thống email của công ty có tên "Sahara Thunder" (Sấm sét Sahara).
Nhóm hacker lưu ý rằng công ty này được cho là "vỏ bọc" của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và đứng trung gian cho các thương vụ vũ khí giữa họ với Nga đồng thời nhấn mạnh rằng các tài liệu thu được đã "làm sáng tỏ thực tế sản xuất UAV Iran tại Nga".
Cụ thể "PRANA Network" cho biết rằng kể từ tháng 4/2023, một nhà máy lắp ráp UAV rộng 10.000 m2 từ các linh kiện đến từ Iran đã được thành lập ở Nga.
Nhà máy trị giá 12 tỷ Rub (131 triệu USD) này nằm trong dự án được gọi là "Lodka" trị giá 108,5 tỷ Rub nhằm sản xuất 6.000 UAV trong hơn 2,5 năm.
Các tài liệu chỉ ra rằng việc xây dựng nhà máy đã kết thúc vào đầu năm 2023 và đến tháng 4 năm đó, dây chuyền lắp ráp đầu tiên (nằm trong 3 dây chuyền) đã hoạt động.
Thậm chí các tài liệu cũng chỉ ra các phân xưởng trong nhà máy - với mỗi phân xưởng chịu trách nhiệm cho một công đoạn sản xuất UAV bao gồm tạo hình kim loại, cắt các tấm carbon, lắp ráp chi tiết, gia công sau lắp ráp, sơn, nạp nhiên liệu, KCS (kiểm tra chất lượng)...
Việc sản xuất động cơ cánh quạt MD550 và các thiết bị cơ khí khác cũng được cho là triển khai ngay trong nhà máy này.
Nếu hoạt động 3 ca, nhà máy có khả năng cho ra lò 10 thành phẩm mỗi ngày và theo kế hoạch, mỗi năm 2.500 UAV sẽ rời khỏi đó.
"PRANA Network" lưu ý rằng ban đầu phía Iran đưa ra giá mỗi đơn vị UAV là 23 triệu Rub (375.000 USD), tuy nhiên quá trình đàm phán sau đó đã dẫn tới thỏa thuận 6.000 UAV với mỗi chiếc giá 12 triệu Rub (193.000 USD).
Tính đến cuối tháng 12/2023, nhà máy được cho là đã có thể cung cấp khoảng 1.932 thành phẩm.
Cùng kỳ, 2.000 "phụ tùng thay thế" trị giá 17 tỷ Rub (199,6 triệu USD) cùng số "thiết bị và công nghệ" trị giá 102 tỷ Rub (1,197 tỷ USD) đã đến nhà máy thông qua qua Biển Caspian và các tuyến đường bộ qua khu vực Trung Á.
Hé lộ cách HIMARS sắp bị Nga lùng diệt?
Trong số tài liệu được các hacker tìm thấy có những thứ liên quan đến việc phát triển các UAV tiên tiến hơn bao gồm loại có động cơ phản lực, loại có khả năng trinh sát, loại có khả năng chuyển tiếp tín hiệu điều khiển...
Thậm chí chi phí ước tính cho từng biến thể mới cũng được nêu rõ - khoảng 900.000 USD cho loại trinh sát, 1,4 triệu USD cho loại có động cơ phản lực và 460.000 USD cho loại đa năng (vừa có khả năng trinh sát vừa có khả năng tấn công).
Tuy nhiên điểm đáng chú ý nhất là những tài liệu liên quan tới cặp UAV được gọi là M-236 và MC-236. M-236 là UAV được trang bị radar phản pháo có thể quét các khu vực có bán kính lên tới 70 km.
Hình minh họa miêu tả nó được phóng từ khoảng cách lên tới 150 km tới khu vực chỉ định.
Sau khi tiếp cận khu vực, UAV có thể phát hiện khí tài pháo binh đối phương khai hỏa, bám bắt nó chặt chẽ trước khi MS-236 vượt quãng đường lên tới 220 km và tiêu diệt mục tiêu.
Và điều thú vị là loại pháo binh đối phương trong hình minh họa có rất nhiều điểm chung với tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MRLS) M142 HIMARS.
Được biết tầm bắn tối đa của đạn phản lực M30/31 từ HIMARS là 84 km và tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS là 300 km.