Tự hào vũ khí Việt Nam: Tàu Gepard lớn và hiện đại nhất có chuyến đi lịch sử - Kỷ lục mới

Bình Nguyên |

26 quốc gia sẽ đến dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân Nga, tướng Shoigu cho biết. Tự hào khi tàu 016 - Quang Trung, tàu Gepard hiện đại nhất Việt Nam sẽ tham dự buổi lễ trọng đại này.

Thêm một chuyến đi lịch sử và kỷ lục của chiến hạm hiện đại nhất Việt Nam

Theo thông tin từ báo Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết sáng 17/7, tàu 016-Quang Trung (Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân) cùng đoàn công tác Hải quân nhân dân Việt Nam đã rời Quân cảng Cam Ranh đi thăm xã giao Liên bang Nga và tham dự duyệt binh tàu nhân kỷ niệm 323 năm Ngày truyền thống Hải quân Nga tại Thành phố Vladivostok.

Tàu 016 - Quang Trung là chiếc thứ 4 thuộc lớp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mà Nga mới bàn giao cho Việt Nam cách đây không lâu. Gepard được đánh giá là lớp tàu chiến lớn và hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam tính tới thời điểm này.

Thật tự hào khi được biết cả 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 của HQVN không những luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu mà còn tham gia các sự kiện đối ngoại quốc phòng ở nhiều quốc gia tại nhiều vùng biển khác nhau.

Những hoạt động đầy ý nghĩa này đã giúp tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển với hải quân, quân đội và nhân dân các nước trên thế giới, khẳng định năng lực, vị thế của Hải quân nhân dân Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Chuyến thăm Nga sắp tới của tàu 016-Quang Trung với hải trình chừng 7.000 hải lý, được đánh giá là một chuyến đi kỷ lục mới đối với các chiến hạm của Việt Nam.

Trước đó, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Việt Nam đã lần lượt lập thực hiện các chuyến thăm lịch sử tới Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tự hào vũ khí Việt Nam: Tàu Gepard lớn và hiện đại nhất có chuyến đi lịch sử - Kỷ lục mới - Ảnh 2.

Tàu hộ vệ tên lửa gepard 016-Quang Trung Tham gia diễn tập chung với Hải quân Ấn Độ

Tự hào vũ khí Việt Nam: Tàu Gepard lớn và hiện đại nhất có chuyến đi lịch sử - Kỷ lục mới - Ảnh 3.

Hoạt động của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 Hải quân Việt Nam trong lần đầu thăm quân cảng Nhật

Cụ thể, năm 2016, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 011-Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam đã vượt gần 5.000 hải lý từ biển Đông qua eo biển Malacca tới Ấn Độ Dương để tham gia Lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế tại căn cứ hải quân Vishakhapatnam (Ấn Độ).

Còn vào năm ngoái, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 015-Trần Hưng Đạo đã lập thêm một kỷ lục mới khi vượt qua hơn 5.000 hải lý đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Đặc biệt, trong chuyến đi này, Đoàn công tác của Hải quân Việt Nam và và cán bộ, thủy thủ Tàu 015-Trần Hưng Đạo đã tham dự Duyệt binh tàu quốc tế tại Căn cứ Hải quân Jeju Hàn Quốc; Diễn tập hàng hải ASEAN-Trung Quốc tại Trạm Giang, Trung Quốc.

Các chuyến đi trên không chỉ làm nhiệm vụ đối ngoại quân sự mà còn góp phần đánh giá năng lực chỉ huy hiệp đồng, trình độ thao tác làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật của bộ đội.

Tàu 016-Quang Trung có gì đặc biệt?

Tàu 016-Quang Trung (cùng với tàu 015-Trần Hưng Đạo) là thuộc cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thứ 2 mà Việt Nam mua của Nga và có nhiều cải tiến lớn so với cặp tàu đầu tiên (011-Đinh Tiên Hoàng và 012-Lý Thái Tổ).

Như vậy là cả 4 tàu lớn và hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam được vinh dự mang tên của 3 vị vua và 1 danh tướng lẫy lừng.

Điểm khác biệt lớn nhất chính là các tàu Gepard mới (015 và 016) đã được lắp đặt thiết bị định vị thủy âm cùng ống phóng ngư lôi 533 mm.

Tự hào vũ khí Việt Nam: Tàu Gepard lớn và hiện đại nhất có chuyến đi lịch sử - Kỷ lục mới - Ảnh 4.

Cấu hình mạnh và hiện đại của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 Hải quân Việt Nam.

Loại ngư lôi hạng nặng này vừa có khả năng chống tàu mặt nước vừa có khả năng chống tàu ngầm, sở hữu nhiều điểm vượt trội như uy lực và tầm bắn lớn hơn rất nhiều so với các bệ Paket-NK cỡ 324 mm thường thấy trên tàu hộ vệ tên lửa cỡ 2.000 tấn của Nga.

Lớp tàu Gepard được thiết kế để tiêu diệt các tàu nổi, tàu ngầm cũng như các phương tiện tấn công đường không của địch cũng như tuần tiễu hay hộ tống độc lập hoặc trong các biên đội tàu nhằm bảo vệ các tuyến vận tải biển và vùng đặc quyền kinh tế.

Các tàu Gepard của Hải quân Việt Nam và các tàu Gepard nội địa trong Hạm đội Caspian của Hải quân Nga được đánh giá cao về độ tin cậy như uy lực chiến đấu.

Trong đó, các tàu Gepard của Nga được cải tiến đã tham gia các nhiệm vụ trên biển xa, dài ngày và thực hiện các đòn đánh hiệu quả bằng tên lửa hành trình Kalibr tấn công hủy diệt mục tiêu của phiến quân khủng bố tại Syria từ cự ly hàng nghìn km.

Theo giới thiệu của Nga, thông số kỹ thuật cơ bản của lớp tàu Gepard như sau:

Vũ khí:

- Tên lửa: 4x4 ống phóng tên lửa đối hạm Uran-E (16 Kh-35 quả, tầm bắn 130km).

- Pháo: 1 pháo chính 76.2mm AK-176M kèm theo hệ thống pháo/tên lửa phòng không Palma, tầm bắn tối đa với tên lửa 8,000m, đối với pháo là 4,000m, được điều khiển bằng quang-điện và hỗ trợ dữ liệu từ radar và 2 súng máy phòng không 14,5mm

- Chống ngầm: 2 ống phóng kép cho ngư lôi 533mm; Hệ thống phóng bom ngầm RBU-6000 với 12 ống; Hệ thống kiểm soát hỏa lực chống ngầm Purga

Hệ thống kiểm soát hỏa lực:

• Radar Laska có khả năng vừa sục sạo vừa bám các mục tiêu từ khoảng cách tới 30km, dùng để điều khiển pháo các cỡ từ 30 tới 76mm nhằm tiêu diệt các mục tiêu như máy bay, tên lửa và tàu nổi cỡ nhỏ. Nó được tích hợp với các kênh TV và hồng ngoại. Ngoài ra nó còn được trang bị thêm hệ thống SP-521 Rakurs.

Trực thăng: Ka-28 chống ngầm (hoặc Ka-31 mang radar chuyên nhiệm cảnh báo sớm) có hăng-ga hoặc sàn đáp/bãi đậu.

Hệ thống tác chiến điện tử: Hệ thống tác chiến điện tử MP-407E ECM; Hệ thống mồi bẫy PK-10 (4x10 ống phóng)

Thiết bị định vị: Hệ thống định vị Gorizont-257 kết hợp cùng radar Gorizont-25; Hệ thống EKNIS MK-54IS và GPS NT200D

Hệ thống quản lý thông tin tác chiến: Hệ thống Sigma-E

Hệ thống nhận dạng: Thiết bị 67R IFF

Thông tin liên lạc: Hệ thống thông tin liên lạc tự động Buran-6VE

Thiết bị điện tử: Radar mảng pha 3 chiều trinh sát mục tiêu trên không và trên biển Pozitiv-ME1 tầm trinh sát tối đa 150km trong điều kiện biển động cấp 3.

Loại radar này có thể phát hiện mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1000m từ khoảng cách 110km; có thể phát hiện mục tiêu là tên lửa đối hạm có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay ở độ cao 15m từ khoảng cách 15km. Có thể bám cùng lúc 3-5 mục tiêu. Có thể phát hiện mục tiêu là tàu nổi có diện tích 10,000m2 từ ngoài đường chân trời.

Thông số kỹ thuật cơ bản

Lượng choán nước đầy tải: 2.100 tấn

Kích thước ngoài (dài x rộng x mớn nước): 102,2 x 13,1 x 5,3m

Tốc độ: Tối đa: 28 hải lý/h; Tốc độ hành trình: 18 hải lý/h

Tầm hoạt động ở tốc độ tiết kiệm: 5.000 hải lý

Dự trữ hoạt động: 20 ngày

Sử dụng vũ khí không hạn chế trong điều kiện biển động tới cấp 5

Thủy thủ đoàn: 103 người

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại