Từ chuyện Khải Silk nhập nhèm bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ tiết lộ thực trạng buồn ngành tơ tằm

Vương Diệu Quân |

Không chỉ nhập khẩu sản phẩm lụa, việc trồng dâu, nuôi tằm lấy kén trong nước mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu của khâu ươm tơ. Thậm chí con tằm cũng chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp ngành dâu tằm tơ trong nước đang phải cạnh tranh quyết liệt với những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Thậm chí, một số doanh nhân Trung Quốc đã trực tiếp đầu tư nhà máy tại Lâm Đồng. Chung quanh vấn đề này, ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Trí Thức Trẻ.

Là Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng ngành dâu tằm tơ Việt Nam?

Trong vòng 7 năm trở lại đây, ngành dâu tằm tơ Việt Nam đã phát triển khởi sắc trở lại. Đã có trung tâm nghiên cứu đã tạo ra được loại giống mới giúp tăng năng suất. Điển hình như Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã tạo ra 2 loại giống dâu mới (S7-CB và VA-201) với năng suất dâu cao gấp 3 lần so với giống dâu địa phương.

Do năng suất cao nên thu nhập trên mỗi ha trồng dâu cũng cao hơn so với việc trồng những loại cây khác như trà hay cà phê. Giá kén hiện cũng có sự thay đổi, tùy thuộc vào từng vùng (Lâm Hà 170.000 đồng/ký, Bảo Lộc 163.000 đồng/ký, các địa phương phía nam Lâm Đồng khoảng 150.000 đồng/ký). Năng suất bình quân hiện đạt 2,5 tấn kén/ha, có hộ đạt 4 tấn kén/ha. Bà con rất phấn khởi và phát triển trồng dâu nuôi tằm.

Có thông tin cho rằng, cây dâu thường được trồng xen với rau màu, cây công nghiệp. Do đó, lá dâu bị ảnh hưởng mỗi khi người dân phun hóa chất ở các vườn chung quanh. Theo ông, làm sao để phát triển vùng nguyên liệu trong bối cảnh hiện nay?

Mọi người đều biết rằng, con tằm chỉ ăn lá dâu. Do đó, quy hoạch vùng trồng dâu rất quan trọng. Nếu việc trồng dâu xen canh với trồng hoa, rau màu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con tằm. Vì khi dùng hóa chất, hơi thuốc trừ sâu sẽ vô lá dâu. Con tằm khi ăn lá dâu bị nhiêm thuốc sẽ chết. Việc trồng xen canh chỉ thích hợp nếu cây dâu được trồng xen với cây cà phê.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu là vấn đề khó đối với những vùng đô thị hóa cao. Cho nên, những tỉnh nào còn quỹ đất thì làm quy hoạch với quỹ đất đó. Cây dâu không kén đất nhưng con tằm chỉ sống được ở những vùng nào có điều khiển khí hậu phù hợp.

Nếu quy hoạch tốt, chính quyền địa phương có định hướng cùng với hiệu quả trồng dâu trên mỗi ha đất cao hơn so với các cây trồng khác cao hơn thì người dân sẽ tích cực làm. Ví dụ như ở Lâm Đồng hiện nay, người dân đã chặt bỏ cây cà phê lâu năm để trồng những giống dâu mới.

Theo cá nhân tôi, với quỹ đất như hiện nay việc xây dựng vùng chuyên canh rất khó. Chỉ có thể để người dân tự phát triển diện tích trồng dâu và kết hợp với nhà doanh nghiệp, nhà khoa khoa học để đưa các giống dâu mới vô. Hiện nay, đã tạo được 2 giống dâu mới cho năng suất cao hơn 15% so với giống VA-201 trước đó. Nếu có chính sách cho vay vốn đầu tư, người nông dân sẽ cải tạo, phát triển vùng nguyên liệu.

 Từ chuyện Khải Silk nhập nhèm bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ tiết lộ thực trạng buồn ngành tơ tằm  - Ảnh 1.

Lãnh đạo một công ty trong ngành dâu tằm tơ từng chia sẻ với báo chí rằng, giống tằm hiện tại không cho tơ đạt chất lượng quốc tế. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Có sự khác biệt về giống tằm ở mỗi vùng nuôi. Miền Trung và miền Bắc thường nuôi các giống tằm đa hệ. Đây là giống tằm cổ truyền được nuôi ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung. Do đặc trưng thời tiết miền trung và bắc có mùa hè rất nóng, độ ẩm cao nên không nuôi được các giống tằm lưỡng hệ và chỉ chủ yếu nuôi giống tằm đa hệ.

Mộc Châu (Sơn La) và Lâm Đồng là nơi có nuôi giống tằm lưỡng hệ. Đây là nơi có nhiệt độ 25-27 độ C, độ ẩm không khí 80-85% rất thích hợp nuôi giống tằm lưỡng hệ. Giống tằm lưỡng hệ này cho 750 – 800 mét tơ/ký kén. Trong khi giống đa hệ chỉ cho 280-300 mét tơ/ký kén. Tuy nhiên, hiện ở Lâm Đồng, giống tằm chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc. Giống của Việt Nam không có.

Như vậy, khâu giống đang bị doanh nghiệp Việt Nam bỏ ngỏ hay do doanh nghiệp Trung Quốc quá mạnh và doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được với họ?

Theo tôi, có hai nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Trước đây, cũng đã từng có các xí nghiệp giống ở Lâm Đồng (nay là Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam - Viseri). Sau khi được cổ phần hóa, công ty không còn năng lực sản xuất nữa. Sản phẩm sản xuất ra cũng không tiêu thụ được. Người dân thích nuôi giống của Trung Quốc hơn, vì năng suất cao hơn, sống tốt hơn.

Nguyên nhân nữa là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không giữ những giống gốc. Khi không có giống gốc thì không thể sản xuất cặp lai. Vì vậy, dù có doanh nghiệp sản xuất giống thì cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, một số hiệp định đã chính thức được thực thi. Theo ông, cần có giải pháp gì để doanh nghiệp dâu tằm tơ Việt Nam có đủ sức cạnh tranh và ngành dâu tằm tơ phát triển bền vững?

Theo tôi được biết, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng và họ chưa đầu tư vào khu vực khác. Ở tỉnh Lâm Đồng đang xảy ra tình trạng mất cân đối giữa đầu tư máy móc ươm tơ với sản lượng nguyên liệu.

Ngay từ đầu năm, Hiệp hội đã có phản ánh với chính quyền địa phương, đề nghị cân đối giữa thiết bị máy móc và vùng nguyên liệu trước khi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Tôi đã đề nghị với Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh rằng, lúc cấp giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài cần yều cầu họ trồng số ha dâu tương ứng với lượng máy móc thiết bị đem vào.

Từ đó, cân đối giữa vùng nguyên liệu và thiết bị máy móc. Đây là việc chỉ có Nhà nước mới làm được. Khi yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phát triển vùng nguyên liệu, họ sẽ phải bỏ phần nào đó vốn, phân bón để phát triển cây cây dâu.

 Từ chuyện Khải Silk nhập nhèm bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ tiết lộ thực trạng buồn ngành tơ tằm  - Ảnh 2.

Ngày 25/10, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn KhaiSilk đã thừa nhận rằng 50% sản phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế còn thực trạng các sản phẩm tơ lụa của Việt Nam thì sao?

Tôi có biết chuyện về KhaiSilk sau khi xem trên báo và Internet. Theo tôi, ngành dâu tằm tơ của Việt Nam đã chưa được đầu tư đồng bộ. Khâu nhuộm, in chưa đáp ứng được thị hiếu của thị trường. Nhưng muốn đầu tư vô nhuộm, in thì phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.

Đã từng có một đơn vị trên Bảo Lộc làm về in nhưng sau đó đã phải đóng cửa vì hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo. Trong khi đó, mẫu mã đáp ứng được nhu cầu thời trang vẫn là điểm yếu của ngành.

Trong ngành dâu tằm tơ, sản phẩm của giai đoạn trước là nguyên liệu của giai đoạn sau. Người trồng dâu nuôi tằm, sản phẩm của họ là kén. Kén là nguyên liệu cho công nghiệp ươm tơ. Sau ươm tơ đến công nghiệp dệt.

Đó là nguyên liệu cho ngành in hoa, trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường. Trong các công đoạn đó, mới chỉ 70% nhu cầu của khâu ươm tơ được đáp ứng. Còn việc in hoa đang bị bỏ ngỏ.

Xin cám ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại