Tự bước vào "ngõ cụt u tối" Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đừng hỏi vì sao Nga-Syria không "chia miếng bánh" hậu chiến tranh

Mạnh Kiên |

Lựa chọn ở Idlib khiến Thổ Nhĩ Kỳ tự đưa mình vào ngõ cụt về chính sách khu vực - khiến Syria và các đồng minh sau này có muốn Ankara là một phần trong bàn cờ hậu chiến tranh cũng sẽ khó mà làm được.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một số động thái độc lập kể từ khi cuộc chiến nhằm thay đổi chính quyền của Mỹ ở Syria bắt đầu ngã ngũ.

Ở thời điểm này, Ankara vẫn cố chấp duy trì sự hiện diện của mình ở Syria, ủng hộ các nhóm phiến quân và cản trở Damascus giành lại lãnh thổ hợp pháp.

Biểu hiện mới nhất của chính sách này là các cuộc đụng độ ngày càng thường xuyên và khốc liệt giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria ở Idlib.

Tự bước vào ngõ cụt u tối Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đừng hỏi vì sao Nga-Syria không chia miếng bánh hậu chiến tranh - Ảnh 1.

Chiến thắng của liên quân Nga-Syria ở Idlib chỉ là vấn đề thời gian.

Giới quan sát tin rằng, xung đột ở Idlib chắc chắn sẽ khiến cho các nhóm phiến quân cùng với gia đình sẽ chạy trốn qua biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và chắc chắn sẽ gây ra vấn đề tị nạn vốn đã nhức nhối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, đó chẳng phải là mối lo của Syria, cũng như không phải của các đồng minh Nga và Iran. Đó là hậu quả đến từ những chính sách ban đầu của Washington và Ankara mà giờ đây chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tự dọn dẹp.

Cuộc khủng hoảng tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được sử dụng như một cái cớ nhiều lần trong quá khứ bởi Ankara và các đồng minh phương Tây nhằm hướng tới mục đích thay đổi chính quyền Damascus và biện minh cho sự can thiệp trực tiếp hơn của phương Tây ở Syria.

Các tiến trình chính trị được thiết lập gần đây được coi là giải pháp rõ ràng cho cuộc khủng hoảng tị nạn – nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn từ chối tham gia một cách hoàn toàn.

Cùng với nỗ lực gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ khi lấy cớ khủng hoảng tị nạn nhằm biện minh cho sự hiện diện quân sự của mình ở Syria, truyền thông phương Tây cũng tiếp tục lấy lý do này để chỉ trích vô cớ Damascus và đồng minh, với hy vọng sẽ cản trở các bước tiến quân sự mới.

Trớ trêu và không may - những nỗ lực như vậy không che giấu được sự thật đang diễn ra trên chiến trường. Không những vậy, nó cũng có rất ít cơ may cải thiện triển vọng về những mục tiêu cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ - bao gồm duy trì sự chiếm đóng lãnh thổ Syria và sự hậu thuẫn của các chiến binh hoạt động ở đó.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rời Syria dù bằng cách này hay cách khác

Viết trên Global Research, nhà nghiên cứu địa chính trị Tony Cartalucci cho rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể ở lại vô thời hạn ở Syria. Các nhóm phiến quân hậu thuẫn của nước này cuối cùng sẽ bị thanh trừng và các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị bao vây bởi lực lượng Syria.

Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp bổ sung quân tiếp ứng sẽ không thể giúp nước này tránh khỏi bại trận ở Syria.

Ngược lại, Ankara lúc này nên bắt đầu điều chỉnh chính sách của mình với thực tế đang xảy ra ở Idlib và mở rộng hợp tác với Nga và Iran về cuộc xung đột Syria - rút dần sự ủng hộ đối với các nhóm chiến binh, khuyến khích giải giáp và đầu hàng, và dần dần bàn giao các lãnh thổ chiếm đóng ở Syria cho người Syria.

Tự bước vào ngõ cụt u tối Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đừng hỏi vì sao Nga-Syria không chia miếng bánh hậu chiến tranh - Ảnh 3.

Sự phụ thuộc vào phương Tây sẽ càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được mục tiêu của mình trong tương lai.

Theo giới phân tích, Ankara thực tế đã nhận ra viễn cảnh thất bại của mình là không thể thay đổi nhưng vẫn cố chấp từ chối rút quân tại đây nhằm sử dụng điều này như một con bài mặc cả để tìm kiếm những nhượng bộ từ Damascus và đồng minh.

Các động thái tăng cường quân sự gần đây cũng có thể là một nỗ lực mới nhằm tung hỏa mù trước Damascus, trong nỗ lực ngăn chặn các lãnh thổ tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ bị chiếm lại bởi bước tiến công của quân đội Syria.

Tương lai Thổ Nhĩ Kỳ

Các quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày, tuần và tháng tới - sẽ tiếp tục xác định vị thế của nước này khi mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ và phụ thuộc với phương Tây sẽ dần tan biến, đồng thời tạo ra một vị thế mới trên sân khấu toàn cầu.

Việc tiếp tục hiện diện không cần thiết ở miền bắc Syria – phần còn lại trong cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ tạo ra - sẽ là điều không nên và sẽ gây ra những hình ảnh không tốt cho Ankara và tác động tiêu cực đến quan hệ quốc tế trong tương lai.

Nó sẽ tác động không chỉ đến mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các thế lực chính trong cuộc xung đột Syria hiện tại - mà còn là mối quan hệ trên toàn cầu khi các quốc gia muốn tìm đến Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với một thời điểm mà họ phải quyết định liệu sẽ tiến tới tương lai bằng cách tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ và NATO hay tìm cho mình một vai trò mang tính kiến tạo trong thế giới đa cực.

Nhà nghiên cứu về địa chính trị Tony Cartalucci tin rằng, các cuộc pháo kích và ném bom lực lượng Syria bên trong lãnh thổ Syria có lẽ là một sự khởi đầu tệ hại.

Lựa chọn này khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ tự đưa mình vào ngõ cụt về chính sách khu vực - khiến Syria và các đồng minh sau này có muốn Ankara là một phần trong bàn cờ hậu chiến tranh cũng sẽ khó mà làm được.

Ankara đã đi một chặng đường dài từ sự ủng hộ mục tiêu lật đổ chính quyền Syria của Mỹ năm 2011 cho đến khi không còn hào hứng với mục tiêu này trong vài năm trở lại đây.

Chỉ có thời gian mới biết được liệu Ankara sẽ tiếp tục con đường nói trên hay không. Rất có thể, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ coi những gì diễn ra ở Syria gần đây chỉ là một thất bại tạm thời và sẽ quyết tâm bám lấy vị trí ngày càng rủi ro của mình ở Syria để đón nhận sự thua cuộc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại