Hôm 22/12/2016, tổng thống Vladimir Putin đã thông báo về kế hoạch tăng cường các lực lượng hạt nhân Nga để có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Mặc cho các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu thô lao dốc là "cú đấm Thôi Sơn" nhằm vào kinh tế Nga, nhưng quốc gia này vẫn coi chi phí quốc phòng là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phóng viên trang Altlantico (Pháp): Hôm thứ Năm (22/12/2016), ông Vladimir Putin chỉ đạo tăng cường các lực lượng hạt nhân Nga trong năm 2017 làm sao để chúng có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ chống tên lửa, bao gồm cả hệ thống mà Mỹ dự kiến triển khai tại Đông Âu.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu thô lao dốc đã làm cho kinh tế Nga suy yếu, vậy Nga dự định đầu tư cho hoạt động cải tiến các lực lượng hạt nhân như thế nào? Những lĩnh vực nào sẽ chịu thiệt thòi?
Chuyên gia Florent Parmentier: Tuyên bố của ông Vladimir Putin về việc tăng cường các lực lượng hạt nhân Nga được nêu ra sau khi quy mô ngân sách quốc phòng của Nga tụt từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thế giới.
Ngân sách dành cho Quân đội Nga đã giảm đôi chút, trong khi chi phí của các nước trên thế giới, ngược lại, tăng đáng kể.
Trước tiên, các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Nga đã ngăn cản sự phát triển kinh tế của quốc gia này, tuy nhiên cần phải nêu rõ rằng, dần dần tác động chúng cũng sẽ giảm bớt.
Kinh tế Nga đã áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu, điều mà trước tiên sẽ động chạm tới lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, giá dầu thô lao dốc trở thành một yếu tố khác khiến ngân sách Nga phải cắt giảm, kéo theo chi phí quân sự.
Dù thế nào đi chăng nữa, Nga đã coi đầu tư vào quốc phòng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mặc dù trong cơ cấu chi cho quân sự đã có những thay đổi đáng kể: Moscow chú trọng vào phát triển các đơn vị đặc nhiệm, an ninh mạng và không quân thay vì các lực lượng truyền thống.
Việc phân bổ ngân sách quốc phòng cần phải xem xét ở khía cạnh này.
Ngoài ra, không nhất thiết phải coi tuyên bố này theo đúng nghĩa đen của nó: vấn đề có thể liên quan tới chiến lược đàm phán trong khi chờ đợi Donald Trump lên nhậm chức. Trong trường hợp đó, cần phải xác định tỷ trọng nhất định của các lực lượng để sau đó có thể chiếm được một vị trí có lợi trong đàm phán.
Quân đội Nga diễn tập chiến đấu.
Khi thể hiện sự không đồng tình với sự hiện diện của hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Trung Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã tính tới hàng loạt những nhượng bộ.
Chiến lược đàm phán này là một phần của tình hình mới, mà Nga đã trở lại làm trung tâm của cuộc chơi một cách mạnh mẽ hơn bao giờ, để có thể hi vọng vào việc các biện pháp trừng phạt sẽ được bãi bỏ trong năm 2017.
Phóng viên trang Altlantico (Pháp): Kinh tế Nga sẽ được cơ cấu như thế nào? Ở mức độ nào đó, nó giống như một nền kinh tế quân sự?
Chuyên gia Florent Parmentier: Kinh tế quân sự được hiểu là những biện pháp kinh tế đặc thù trong thời gian diễn ra các cuộc xung đột quân sự và không chỉ vậy.
Nhiệm vụ của nó là duy trì hoạt động kinh tế cần thiết cho đất nước, bao gồm các định hướng như: nỗ lực tự cung, hạn chế tiêu dùng cá nhân, sản xuất hàng loạt các hàng hoá thiết yếu, lấy ví dụ như để phục vụ an ninh lương thực, an ninh năng lượng…
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế sẽ không hội nhập quốc tế và tiến gần tới logic hướng nội với sự hạn chế tiêu dùng cá nhân.
Nền kinh tế Nga hiện đại phần nhiều khác biệt so với kinh tế kế hoạch từng tồn tại 25 năm trước. Mặc dù hàng loạt các doanh nghiệp lớn (trước tiên là trong lĩnh vực năng lượng) đang nằm trong sự kiểm soát của nhà nước, nhưng một phần đáng kể của nền kinh tế đã cổ phần hoá.
Sự hiện diện của các doanh nghiệp nhà nước lớn trong những lĩnh vực chiến lược là điều thường thấy ở nhiều quốc gia có tài nguyên dồi dào. Đôi khi người ta gọi đó là "chủ nghĩa dân tộc tài nguyên".
Các biện pháp trừng phạt có phần đẩy nền kinh tế Nga tới xu thế hướng nội, tuy nhiên hệ thống tài chính quốc gia vẫn còn có sự liên quan chặt chẽ với quốc tế. Mặc dù còn thiếu sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, còn chất lượng hệ thống tư pháp đáng báo động, nhưng đó không thể gọi là nền kinh tế quân sự,…
Phóng viên trang Altlantico (Pháp): Ở Pháp cũng đơn giản như ở Nga, có thể tăng cường các lực lượng hạt nhân theo chỉ đạo của người đứng đầu nhà nước? Hay có quá nhiều rào cản đến thực hiện điều đó ở Pháp?
Chuyên gia Florent Parmentier: Trong số các nước châu Âu, vai trò của Tổng thống Pháp (là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang) rõ nét và vai trò của Quốc hội bị hạn chế nhiều trong những vấn đề này.
Chính vì vậy, đơn giản là cần phải chỉ ra các kết quả đáng kinh ngạc khi so sánh những khả năng đưa ra các quyết sách của chính phủ Pháp và Đức. Năm 2016, trong học thuyết quân sự được thông qua, Đức một lần nữa nhấn mạnh mong muốn không triển khai các chiến dịch quân sự bên ngoài biên giới của mình.
Các lực lượng hạt nhân của Pháp có một vai trò đặc biệt, nhất là sau sự kiện Brexit, Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong số 27 quốc gia thành viên còn lại.
Để giữ được những khả năng của mình và nâng các lực lượng cấu thành nó như không quân và tàu ngầm, Pháp sẽ phải tăng gấp đôi ngân sách cho những mục tiêu này trong bối cảnh tình hình ngân sách căng thẳng.
Giống như ở Nga, tình hình ở Pháp có khác biệt bởi sự hiểu biết nông cạn về các vấn đề hạt nhân khiến cho việc triển khai kiểm soát các vấn đề này gặp khó khăn. Và trên quan điểm dân chủ, việc kiểm soát này có thể sẽ gây ra vấn đề không cần thiết.
* Florent Parmentier – giảng viên Viện Nghiên cứu chính trị Paris (Pháp), chuyên gia nghiên cứu của Trung tâm Địa - Chính trị Trường Thương mại cao cấp.