Đặt cược vào "lão tướng" Tu-160, Nga quyết định chơi lớn?
Việc Bộ Quốc phòng Nga tái khởi động lại dây chuyền sản xuất máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tupolev Tu-160 "Thiên nga trắng" cũng như cho ra mắt biến thể nâng cấp Tu-160M2, đã cho thấy Moscow đang đánh cược một phần tương lai của Không quân Nga vào Tu-160, trong khi kế hoạch phát triển máy ném bom thế hệ mới PAK DA đã gần như đi vào "ngõ cụt".
Nếu thoạt nhìn từ bên ngoài Tu-160M2 không có gì khác biệt so với phiên bản Tu-160, tuy nhiên sự thay đổi đến từ bên trong và nó gần như được sản xuất mới hoàn toàn.
Với phiên bản nâng cấp mới, Tu-160 sẽ tiếp tục hoạt động trong Không quân Nga thêm ít nhất 30 năm nữa. Ảnh: RussianPlanes.
Cụ thể, gói nâng cấp dành cho Tu-160M2 đến từ các hệ thống chính của chiếc oanh tạc cơ này như hệ thống vũ khí mới, thay thế toàn bộ trang thiết bị hàng khôngvà hệ thống động cơ được nâng cấp. Điều này giúp cho Tu-160M2 không khác gì "Thiên nga trắng" mà công chúng Nga yêu thích.
Theo dự kiến, Không quân Nga sẽ tiếp nhận những chiếc Tu-160M2 mới đầu tiên vào năm 2021. Lịch trình trên cũng được chính Tổng giám đốc của Tập đoàn chế tạo máy bay Tupolev - Alexander Konyukhov xác nhận với truyền thông Nga.
Theo kế hoạch, lô máy bay ném bom Tu-160M2 mới đầu tiên sẽ gồm 10 chiếc (giá trị hợp đồng khoảng 160 tỷ rúp), còn số Tu-160M2 được Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng dự kiến lên đến 50 chiếc.
Về bản chất, phi đội Tu-160 gồm 16 chiếc đang có trong biên chế của Không quân Nga sẽ được nâng cấp toàn bộ lên chuẩn M2 và số còn lại sẽ được sản xuất mới. Cho nên, chỉ tính về khía cạnh số lượng thôi, các máy bay Tu-160 mới hoàn toàn có thể giúp Moscow cạnh tranh vị thế "bá chủ trên bầu trời" với Mỹ.
Quyết định về việc khôi phục lại dây chuyền Tu-160 được Bộ Quốc phòng Nga thông qua từ năm 2015, và đến tháng 11/2017 chiếc Tu-160M2 đầu tiên đã lăn bánh ra khỏi xưởng lắp ráp máy bay của Tupolev ở Kazan.
Chiếc Tu-160M2 đầu tiên của Không quân Nga lăn bánh ra khỏi trung tâm chế tạo máy bay của Tupolev ở Kazan. Ảnh: Sputnik.
Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đến dự buổi lễ giới thiệu chiếc Tu-160M2 đầu tiên của Không quân Nga. Điều này ít nhiều cho thấy sự quan tâm của ông đến "cỗ máy chiến tranh" mới của Quân đội Nga, thứ sẽ giúp Moscow thống trị bầu trời trong tương lai.
Gắn tên lửa siêu thanh cho Tu-160 sẽ giúp Nga thống trị bầu trời?
Trên thực tế, kế hoạch nâng cấp Tu-160 đã được Tổng thống Putin "bật đèn" sau khi tham dự một buổi phóng thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa mới của Quân đội Nga tại căn cứ quân sự Pemboy, Bắc Cực thuộc Nga.
Ở thời điểm đó đối với Bộ Quốc phòng Nga một kế hoạch nâng cấp toàn diện Tu-160 hay mở lại dây chuyền sản xuất dòng máy bay này là việc làm quá sức và cần có thời gian chuẩn bị. Trong khi đó, Moscow cũng đang lên kế hoạch cho chương trình máy bay ném bom tàng hình PAK DA.
Kết hợp vũ khí siêu thanh với máy bay ném bom mang đến cho Không quân Nga sức mạnh không có quốc gia nào trên thế giới có được. Ảnh: RT.
Tuy nhiên, may mắn lại mỉm cười với Tu-160 khi chương trình PAK DA gặp quá nhiều trở ngại và khó có thể được hoàn thành trước cột mốc 2025 mà Bộ Quốc phòng Nga đề ra. Chính điều này, đã buộc Moscow xúc tiến chương trình nâng cấp Tu-160 cho phép mẫu máy bay ném bom này tiếp tục trở thành "xương sống" của Không quân Nga thêm khoảng 30-50 năm nữa.
Điều đầu tiên mà Nga phải làm nếu muốn nâng cấp Tu-160 chính là việc nâng cấp động cơ phản lực Samara NK-321 của dòng máy bay này vốn sử dụng công nghệ từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Các nâng cấp quan trọng sẽ giúp NK-321 cải thiện đáng kể hiệu suất hoạt động đồng thời cũng giúp Tu-160 tăng thêm tầm hoạt động.
Tăng tầm hoạt động thôi chưa đủ, người Nga cũng cần một chiếc Tu-160 mạnh mẽ hơn với hệ thống vũ khí mới thay cho các mẫu tên lửa do Liên Xô phát triển. Cụ thể, ngoài tên lửa hành trình Kh-101, Tu-160M2 còn có thể mang theo cả tên lửa Kh-55MS có tấm tác chiến lên đến 3.000km.
Chưa dừng lại đó, Không quân Nga còn lên kế hoạch trang bị cho mẫu máy bay ném bom này một trong 6 vũ khí tương lai của Quân đội Nga là tên lửa siêu thanh Kinzhal - "biệt danh dao găm", với Kinzhal những đòn tấn công của Tu-160 sẽ gần như không thể bị ngăn chặn bởi các hệ thống phòng không thông thường.
Với tên lửa Kh-55MS và Kinzhal, "pháo đài bay" của Nga hoàn toàn có thể tấn công chính xác các mục tiêu với độ chính xác lên đến 100% mà không cần đi vào khu vực hoạt động của lực lượng phòng không đối phương, sau đó rút ra ngoài trước sự ngỡ ngàng của kẻ thù.
Sự an toàn của Tu-160M2 cũng sẽ được bảo đảm bằng các tổ hợp thiết bị điện tử hàng không tối tân, hệ thống liên lạc hiện đại an toàn với khả năng chống nhiễu tăng cường.
Cần phải lưu ý rằng, không một quốc gia nào trên thế giới sở hữu các máy bay ném bom chiến lược có sức mạnh tương tự như Tu-160M2, kể cả Mỹ. Bởi nếu xét về trên nhiều khía cạnh, siêu oanh tạc cơ B-1B của Không quân Mỹ thua kém "thiên nga trắng" về nhiều mặt mà khả năng triển khai vũ khí siêu thanh là một trong số đó.
Dù vậy, ưu thế này của Tu-160 sẽ kéo dài không quá lâu khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đẩy nhanh chương trình phát triển vũ khí siêu thanh mới, tuy nhiên các chương trình này còn phải đi chặng đường khá dài mới có thể đạt tới cấp độ vũ khí như Nga. Và từ đây cho tới khi đó, Tu-160M2 với tên lửa siêu thanh Kinzhal lẫn là "độc nhất vô nhị".
Không quân Nga thử nghiệm tên lửa siêu thanh 'Kinzhal' trên tiêm kích đánh chặn MiG-31K.