Khói bốc lên sau khi đạn pháo rơi xuống làng Al Rafeed (Syria), gần đường ngừng bắn giữa Israel và Syria, nhìn từ Cao nguyên Golan ngày 7/5/2013. Ảnh: Reuters/Baz Ratner
Tên lửa Israel được cho là đã đánh trúng các mục tiêu ở Syria một lần nữa hôm 15/2. Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel trước đó tuyên bố về việc đánh trúng hơn 500 mục tiêu [ở Syria] chỉ riêng trong năm 2020.
Cũng cần phải lưu ý rằng, lực lượng phòng không Syria cũng đã hàng trăm lần đánh chặn tên lửa Israel trong năm 2020. Còn rất nhiều lần khác không được nhắc đến suốt nhiều năm Israel nã bom Syria.
Vụ tấn công mới đây nhất vào Syria (hôm 15/2) diễn ra sau khi một quan chức Iran tuyên bố rằng, bất cứ lực lượng nào của Iran ở Syria đều được sự cho phép của chính phủ Syria để chống khủng bố. Lý do này cũng được áp dụng với tất cả các đồng minh của Syria chứ không phải là triển khai bất hợp pháp như lực lượng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, các lực lượng của chính phủ Syria và đồng minh lại thường xuyên bị giới chức Israel và phương Tây chỉ trích.
Trong bài viết trên RT, Eva Barlett, nhà hoạt động, nhà báo độc lập người Canada có nhiều năm đưa tin về các vùng xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là ở Syria và Palestine, cho rằng, chính Israel cùng các nước phương Tây lâu nay cũng hậu thuẫn “lực lượng đối lập” ở Syria cho dù các lực lượng này có liên kết với tổ chức khủng bố như Al Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo nhà báo Barlett, các vụ đánh bom thường xuyên của Israel vào Syria dù được truyền thông đưa tin đều đặn, nhưng cũng thường được hạ tông giọng hoặc bình thường hóa việc Israel vi phạm luật pháp quốc tế.
Khi đưa tin về vụ tấn công ngày 15/2, hãng thông tấn SANA (Syria) nhấn mạnh vào sự gây hấn của Israel và rằng phòng không Syria đã đánh chặn hạ hầu hết các tên lửa này.
Trong khi đó, Reuters dẫn lại thông tin của SANA và đặt trong dấu trích dẫn, như thể các vụ tấn công này không hề là sự gây hấn.
Nhà báo Barlett cho rằng, Reuters cũng như nhiều hãng truyền thông phương tây khác đã “phớt lờ” phản ứng của những người dân thường vốn bị ảnh hưởng bởi những cuộc nã bom của Israel.
Liệu họ có từng đề cập tới yếu tố tâm lý mà những người dân thường Syria phải chịu đựng trước những cuộc nã bom hay tên lửa trong đêm của Israel hay không?
Câu trả lời có lẽ là không. Những bài báo của phương Tây chỉ thường đề cập “phiến quân Iran” ở Syria đang dấy lên mối đe dọa đối với an ninh Israel và buộc Israel phải tiến hành các cuộc tấn công.
Sự “thờ ơ” của truyền thông phương Tây?
Nếu truyền thông phương Tây đưa tin một cách trung thực về các vụ Israel đánh bom Syria, họ sẽ buộc phải thừa nhận rằng không chỉ dân thường Syria, trong đó có trẻ em đã thiệt mạng, mà còn phải phơi bày “bộ mặt nhân tính”.
Với tần suất dày đặc, số dân thường thương vong trong các vụ tấn công trong các vụ tấn công của Israel chắc chắn không hề thấp. Cho dù truyền thông phương Tây thường “thù địch” với Syria, thì vẫn có thể tìm thấy các thông tin về dân thường thiệt mạng trong các vụ tấn công như vậy.
Tháng 7/2019, một cuộc đánh bom của Israel vào Syria đã khiến ít nhất 4 dân thường thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ sơ sinh, và nhiều người khác bị thương. Bài báo của France 24 về vụ đánh bom này cho rằng có 6 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em.
Cũng cuộc tấn công ngày hôm đó, BBC đưa tin “Máy bay Israel ‘đánh trúng mục tiêu ở Homs và Damascus’”. Như mọi lần, BBC nói về các vụ đánh bom rằng: “Israel thường tấn công vào các mục tiêu ở Syria mà nước này cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.
Nếu những dân thường thiệt mạng là người Israel, chắc chắn điều đó sẽ nổi bật ngay trên tiêu đề các bài báo chứ không phải “bị chôn vùi” trong những lời biện minh.
Sáng ngày 22/1/2021, Israel (từ không phận Lebanon) nã bom Tartous, Hama, và ngoại ô Homs. Các vụ đánh bom khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.
Từ Beirut và Gaza, AP dẫn nguồn tin từ Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho rằng nguyên nhân tử vong là do tên lửa phòng không Syria.
Liên quan tới vụ đánh bom này 22/1, nhà hoạt động, blogger người Anh Vanessa Beeley [người nổi tiếng với việc chia sẻ các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch về cuộc nội chiến Syria và về tổ chức Mũ bảo hiểm Trắng ở Syria] đưa tin từ Kazu, Hama rằng: khu vực “bị tấn công trực tiếp bởi 4 tên lửa rơi xuống đường phố trong khu dân cư”.
Theo Beeley, 5 thành viên của một gia đình đã thiệt mạng khi đang ngủ (1 người tử vong sau đó do bị thương nặng). Những sắc thái khủng khiếp như vậy sẽ không thể tìm thấy ở truyền thông phương Tây.
“Hossam là người đầu tiên có mặt ở hiện trường và nhìn thấy các mảnh thi thể do vụ tấn công gây ra. Anh ấy nói với tôi rằng, sau đó anh ấy tìm thấy chiếc điện thoại di động của cô con gái [của gia đình thiệt mạng] từ Tartous tới thăm.
Chồng của cô ấy đã nghe tin về vụ tấn công và đã tìm cách gọi điện cho cô, nhưng lại không biết rằng vợ mình đã thiệt mạng”, theo Beeley.
Trong bài viết trên RT, nhà báo Barlett nhấn mạnh, giả sử vụ tấn công do Syria tiến hành và khiến dân thường hay trẻ em Israel thiệt mạng, các hãng truyền thông phương Tây sẽ liên tục đưa tin và xoáy sâu vào điều đó.
Dân thường Syria bị “lãng quên”?
Sinh mạng là đáng giá, nhưng không phải tất cả, nhất là khi đưa tin về Syria.
Nhà báo Barlett cho rằng, có thể mọi người đều ở xa vùng chiến sự tại Syria và bị ngợp với quá nhiều các thông tin khủng khiếp khác.
Các vụ Israel nã bom Syria diễn ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần trước đây và đã trở thành điều không còn xa lạ gì. Nhưng mọi chuyện lẽ ra không nên như thế, bởi nếu là một mục tiêu của phương Tây, đó sẽ là điều không thể chấp nhận được.
Các vụ đánh bom liên tục xảy ra vào 1 đất nước có chủ quyền, khiến nhiều dân thường thiệt mạng, lại không hề có lời chỉ trích nào, dù là từ Liên Hợp Quốc hay các hành động khác nhằm vào những người phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, việc chống lại các nhóm mà Syria cho là khủng bố lại vấp phải sự chỉ trích từ truyền thông, từ các chính trị gia phương Tây và cả Liên Hợp Quốc, kèm theo đó là những đòn trừng phạt mà đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại chính là dân thường.
Sự thiệt mạng của dân thường Syria chỉ là những con số đằng sau các tiêu đề về các tay súng “được Iran hậu thuẫn” trên báo chí phương Tây. Đó là khái niệm mà Israel đã lạm dụng lâu nay cùng với sư “đồng lõa” của truyền thông.