Tại cuộc họp báo ngày 23.10.2018, thư ký báo chí của tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov - tuyên bố:
"Chúng tôi kịch liệt phản đối cáo buộc Nga đang vi phạm INF, Nga đã và vẫn cam kết tuân thủ tất cả các điều khoản của hiệp ước này. Chúng tôi tin rằng, ý đồ rút khỏi hiệp ước này, tất nhiên, là một vấn đề đáng quan ngại" - RIA Novosti dẫn.
Điện Kremlin nhấn mạnh, tuyên bố của tổng thống Donald Trump "khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn".
Quyết định rút khỏi hiệp ước vô hiệu vũ khí hạt nhân tầm trung và tầm gần của Washington, tất nhiên đã định từ lâu. Minh chứng là những chi tiêu cho việc tiến hành nghiên cứu và thiết kế thử nghiệm các loại vũ khí này đã được đưa vào ngân sách chi tiêu quốc phòng hàng năm của Mỹ - Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét
Ông Putin, trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm với thủ tướng Ý Giuseppe Conte, đã trả lời câu hỏi về ý định Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF.
Theo đó, ông Vladimir Putin xác nhận: "Quốc hội Mỹ phê chuẩn kinh phí tiến hành các nghiên cứu và phát triển tên lửa tầm trung và tầm ngắn, có nghĩa là quyết định. Nếu các cơ quan chức năng đã nghiên cứu và phát triển, kết quả thu nhận được sẽ không chỉ để trên kệ cho phủ bụi mà sẽ phải đưa vào thực tế.
Vì vậy, bước tiếp theo phải được thực hiện".
Tổng thống Nga khẳng định, Moscow sẽ phải đáp trả tương xứng với việc Mỹ triển khai tên lửa ở Châu Âu nếu rút khỏi INF.
"Vấn đề này thực sự liên quan đến châu Âu, nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, thì châu Âu sẽ ứng xử ra sao với sự xuất hiện của những tên lửa tầm trung và tầm gần?" - ông đặt ra câu hỏi với các phóng viên.
Rõ ràng, nếu Mỹ triển khai tên lửa ở châu Âu, các quốc gia cho phép và các nước liên quan sẽ đối mặt với việc lãnh thổ của mình đối mặt với đòn phản kích. Đó thực sự là một nguy cơ rõ ràng.
Như vậy, bằng cách này châu Âu đang quay trở lại với tình huống "Pershing" (tên lửa tầm trung) ở châu Âu.
Tổng thống Nga nhấn mạnh: "Tôi, nói chung, không hiểu liệu có cần thiết phải đưa châu Âu vào tình huống nguy hiểm cao như vậy hay không. Tôi không thấy điều này, trên thực tế, không có lý do gì cả. Tôi nhắc lại, đây không phải là lựa chọn của Nga, chúng tôi không cố gắng làm điều này ".
Cách đây không lâu, tổng thống Nga có một phát biểu nổi tiếng trong diễn đàn quốc tế Valdai, gián tiếp đề cập đến hệ thống siêu bí mật của Nga được mệnh danh là "bàn tay thần chết".
Ông Putin nói - trước khi xuất hiện thông tin về việc Mỹ rút ra khỏi Hiệp ước INF - "Kẻ tấn công phải hiểu rằng, sự trừng phạt là không thể tránh khỏi. Chúng ta là nạn nhân của sự hiếu chiến.
Chúng ta, giống như những anh hùng tử vì đạo, sẽ lên thiên đường. Còn kẻ thù đơn giản là chết. Họ thậm chí sẽ không có thời gian để xin cứu rỗi".
Còn Ngoại trưởng Nga - ông Sergei Lavrov - cho biết: Bất cứ một hành vi nào trong lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với hành động đáp trả tương xứng.
Nếu Nhà Trắng quyết định rút khỏi INF và triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm gần và tầm trung trên lãnh thổ châu Âu, Nga cũng đưa các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đến Crimea và Kaliningrad.
Tình huống này dẫn đến việc lãnh thổ châu Âu hoàn toàn bị đặt dưới tầm bắn của các tên lửa tầm trung và tầm gần của Nga.
Hơn thế nữa, Nga tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vũ khí tiên tiến không thể đánh chặn như tên lửa siêu âm, ngư lôi tự hành mang đầu đạn hạt nhân và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của hệ thống siêu bí mật "Bàn tay Thần chết".
Chỉ một lỗi lầm của máy tính, hay sự nhầm lẫn của trắc thủ... có thể biến châu Âu thành chiến trường hạt nhân.
Tạp chí nổi tiếng The National Interest gọi quyết định rút khỏi Hiệp ước INF của tổng thống Mỹ Donald Trump là món quà vô giá tặng cho tổng thống Nga Putin.
Theo đó, nếu mạnh mẽ hơn, thay vì phá vỡ một Hiệp định thành công, Nhà Trắng phải thảo luận với các đồng minh NATO và cưỡng bức Nga ngồi vào bàn đàm phán. Điều đó sẽ cho thấy Nga đã thất bại trong việc phá vỡ Liên minh Hiệp ước Bắc Tây Dương và gây hoảng loạn trong hàng ngũ các đồng minh.
National Interest gọi hành động của Trump là nguy hiểm và phản bội,, và có lý do "ông Trump đang làm việc cho Nga".
Theo bình luận của bài viết, trong thời kỳ ký hiệp ước này, Liên Xô đang có ưu thế về sức mạnh của lực lượng vũ trang thông thường, và NATO phải duy trì học thuyết "đánh phủ đầu" bằng vũ khí hạt nhân, trong tình huống kẻ thù giả định "Hiệp ước Vacsava" chuẩn bị tấn công.
Hiệp ước INF, với nội dung chủ chốt là vô hiệu hóa các tên lửa tầm trung và tầm gần, đã ngăn chặn khả năng gia tăng lực lượng bộ binh thông thường, dẫn đến nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Sau khi Liên Xô tan vỡ, ưu thế quân sự thông thường thuộc về Mỹ và NATO. Việc rút khỏi hiệp ước INF đe dọa toàn bộ các đồng minh NATO và từ đó gây tổn thất nặng nề cho lợi ích của Washington.
Theo National Interest, Nga rất quan tâm đến việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Mặc dù luôn phản đối, nhưng bằng những hành động ở Crimea và Kaliningrad, Nga đã thúc đẩy Mỹ phá vỡ hiệp ước này. Từ đó Moscow đe dọa các quốc gia NATO bằng một cuộc chiến tranh hạt nhân khu vực hiện hữu, làm tê liệt các đồng minh Mỹ.
Theo tác giả bài viết, phát biểu của Nhà Trắng là ngụy biện khi nói rằng, Mỹ rút khỏi hiệp ước INF là để triển khai tên lửa tầm trung và tầm gần chống Trung Quốc.
Vì Mỹ không có các loại vũ khí có thể tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế ở châu Á, không có cả căn cứ để triển khai nó.
Trong tình huống triển khai các loại vũ khí này ở châu Á, những đồng minh thân cận, mang lại lợi ích nhiều nhất cho Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân, còn thực tế hơn cả ở châu Âu. Lợi ích của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, do thế, sẽ hoàn toàn rơi vào tay Trung Quốc.