Nhận định trên của tạp chí The National Interest của Mỹ và các tác giả gọi những chiếc xe tăng này là "một sản phẩm lỗi".
Tạp chí trích dẫn cuốn sách "Leningrad: trong vòng vây" (Leningrad: State of Siege) của nhà sử học quân sự Michael Jones, trong cuốn sách có đoạn viết rằng quân Đức dồn những chiếc KV về phía pháo hạng nặng để loại pháo này hạ nòng xuống bắn thẳng trực tiếp vào những chiếc xe tăng đang tấn công đó.
Kết quả là hầu hết các lực lượng tăng thiết giáp của Liên Xô ở các quốc gia Baltic đã bị phá hủy, và khiến bất kỳ mối đe dọa nào đối với cuộc tấn công của Đức từ bên sườn đều bị loại bỏ, tài liệu viết.
Các tác giả nhận xét, xe tăng KV hoàn toàn có quyền chứng tỏ uy lực của mình, tuy nhiên chúng được chế tạo một cách "vội vã" và trở thành "cái bẫy" đối với lính xe tăng thời điểm đó, bởi vì họ thực tế không thể nhìn thấy gì khi ngồi trong khoang lái.
KV-1 được đặt tên để vinh danh nguyên soái Kliment Voroshilov là loại xe tăng hạng nặng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Loại tăng này được sản xuất từ tháng 8/1939 đến tháng 8/1942.
Nó có hệ thống treo thanh xoắn riêng tiên tiến vào thời bấy giờ, động cơ diesel và được trang bị pháo 76 mm. Xe tăng có giáp bọc dày 90 mm ở phía trước và gần 70 mm ở hai bên sườn và phía sau dày hơn nhiều so với các mẫu xe thiết giáp tương tự của Đức thời kỳ đó.
Trong cuộc chiến tranh, xe tăng KV đã được quân Đức đặt cho biệt danh là "Prizrak" (Bóng ma) vì loại đạn chống tăng tiêu chuẩn 37 mm của quân đội Đức thường không để lại dấu vết gì khi bắn vào.
Xe tăng hạng nặng KV-2 cũng được phát triển vào năm 1939-1943, điểm khác giữa chúng là KV-2 sử dụng tháp pháo giống như một khối hộp vuông vức, trên đó gắn khẩu pháo ML-10 cỡ nòng 152mm. Thực tế thì KV-2 được sử dụng với vai trò hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, hơn là một cỗ máy diệt xe tăng, vì kích thước quá khổ và chậm chạp của nó.