Trước thềm Astana, "bất lực" Nga, Thổ đẩy thỏa thuận Idlib đến bờ vực thẳm?

Minh Đức |

Xung đột tái leo thang tại Syria ngay trước thềm gặp gỡ ba bên Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sắp diễn ra ở Astana, Kazakhstan.

Tờ Financial Times đưa tin, sau vụ tấn công mới đây được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Aleppo, Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng cáo buộc một số lực lượng không nêu tên, đang tìm cách phá hoại thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Thỏa thuận này được cho là đã đem lại sự "bình yên" không nhỏ cho tỉnh Idlib - thành lũy quan trọng cuối cùng của quân nổi dậy tại Syria.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Ankara hôm thứ Hai (26/11), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói: "Cộng đồng quốc tế đã dành sự ủng hộ to lớn cho biên bản ghi nhớ Idlib mà chúng tôi đã ký kết với Nga, tuy nhiên, chúng tôi cũng biết rằng có những người muốn nó đổ vỡ".

Cuộc tấn công được nhắc tới ở trên đã dẫn tới loạt tấn công trả đũa của các máy bay Nga vào các mục tiêu đối lập. Đây là lần không kích đầu tiên chống lại lực lượng phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, kể từ khi lệnh ngừng bắn Idlib ra đời vào tháng Chín.

Sau nhiều tuần khá yên ổn, tình hình bạo lực tại tây bắc Syria bắt đầu tái leo thang ngay trước khi Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, và Iran – ba thế lực quốc tế liên quan trực tiếp tới cuộc xung đột Syria, chuẩn bị có cuộc gặp gỡ tại Astana, Kazakhstan vào thứ Tư (28/11).

Các nhà ngoại giao coi thỏa thuận Nga – Thổ Nhĩ Kỳ như một biện pháp trì hoãn cuộc tấn công đẫm máu do các lực lượng thân chính phủ Assad tiến hành, vào tỉnh Idlib.

Với khoảng 3 triệu thường dân và hơn 60.000 tay súng đối lập hiện đang có mặt tại khu vực này, các nhóm cứu trợ cảnh báo, một cuộc tổng tấn công sẽ đem tới một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng ngay trên biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga "chống lưng" cho chính quyền Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cho lực lượng đối lập. Ankara đã sắp xếp các nhóm vũ trang đối lập chính tại tỉnh Idlib vào trong một lực lượng lớn có tên gọi Mặt trận giải phóng quốc gia. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng kiểm soát được một số những nhóm cực đoan nhất, bao gồm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) – hiện là nhóm vũ trang quyền lực nhất tại Idlib.

Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết, các nhà lãnh đạo quốc phòng và tình báo của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp gỡ để thảo luận tình hình hiện tại. Bản thân ông cũng sẽ nói chuyện với người đồng cấp đến từ Nga trong thời gian sớm nhất có thể.

"Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng tỏ, họ vẫn có thể kiểm soát các đồng minh; mặt khác, họ cũng có khả năng thực hiện những gì đã hứa hẹn, giữ cho tình hình ổn định và hướng về chuyển giao chính trị - Haid Haid"

Trong thỏa thuận Idlib – ký kết vào tháng Chín vừa qua sau hàng loạt các cuộc đàm phán song phương tại khu nghỉ dưỡng Sochi (Nga), Moscow và Ankara đồng ý kiểm soát các đồng minh của mình, nhằm tránh một cuộc đụng độ quân sự lớn trong khu vực.

Ông Haid Haid, học giả tại Đại học King's Collge (Anh) nhận định, trước thềm hội đàm Astana, xung đột đặc biệt "không được chào đón". "Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng tỏ, họ vẫn có thể kiểm soát các đồng minh; mặt khác, họ cũng có khả năng thực hiện những gì đã hứa hẹn, giữ cho tình hình ổn định và hướng về chuyển giao chính trị".

Tuy nhiên, theo ông Omer Ozkizicik, một nhà phân tích của Quỹ SETA đến từ Ankara, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga muốn tiếp tục thỏa thuận của mình, một số bên tham chiến tại Syria lại có ý tưởng khách.

"Chúng ta biết rằng, các nhóm nổi dậy (không phải đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ) và chính quyền Assad không đạt được lợi ích gì nếu lệnh ngừng bắn được duy trì", ông Ozkizicik chỉ ra.

"Một mực" ủng hộ cho Tổng thống Assad và trực tiếp góp phần giúp Damascus giành lại quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Syria, Moscow chỉ trích nhóm hồi giáo cực đoan HTS là "tác giả" của vụ tấn công hóa học tại thành phố Aleppo.

Hãng thông tấn quốc gia Syria đưa tin, ít nhất 107 người đã bị thương sau khi hít phải khí gas độc. Chưa rõ hợp chất nào đã được sử dụng trong cuộc tấn công. Lực lượng HTS hiện cũng chưa chính thức đưa ra bình luận gì.

Tấn công khí gas không phải là một điều quá mới mẻ trong cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm tại Syria. Trong quá khứ, hầu hết các tổ chức giám sát quốc tế thường cáo buộc chính quyền Assad đứng sau các vụ tấn công hóa học vào dân thường.

Một giáo viên tại Aleppo cho hay, nhiều học sinh đã nghỉ học hôm Chủ nhật (25/11). "Những câu chuyện về các khu vực bị tấn công mà chúng tôi được nghe kể lại, thực kinh sợ", người này nói.

Nga tuyên bố, họ đã tấn công vào các mục tiêu đối lập thuộc trách nhiệm của mình. Còn tổ chức Quan sát nhân quyền Syria thông báo, các cuộc không kích diễn ra ở phía tây Aleppo, trong khu vực phi quân sự Idlib.

Tuy nhiên, Tướng Naji Mustafa, phát ngôn viên cho liên minh đối lập Mặt trận giải phóng quốc gia (mà Thổ Nhĩ Kỳ "đứng phía sau") đã phủ nhận việc lực lượng đối lập có thể chế tạo vũ khí hóa học. "Không một nhóm cách mạng nào có khả năng sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hóa học", ông Mustafa khẳng định.

Ankara cam kết có thể thuyết phục các nhóm cực đoan, bao gồm cả HTS rút khỏi khu vực ranh giới với những vùng hiện do quân chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, các nhóm này đã không đáp ứng lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng lúc, giới chức Nga cũng công khai thừa nhận, rất khó để Ankara hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, các nhà phân tích đánh giá, Nga hiện không có "tiếng nói" tuyệt đối với các lực lượng thân chính quyền Assad, do nhiều nhóm trong số này vẫn trực tiếp "nghe theo" Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại