Trước khi rời đảo, viên sĩ quan hung ác nhất nói với Nelson Mandela 1 câu khiến ông kinh ngạc

Thanh Hương |

Badenhorst được đánh giá là viên sĩ quan chỉ huy hung ác nhất, là nỗi khiếp sợ của các tù nhân trên đảo.

Trong cuốn tự truyện nổi tiếng mang tên Con đường dài dẫn đến tự do, cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (1918 – 2013), một trong những biểu tượng của cuộc chiến chống nạn phân biệt chủng tộc có ghi lại nhiều sự kiện đáng nhớ và xúc động mà ông được chứng kiến trong 19 năm ngồi tù đằng đẵng trên đảo Robben, nằm ở phía Tây bờ biển Cape Town, Nam Phi, trong đó có câu chuyện về viên sĩ quan chỉ huy khét tiếng tại đây.              

  -------------------------ooooooooooooooo--------------------------- 

Đầu thập niên 1970, đại tá Piet Badenhorst được bổ nhiệm làm chỉ huy đảo. Trong 19 năm làm một tù nhân chính trị của Nelson trên đảo Robben thì ông ta là viên sĩ quan ác ôn tàn bạo nhất, là cơn ác mộng của các tù nhân trên đảo. 

Việc làm đầu tiên của Badenhorst khi đến đảo Robben là vặn lại đồng hồ trên đảo, thay đổi giờ giấc sinh hoạt của các tù nhân, cũng như bãi bỏ chế độ thăm tù, tăng các hình phạt, đánh đập, tra tấn và giảm chất lượng bữa ăn của họ. 

Trước khi rời đảo, viên sĩ quan hung ác nhất nói với Nelson Mandela 1 câu khiến ông kinh ngạc - Ảnh 1.

Ông Nelson Mandela đã có 19 năm ngồi tù ở đảo Robben trước khi được tự do và trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi. (Ảnh: Internet)

Họ cũng không được phép đọc sách báo. Mọi phản kháng đều bị từ chối, thậm chí là trừng phạt. Thế nhưng, không vì thế mà các tù nhân chịu khuất phục. Họ đã thành lập một ban đại diện thống nhất để đối chất với Badenhorst.

Nelson Mandela và một tù nhân nữa được chọn để đối chất trực tiếp với viên sĩ quan chỉ huy. Họ tuyên bố công khai rằng nếu hắn tiếp tục thi hành những quy tắc dã man thì họ sẽ dùng mọi biện pháp có thể như đình công, tuyệt thực hay gây mất trật tự. 

Cuối cùng, với sự đấu tranh kiên trì của các tù nhân, Badenhorst đã buộc phải thay đổi, nới lỏng các điều luật, giúp cuộc sống của họ dễ thở hơn. Tuy nhiên, thắng lợi đáng kể nhất phải nhắc đến là cuộc đấu tranh của họ đã lan tới đất liền, khiến chính quyền đã cử các đại diện tới xem xét tình hình, đứng đầu là Tướng Steyn. 

Tướng Steyn hỏi xem tôi có cáo buộc hay yêu cầu nào không. Badenhorst cũng có mặt ở đó nhưng Nelson vẫn dõng dạc đọc ra hết những yêu cầu mà ông đã cùng thảo luận với các tù nhân khác. 

Khi Nelson kết thúc, Badenhorst đã nói chuyện trực tiếp với ông và bảo rằng chỉ vài ngày nữa, ông ta sẽ rời đảo. Cuối cuộc nói chuyện, Badenhorst đã kết lại một câu mà cả đời Nelson không bao giờ quên được: "Tôi chúc các anh mọi điều may mắn". 

Ngay giây phút ấy, Nelson Mandela đã hết sức kinh ngạc. Lần đầu tiên, Badenhorst đã nói những lời của một con người với một con người, đã bộc lộ một khía cạnh khác, tốt đẹp mà trước đó người ta chưa hề biết. 

Đổi lại, Nelson cũng cảm ơn Badenhorst vì những lời chúc tốt đẹp đó và cũng chúc ông ta luôn may mắn trong cuộc sống. Mandela cũng viết rằng, sự kiện đó đã khiến ông suy ngẫm trong một thời gian dài. 

Có lẽ trên đảo, Badenhorst là sĩ quan chỉ huy tàn ác nhất. Nhưng may mắn là trong con người ông ta, sự thiện lương vẫn chưa mất đi. Chỉ có điều xã hội đã kích động cái phần thú ấy và người ta đã trả công hậu cho nó, để nó che lấp phần đẹp nhất mà ta gọi là tính thiện, thứ mà ai khi sinh ra cũng đều sở hữu. 

Chỉ một lời nói tốt đẹp đơn giản, nhưng nó đã giúp cho những ký ức đau thương xấu xí về viên sĩ quan của những người tù nhân dường như được xóa mờ, thay vào đó là một sự khởi đầu mới.

Và rồi Mandela kết luận: "Tất cả mọi người, kể cả những người tỏ vẻ lạnh lùng nhất, thì vẫn có thiện căn và nếu như tâm hồn họ được khơi dậy thì đều có khả năng thay đổi. 

Suy cho cùng, Badenhorst không có tội, chính cái guồng máy vô nhân đạo đã khiến ông ta trở thành kẻ vô nhân đạo. Ông ta hành xử như một kẻ tàn bạo bởi vì ông ta được tưởng thưởng khi làm như thế." 

Trước khi rời đảo, viên sĩ quan hung ác nhất nói với Nelson Mandela 1 câu khiến ông kinh ngạc - Ảnh 2.

Câu chuyện của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela cũng là một bài học tuyệt vời về ý chí đấu tranh cũng như cách đối nhân xử thế của con người. 

Giáp mặt với một kẻ mạnh hơn mình luôn là điều khó khăn, đòi hỏi ta phải có cả lòng can đảm lẫn sự khôn khéo. Nếu như chúng ta lấy sự tức giận và thái độ cực đoan, thậm chí nung nấu sự trả thù tàn bạo làm vũ khí thì rất có thể tất cả sẽ phản tác dụng. 

Bằng ý chí, sự bền bỉ, kiên trì và một đường hướng đúng, Nelson Mandela không những đã được trả tự do vào năm 1990 mà còn có thể lãnh đạo đảng của mình tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc và trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi vào năm 1994. 

Theo Inspire 21 & Wikipedia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại