Câu chuyện thứ nhất: Tại sao yêu một người lại lấy một người khác?
Có một học trò hỏi thầy giáo của mình, "Tại sao người ta thường lấy một người khác với những người mà họ từng yêu ạ?"
Thầy giáo nói, để trả lời câu hỏi đó, cậu học trò hãy đi tới một ruộng lúa mỳ, chọn bông đẹp nhất rồi quay lại nhưng với một điều kiện là chỉ được đi lướt qua những bông lúa đó một lần mà không được quay lại để hái lần thứ 2.
Cậu học trò đi tới ruộng lúa mỳ, đi qua hàng lúa đầu tiên, nhìn thấy một bông lúa mỳ rất to và mẩy mà cậu thích ngay lập tức. Nhưng cậu băn khoăn liệu rằng ở phía trước còn bông nào to hơn nữa hay không. Sau đó, cậu nhìn thấy một bông lúa khác to hơn, nhưng một lần nữa, cậu nghĩ vẫn còn bông to hơn nữa đang chờ cậu.
Thầy giáo bảo cậu học trò hãy ra ruộng lúa mỳ, hái về bông lúa cậu cho là đẹp nhất. (Ảnh minh họa: Internet)
Đi quá nửa ruộng lúa mỳ, cậu bắt đầu nhận ra càng ngày những bông lúa càng nhỏ hơn, có lẽ cậu đã bỏ lỡ các cơ hội tốt nhất của mình rồi. Và thế là, cậu đi về tay không, nhất quyết không hái những bông lúa nhỏ và kể lại tất cả cho thầy giáo nghe.
Đến lúc này, thầy giáo của cậu mới nói rằng: "Em cứ luôn tìm kiếm một lựa chọn tốt hơn mà để lỡ những điều tốt nhất, và khi nhận ra thì mọi chuyện đã muộn. Đây cũng là sai lầm của nhiều người.
Khi còn trẻ, họ yêu đương theo cảm xúc, nhưng vì nghĩ rằng bản thân có lẽ còn nhiều lựa chọn tốt hơn nên đã để mất những người phù hợp nhất với họ trong cuộc sống".
Cậu học trò lại hỏi: "Vậy có nghĩa là chúng ta không nên yêu ạ?"
"Không, ai trong chúng ta cũng nên yêu nếu tìm được một người phù hợp. Nhưng một khi đã yêu ai thật lòng, ta không được để mất người đó vì cơn giận, vì cái tôi của bản thân, hay việc ta so sánh họ với người khác", thầy giáo trả lời.
"Vậy tại sao người ta lại lấy người khác với những người họ từng yêu ạ?", cậu học trò vẫn chưa hết thắc mắc.
Thầy giáo lại nói, lần này em hãy đi tới một ruộng ngô, chọn bắp ngô to nhất rồi quay lại đây. Quy tắc vẫn như lần trước, chỉ có thể đi qua chúng một lần, không được quay lại để hái.
Cậu học trò vâng lời, lại đi tới ruộng ngô. Nhưng lần này, cậu cẩn thận để không mắc sai lầm như trước. Khi đi đến nửa ruộng, cậu đã hái một bắp ngô vừa phải mà cậu thấy hài lòng và đem về cho thầy giáo. Cậu đã thuật lại cách đưa ra lựa chọn của mình.
Thầy giáo nói với cậu: "Lần này em không đi về tay không rồi. Em tìm kiếm một bắp ngô mà em thấy phù hợp, em tin đó là bắp ngô tốt nhất dành cho em. Đó cũng là cách mà ta đưa ra một lựa chọn về hôn nhân".
Cậu học trò có nhiều thắc mắc trông có vẻ bối rối. Thầy giáo lại hỏi: "Giờ em còn băn khoăn điều gì nữa nào?" Cậu đáp: "Em không biết thế nào thì tốt hơn, đó là lấy người mình yêu, hay yêu người mình lấy".
Thầy giáo vừa tủm tỉm vừa nói: "Câu trả lời này dễ mà, nhưng chỉ khi em sẵn sàng thành thật với bản thân mình mà thôi".
Lời bàn: Cuộc sống giống như một giỏ hoa quả. Bạn phải chọn giữa 1 loại quả mình thích hoặc 1 loại quả mà bạn cho là nó tốt cho sức khỏe. Hãy chọn lựa một cách khôn ngoan, để nửa sau cuộc đời bạn không phải băn khoăn hai chữ "Giá như…" Miễn là bạn lúc nào cũng thành thật với bản thân, bạn sẽ không lựa chọn sai.
Câu chuyện thứ 2: Nên ghét người khác trong bao lâu?
Một giáo viên mầm mon quyết định để cả lớp chơi một trò chơi nên bảo mỗi học sinh hãy mang đến lớp một chiếc túi bóng, bên trong có vài củ khoai tây. Mỗi củ khoai tây sẽ ghi tên một người mà đứa trẻ ghét nhất. Số khoai tây trong túi bóng sẽ phụ thuộc vào số người mà các bé ghét.
Đến ngày nộp khoai tây, có đứa trẻ mang 2, 3, có em mang tới lớp đến 5 của khoai tây. Giáo viên bảo các em hãy mang theo cái túi khoai tây đó bên mình mọi lúc mọi nơi, kể cả đi học hay ở nhà, dù là lúc đi tắm, đi ăn hay đi ngủ, trong vòng một tuần.
Cô giáo yêu cầu các học sinh cho số củ khoai tây tương ứng với số người mà chúng ghét nhất vào trong túi đem đến lớp. (Ảnh minh họa: Internet)
Ngày qua ngày, tất cả các học sinh bắt đầu than phiền về mùi thối của những củ khoai tây bắt đầu bị hỏng. Ngoài ra, những học sinh có nhiều củ khoai tây cũng thấy mệt mỏi vì sức nặng của chúng. Sau một tuần, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm khi trò chơi kết thúc.
Lúc này, cô giáo mới hỏi các học sinh: "Các em thấy sao khi mang theo những củ khoai tây trong vòng một tuần?" Lũ trẻ nhao nhao nói về những bất tiện và phiền phức của việc đi đâu cũng phải lôi theo đống khoai tây nặng nề lại bốc mùi bên mình.
Chỉ đợi có thế, cô giáo mới nhẹ nhàng giải thích ý nghĩa của trò chơi kỳ lạ đó: "Đây chính là tình huống các em mang theo sự ghét bỏ, thậm chí thù hằn ai đó ở trong tim của mình.
Thứ cảm xúc tiêu cực ấy sẽ làm vấy bẩn trái tim các em, và khiến em phải mang chúng theo mọi lúc mọi nơi. Nếu các em không thể chịu được mùi khoai tây thối rữa chỉ trong một tuần, các em có hiểu được gánh nặng và sự bất tiện khi phải mang sự thù ghét theo mình cả đời không?"
Lời bàn: Ghét bỏ người khác, thoạt nghe thì nghĩ là sự trả thù mà ta dành cho những kẻ làm điều xấu với ta, nhưng thực ra, lại là sự trừng phạt mà ta làm đối với bản thân mình.
Vì những suy nghĩ tiêu cực sẽ bào mòn con người ta, lấy mất đi sự thanh thản vốn có trong tâm hồn.
Đức Phật từng nói, người khoan dung là những người mạnh nhất, là người chiến thắng sau cùng, người biết khoan dung chính là người biết yêu thương bản thân nhất.