Bị họ hàng lấy hết của cải, người đàn ông làm 1 việc kỳ lạ nhưng được Đức Phật ủng hộ

Thanh Hương |

Câu chuyện của Đức Phật cũng là một lời răn đe cho những kẻ thích bắt nạt người khác.

Khi Đức Phật đang ở một tịnh xá ở ngoại ô thành phố Savatthi thì có một người sống ở trong thành phố này, nổi tiếng là một người tốt bụng và kiên nhẫn, song lại có những người họ hàng vô cùng xảo trá. Chúng đã lên kế hoạch để cướp gần như toàn bộ gia sản của người đàn ông đáng thương.

Thế nhưng, nạn nhân không hề đi báo quan, cũng không phàn nàn, mà bỏ qua việc làm sai trái của những kẻ xấu.

Những người hàng xóm thấy lạ và bắt đầu bàn tán về việc này, và tin đồn lan tới tịnh xá. Các môn đồ của Đức Phật biết tin, cũng xôn xao bàn luận. Đúng lúc đó, Đức Phật bước vào và hỏi: "Các ngươi đang nói về chuyện gì thế?" Và rồi họ kể cho Ngài nghe đầu đuôi câu chuyện.  

"Có phải người đàn ông kia quá ngốc rồi không, thưa Đức Phật?", các môn đồ thắc mắc.

"Sẽ đến lúc những kẻ họ hàng xảo trá kia bị trừng phạt thôi. Đây đâu phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra, nó đã từng xảy ra rồi mà. Ta muốn kể cho các ngươi nghe chuyện này", Đức Phật trả lời.

         ----------------------0000000000000000------------------------

Ngày xưa, khi Brahmadatta, vua của Benares, có một vị Bồ Tát được sinh ra ở vùng Himalaya dưới hình dáng của một chú voi. Chú voi này lớn lên vô cùng to khỏe, thống lĩnh cả vùng núi non và thung lũng tại đây. Một hôm, nhìn thấy một cái cây xinh đẹp, chú voi liền tới ngồi chơi dưới những tán cây.

Bị họ hàng lấy hết của cải, người đàn ông làm 1 việc kỳ lạ nhưng được Đức Phật ủng hộ - Ảnh 1.

Đức Phật kể chuyện về con voi là hiện thân của Bồ Tát cho các môn đồ. (Ảnh minh họa: Internet)

Đột nhiên, từ trên cây có một đàn khỉ nhảy xuống, giẫm lên lưng của chú voi, trêu chọc và sỉ nhục nó bằng những lời nói khó nghe. Chúng còn kéo đuôi, nắm lấy ngà và khiến chú voi rất khó chịu. Thế nhưng chú voi vẫn kiên nhẫn, không hề phản kháng lại những hành động ngỗ nghịch của đàn khỉ, dù rằng với sức mạnh của mình, chú có thể dễ dàng quật chết chúng.

Chứng kiến cảnh tượng trên, một vị thần cư ngụ ở trên cây đã hỏi chú voi rằng: "Tại sao người lại chịu đựng sự thất lễ của bầy khỉ hỗn hào đó?"

Nghe thấy vậy, con voi đáp lại: "Nếu đến những con khỉ này mà ta còn không chịu đựng được, thì sao ta có thể đi trên con đường bát chính đạo? Những con khỉ kia sẽ làm như vậy với những người khác, nghĩ rằng họ cũng sẽ giống ta. Nếu chúng làm vậy với một con voi nóng nảy, chúng sẽ bị trừng phạt. Như vậy ta chẳng cần làm gì thì chúng cũng đã tự tìm cách trừng phạt mình rồi".

Vài ngày sau, quả đúng như lời nó nói, con voi nhân hậu bỏ đi tới một nơi khác, và thay vào đó, một con voi hoang dã, hung dữ hơn đã đặt chân đến mảnh đất này. Nó cũng chọn cái cây lúc trước làm nơi nghỉ chân, và lại bị lũ khỉ kia nhảy xuống lưng làm phiền.

Thế nhưng, những con khỉ ngỗ nghịch không ngờ rằng, chúng đã trêu nhầm đối tượng. Con voi này giận dữ dùng vòi quật ngã từng con xuống đất, rồi lấy chân giẫm lên chúng, kết quả ra sao thì ai cũng có thể đoán được.

Khi Đức Phật kết thúc câu chuyện trong sự trầm ngâm của các đệ tử, Ngài đã thong thả nói rằng: "Những con khỉ ngỗ nghịch kia cũng giống như những người họ hàng xảo trá của người đàn ông tốt bụng, nghĩ rằng ai cũng dễ dàng bị bắt nạt, cho đến khi gặp phải một con voi hung dữ sẽ trừng trị chúng".

Bị họ hàng lấy hết của cải, người đàn ông làm 1 việc kỳ lạ nhưng được Đức Phật ủng hộ - Ảnh 2.

Nghe thấy vậy, một môn đồ đã băn khoăn và hỏi Đức Phật: "Chẳng phải những kẻ xấu thì nên bị trừng phạt ngay lập tức ư? Tại sao ta lại không nên trả thù chứ?"

Đức Phật lắc đầu nói: "Ngươi đừng nghĩ có thể xóa bỏ được cái xấu bằng cách trừng phạt, vì dùng cái ác để diệt cái ác thì khác gì chỉ khiến cho cái ác bị chất chồng, oan oan tương báo, bao giờ mới hết? Hãy để những kẻ xấu phải tự đối diện với số phận của chúng, sớm hay muộn, bằng cách này hay cách khác chúng cũng phải tự trả giá mà thôi."

Lời bàn: Trong cuộc sống có vô số những tình huống con người bắt nạt và đối xử tồi tệ với nhau, và thật khó để đưa ra một lời khuyên làm mẫu chung cho tất cả.

Đôi khi ta được chứng kiến những câu chuyện nạn nhân chưa kịp làm gì thì thủ phạm đã tự gặp chuyện xui xẻo, đó chính là Luật Nhân - quả, mỗi hành vi của ta sẽ gây ra một tác động nhất định, đủ chín nó sẽ kết thành nghiệp, quay lại với chính người đã gây ra hành vi ấy.

Câu chuyện của Đức Phật không có nghĩa là ta dung túng, câm lặng trước những hành động sai trái của kẻ khác với mình. Nếu biết áp dụng hàm ý sâu sa trong lời nói của Ngài, mỗi người sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp mà không gây hại cho chính bản thân ta, vì sớm hay muộn, trời đất không bao giờ dung tha cho những kẻ ác.

Theo Spiritual Short Stories

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại