Đó là những gì Trung tướng về hưu I.P.Shport, nguyên trợ lý tùy viên không quân Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam (1965-1968) nói về cái ngày số phận dẫn ông đến với John McCain - người từng tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2008.
Những ký ức năm ấy vẫn còn sống động...
Trong tuyển tập "Từ người lính đến vị tướng. Hồi ức chiến tranh" của Viện Khoa học Lịch sử Nga, ông I.P.Shport đã chia sẻ về câu chuyện khó quên này:
Cuộc điều chuyển bất ngờ
Trung tướng về hưu I.P.Shport nguyên trợ lý tùy viên không quân Đại sứ quán Liên Xô tại VNDCCH từ mùa thu 1965 đến tháng 12/1968.
Tôi được cử đến làm việc ở Ban Nhân viên Quân sự của Liên Hợp Quốc tại New York, đã làm xong thủ tục ở tất cả các khâu tổ chức, chuẩn bị và đã đi nghỉ phép. Khi trình diện sau kỳ nghỉ người ta nói với tôi rằng có một chút thay đổi, và bây giờ tôi được biên chế vào một văn phòng, nơi "nóng nực, ẩm ướt và đang bị ném bom".
Mùa thu năm 1965, người Mỹ ngày càng đẩy mạnh các hoạt động quân sự chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt Nam) bằng không quân. Ban đầu, đối tượng của các cuộc tấn công của Mỹ là các xí nghiệp công nghiệp, các tuyến đường vận chuyển, nơi đóng quân, nhưng sau đó các công trình dân sự và các điểm dân cư cũng trở thành mục tiêu cho các cuộc oanh tạc.
Trong hoàn cảnh ấy, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu nước ta (Liên Xô) giúp đỡ và hỗ trợ họ đẩy lùi cuộc xâm lược. Thông qua Bộ Ngoại giao, đội ngũ nhân viên Đại sứ quán được tăng cường đáng kể, cơ quan đại diện thương mại và ủy ban liên lạc kinh tế tích cực hoạt động.
Thông qua các cơ quan quốc phòng, ngoài việc cung cấp vũ khí và khí tài quân sự, còn có quyết định thành lập văn phòng tùy viên quân sự, với đầy đủ các thuộc tính chính thống và ngoại giao, nhằm nghiên cứu tình hình chiến sự và hỗ trợ bộ chỉ huy Việt Nam.
Tại đại sứ quán trước đây đã có các đại diện quân sự của chúng ta nhưng bây giờ hoàn cảnh mới của chiến tranh đòi hỏi chúng ta phải thành lập các cơ cấu tổ chức mới.
Các vấn đề nhân sự khi thành lập bộ máy đầu tiên đã được giải quyết hợp lý và đúng đắn, gồm: tùy viên quân sự - phi công tiền tuyến, Anh hùng Liên Xô, Đại tá Aleksey Ivanovich Lebedev, người có nhiều kinh nghiệm làm việc ở nước Pháp và biết tiếng Pháp; trợ lý chính - cựu binh chiến tranh, đại tá Evgeny Andreevich Legostaev;
Các trợ lý khác gồm trung tá Ivan Petrovich Shport, phi công quân sự hạng 1, tốt nghiệp Học viện Không quân và biết tiếng Anh; trung tá Ilya Iosifovich Rabinovich, một nhà phân tích xuất sắc, thạo tiếng Hebrew, tiếng Ả Rập, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh; phiên dịch viên – đại úy Vladislav Petrovich Dvornikov, người biết cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Trong lĩnh vực quân sự, đoàn tùy viên chủ yếu tập trung vào việc phân tích tính chất, các phương pháp, các loại phương tiện hủy diệt và hiệu quả hoạt động của không quân Mỹ ở miền Bắc, cũng như sự phát triển các cụm lục quân Mỹ ở miền Nam và tính chất các hoạt động của lực lượng giải phóng – Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại đó.
Lúc đầu, do có ưu thế trên không, các phi công Mỹ hành xử rất ngạo mạn trong các cuộc oanh tạc, thậm chí chủ quan.
Song, theo đà phát triển của các lực lượng và vũ khí phòng không, với sự xuất hiện các tổ hợp tên lửa phòng không cùng các chuyên gia quân sự của chúng ta, rồi việc các kíp chiến đấu Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm tác chiến, các cuộc oanh tạc của Mỹ đã trở nên có tổ chức hơn.
Chúng tăng cường trinh sát đường không, xuất hiện các tốp yểm trợ và chế áp phòng không, chiến thuật hoạt động linh hoạt biến đổi.
Tuy nhiên, điều này không làm chúng thoát khỏi những thiệt hại ngày càng tăng. Ngày càng hay thấy cảnh máy bay rơi trên bầu trời sau những phát tên lửa nổ hoặc khi trúng đạn cao xạ.
Cùng với các loại máy bay đã được biết, như trên thao trường thử nghiệm vũ khí, người Mỹ bắt đầu lần lượt đưa vào kiểm tra ở Việt Nam các khí tài mới - máy bay F-111, máy bay trinh sát tầng cao SR-71, máy bay trinh sát không người lái, các thiết bị gây nhiễu, các loại bom và tên lửa mới.
Nghiên cứu các khí tài bay của Mỹ bị bắn rơi trở thành mối ưu tiên của chúng tôi. Để giải quyết những vấn đề chuyên môn, theo thỏa thuận với bộ chỉ huy Việt Nam, tại văn phòng tùy viên đã thành lập một nhóm chuyên gia trong các lĩnh vực như động cơ, thiết bị điện tử, kết cấu máy bay, vũ khí bom và tên lửa, thiết bị dẫn đường và truyền tin.
Một mảnh tên lửa Shrike của Không quân Mỹ. Ảnh: Sputnik.
Người Mỹ bắt đầu tích cực sử dụng loại tên lửa chống radar "Shrike" để tiêu diệt các hệ thống radar hoạt động từ mặt đất dẫn đường cho đạn tên lửa. Từ lúc còn trên máy bay, đầu dẫn đường của tên lửa đã bắt tia chiếu xạ của radar đang làm việc, phát tín hiệu để phi công sau đó ấn nút phóng tên lửa. Cự ly của một cú phóng như vậy cách mục tiêu tầm từ 30-35 km.
Tiếp theo, đạn tên lửa "Shrike" tự động bay theo cánh sóng này tới mục tiêu radar của chúng ta, đánh trúng nó với độ chính xác cao bằng khối thuốc nổ 30 kg trong đầu đạn. Các trắc thủ có kinh nghiệm đã học được cách xác định trên màn hình thời điểm tên lửa tách khỏi máy bay và tắt radar.
Sau đó, đạn "Shrike", không có "chùm tia nhắm mục tiêu", trở thành quả đạn "ăn may", nghĩa là có thể rơi xuống bất cứ nơi nào, nhưng trong khu vực mục tiêu. Một quả đạn tên lửa đã phát nổ trong sân giữa các tòa nhà mà tùy viên quân sự sống trong tòa nhà này, còn trong tòa nhà kia là các trợ lý của ông.
Nhân chứng duy nhất
Mùa thu năm 1967, hoạt động tác chiến của máy bay Mỹ chống miền Bắc Việt Nam diễn ra ngày càng dồn dập và tàn khốc hơn. Rõ ràng, đây là kết quả của việc bộ chỉ huy Mỹ đánh giá tình hình hiện thời không thuận lợi.
Mấy năm chiến tranh can thiệp không mang lại chiến thắng nhanh chóng theo kế hoạch, canh bạc chính trị của Mỹ ngày càng bị công luận thế giới chỉ trích, Không lực Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng nề trước lực lượng phòng không vững chắc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thời điểm này, bộ chỉ huy Mỹ quyết định huy động tối đa tất cả các dạng hoạt động tác chiến nhằm đạt được cmục tiêu quân sự và chính trị của họ. Hàng ngày chỉ riêng ở Hà Nội, họ thường thực hiện 2 đợt không kích bằng máy bay của không quân từ các căn cứ không quân ở miền Nam Việt Nam và Thái Lan, cũng như bằng máy bay hải quân đóng căn cứ trên 2 hoặc 3 tàu sân bay.
Ngoài ra, để tăng cường tác động tâm lý với người dân, hầu như đêm nào họ cũng thực hiện các phi vụ tác chiến đơn lẻ, và đôi khi là các cuộc không kích giả.
Theo chỉ thị của Đại sứ Liên Xô, tất cả các nhân viên của Đại sứ quán trong thời gian có các cuộc không kích phải xuống các hầm trú ẩn tập thể hoặc cá nhân.
Do nhiệm vụ của văn phòng tùy viên quân sự, đại sứ cho phép tôi (từ mùa thu năm 1965 đến tháng 12/1968 - trợ lý cho tùy viên không quân Đại sứ quán) và đại tá E. Legostaev tiến hành quan sát các hoạt động của máy bay Mỹ, từ trên mái ngôi nhà ba tầng của chúng tôi.
Ngày 22 tháng 8 năm 1967, chúng tôi đã quan sát thấy trên bầu trời Hà Nội đồng thời bốn phi công Mỹ nhảy dù khỏi máy bay: hai chiếc F-105 đâm vào nhau trong không trung, còn một chiếc A-7 rơi xuống thành phố ngay bên cạnh nhà riêng của đại sứ chúng ta ông I.S. Shcherbakov.
Cuối tháng 10/1967, máy bay của Hải quân Mỹ tiến hành một cuộc không kích quy mô lớn vào Hà Nội, mục tiêu của cuộc oanh tạc là nhà máy nhiệt điện ở vùng phụ cận thành phố, cách ngôi nhà chúng tôi ở khoảng 1,5 km. Chia tách chúng tôi là một hồ nước, được chia thành hai phần bởi con đường đê hẹp.
Cuộc oanh kích do gần 20 máy bay tiến hành, thêm 4-6 chiếc tiêm kích quần vòng ở độ cao 5-6 nghìn mét làm nhiệm vụ bảo vệ các tốp cường kích trước các máy bay tiêm kích phòng không Việt Nam.
Việc cắt bom và bắn phá tiến hành ở độ cao trung bình và nhỏ. Tham gia đánh trả cuộc không kích có tất cả các lực lượng và các loại vũ khí phòng không của thành phố (tên lửa phòng không, pháo cao xạ cỡ vừa và nhỏ, súng máy hạng nặng, thậm chí cả vũ khí bộ binh hạng nhẹ).
Không phận Hà Nội biến thành "địa ngục": bom và tên lửa không đối đất nổ trên mặt đất, trên trời đạn tên lửa phòng không và đạn cao xạ nổ rền, mảnh rít ào ào rơi xuống. Trong một lúc tôi nhìn thấy một vụ nổ bùng lên gần một máy bay Mỹ, chiếc máy bay lập tức bị bao trùm trong khói trắng và khói đen, sau đó nó bắt đầu vừa rơi vừa tan ra từng mảnh.
John McCain cùng các thành viên trong phi đội bên máy bay huấn luyện T-2 Buckeye (Ảnh năm 1965. Nguồn: AP).
Một khoảnh khắc trước đó phi công phóng ghế nhảy dù, và sau vài giây dù mở. Do điều đó diễn ra ngay trên hồ, chúng tôi quan sát phi công và thấy anh ta đang rơi xuống hồ.
"Anh ta giờ sẽ rơi xuống hồ, sẽ bị dây dù quấn mà chết đuối" - tôi nói với Legostaev.
"Anh ta sẽ không kịp chết đuối đâu, người ta sẽ không để chuyện đó xảy ra. Nhưng tôi không được giao chịu trách nhiệm về số phận của anh ta. Không biết gì là tốt nhất" - người đồng đội của tôi đáp lại.
Chúng tôi dõi mắt theo cú hạ của anh ta đến chiều cao khoảng 50 mét, tiếp theo thì cây cối che lấp, nhưng rõ ràng anh ta đã rơi xuống nước.
Sau đó, sự chú ý của chúng tôi bị cuốn sang các yếu tố khác của cuộc không kích. Thêm hai chiếc máy bay bị bắn rơi, nhưng những phi công nhảy dù thì không thấy có.
Sau vài ngày tại một cơ quan Bộ Tổng Tham Mưu QĐND Việt Nam, khi nhận thông tin hàng tuần về chiến sự trong tuần, đại úy Phan nói với tôi rằng: "Ba ngày trước trong một cuộc không kích vào nhà máy điện, một máy bay từ tàu sân bay của Hoa Kỳ đã bị bắn rơi, viên phi công bị vài vết thương và đã rơi xuống hồ.
Chúng tôi đã chứng kiến cảnh này và thậm chí còn bàn luận về số phận của phi công" - tôi nói với Phan.
"Nhưng đó không phải là tất cả" - đại úy cho biết - "tên của anh ta là John McCain, và anh ta là con trai của một đô đốc cao cấp Hải quân Mỹ".
"Thế rồi có chuyện gì nữa với anh ta?" - tôi hỏi.
"Tôi không biết, nhiệm vụ của chúng tôi là bắn rơi những kẻ như thế, tiếp theo thì hãy để các nhà lãnh đạo chính trị suy nghĩ" – Phan cho biết - "khi anh ta còn ở bệnh viện, tình trạng vẫn bình thường".
John McCain được kéo lên từ hồ Trúc Bạch. Ảnh: Business Insider.
Chúng tôi đánh giá đó như là một sự kiện bình thường trong chiến tranh, đã và sẽ còn có nhiều. Số phận của phi công lúc đó chúng tôi không quan tâm.
Hơn bốn mươi năm trôi qua, khi đã về hưu ở cấp trung tướng, qua chiến dịch vận động bầu cử ở Mỹ, tôi được biết về ứng cử viên tổng thống John McCain, trong đó các thông tin về số phận của ông ta trong chiến tranh ở Việt Nam, hoàn toàn trùng khớp với những điều đích thân tôi đã thấy và đã nghe.
Vì vậy, tôi có lẽ là nhân chứng duy nhất trong số các nhân viên của Đại sứ quán chứng kiến cảnh tượng này trong cuộc đời của ứng cử viên tổng thống John. McCain.
Thiếu tá Không quân Mỹ John McCain được điều trị vết thương tại một bệnh viện ở Hà Nội năm 1967. Ảnh: AP
Từ 1971-1978 tôi làm việc ở Washington trên cương vị tùy viên không quân tại Đại sứ quán Liên Xô, tôi đã gặp Tổng thống G. Ford, và sau đó - Phó Tổng thống A. Gore.
Ai mà biết được, có thể một ngày số phận sẽ dẫn tôi đến với John McCain, dù ông ta không phải là tổng thống...
Ông I.P.Shport sinh ngày 17/5/1930. Năm 1951, tốt nghiệp trường hàng không đào tạo phi công cường kích Voroshilovgrad, năm 1961 – tốt nghiệp Học viện Không quân, năm 1965 - Học viện Ngoại giao Quân sự, năm 1971 – tốt nghiệp với tấm huy chương vàng Học viện quân sự Bộ Tổng tham mưu.
Từ năm 1965, ông hoạt động trong ngành ngoại giao (Việt Nam, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Tiệp Khắc) và Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu. Từ năm 1990 - Phó Chủ tịch phân ban quốc tế Ủy ban Cựu chiến binh chiến tranh và nghĩa vụ quân sự CHLB Nga.
Ông I.P.Shport đã được tặng thưởng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng 1, Huân chương Sao Đỏ, Huân chương Danh dự, Huân chương Hữu nghị, cũng như các huy chương, trong đó có "Vì lòng dũng cảm", "Chiến công", "Du kích của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại" hạng 1 và mười huy chương nước ngoài. Trung tướng không quân về hưu, phi công huấn luyện cấp 1.