Khả năng tác chiến điện tử đỉnh cao của Nga khiến Mỹ ớn lạnh

Hải Vy |

Một trong số bài học quan trọng rút ra sau khi Nga sáp nhập Crimea là cách nước này sử dụng hệ thống tác chiến điện tử. Đây thực sự là nhân tố "làm thay đổi cuộc chơi" với NATO.

Những màn trình diễn "gây sửng sốt"

Theo C4ISRNET, năng lực gây nhiễu và tác chiến điện tử công nghệ cao của Nga đã trở nên nổi tiếng. Cuộc xung đột tại miền đông Ukraine (giữa lực lượng ly khai - được cho là Moscow hậu thuẫn và lực lượng vũ trang Ukraine) đã mang lại cho quân đội Mỹ cơ hội hiếm thấy để nghiên cứu nhiều khả năng của Nga.

"Chúng ta đang học được rất nhiều từ những gì diễn ra tại Ukraine, cả những năng lực mà chúng ta từng thấy Nga thể hiện ở Crimea - thứ năng lực tác chiến điện tử ở cấp độ chiến thuật mà chúng ta hoàn toàn không có" - Trung tướng Ben Hodges, chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu phát biểu hồi đầu năm nay.

Một trong những màn trình diễn "gây sửng sốt" của Nga là khi họ phá hủy các máy bay không người lái của Phái đoàn giám sát đặc biệt (SMM) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). SSM có nhiệm vụ giám sát tình hình an ninh tại nơi xảy ra xung đột giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine.

Khả năng tác chiến điện tử đỉnh cao của Nga khiến Mỹ ớn lạnh - Ảnh 1.

Máy bay không người lái S-100 của OSCE.

Thông tin này được tờ Foreign Policy tiết lộ lần đầu tiên vào tháng 10 năm nay. Theo đó, các hệ thống máy bay không người lái của SMM đã phải ngưng hoạt động vào tháng 8 sau một loạt hành động chống phá nhằm làm suy yếu các hoạt động của UAS và sức mạnh của chúng.

"Khả năng hoạt động của các UAV đã suy giảm nghiêm trọng trong vài tháng gần đây", người phát ngôn của OSCE cho biết trong một bức email gửi tới tờ C4ISRNET, "ngoài UAV tầm xa, các UAV tầm trung và mini của chúng tôi cũng đều trở thành mục tiêu trong giai đoạn đó".

Loại máy bay tầm xa được nhắc đến trên đây là mẫu Schiebel Camcopter S-100 do Áo sản xuất. Foreign Policy cho biết, những UAV này đã bị phá hoại bằng tên lửa đất-đối-không và hệ thống gây nhiễu điện tử.

Cụ thể, trong tháng 5, chiếc S-100 bay trên khu vực Ozerianivka do lực lượng nổi dậy kiểm soát đã rơi xuống không lâu sau khi nó phát hiện một hệ thống tên lửa đất-đối-không đặt trên xe kéo đa năng.

Tuần sau đó, một chiếc S-100 khác tiếp tục bị rơi khi đang bay trên thành phố Korsun, đông bắc tỉnh Donetsk. Vào ngày trước khi rơi, chiếc máy bay đã phát hiện một hệ thống pháo phòng không và tên lửa đất-đối-không tại khu vực này.

Bên cạnh đó, một sự vụ khác cho thấy có dấu hiệu của hệ thống tác chiến điện tử dùng để hạ các thiết bị giám sát trên không.

Vào ngày 25/7 năm nay, OSCE thông báo mất toàn bộ tín hiệu liên lạc đối với một máy bay không người lái tầm xa trước phi phát hiện nó rơi xuống khi đang bay. 3 ngày sau đó, camera giám sát của OSCE đã chụp được hình ảnh hệ thống gây nhiễu R-330ZH Zhitel (do Nga thiết kế và sản xuất) tại vùng Novohryhorivka, gần Donetsk và cũng do lực lượng nổi dậy kiểm soát.

"Tôi cho rằng Schiebel không đủ khả năng chống chọi trong trường hợp này", Foreign Policy dẫn lời một quan chức cấp cao của OSCE, "Hỏa lực và thiết bị gây nhiễu GPS là 2 nhân tố chính làm thiệt hại các máy bay không người lái. Những máy bay này không có khả năng chống nhiễu...".

Hiện chưa rõ OSCE đã có những biện pháp nào để đảm bảo an toàn cho máy bay của họ trước các hệ thống gây nhiễu mà Nga triển khai.

Theo bà Susan Thornton - một quan chức NATO, một trong những bài học quan trọng rút ra sau khi Nga sáp nhập Crimea là cách thức nước này sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử (EW). Đây thực sự là nhân tố "làm thay đổi cuộc chơi" đối với NATO bởi năng lực của Nga cho thấy họ đã có kế hoạch kỹ lưỡng và sự đầu tư ở cấp độ cao.

Trong chiến dịch này, Thornton cho biết bà đã chứng kiến các hoạt động gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc, giả tín hiệu GPS, cũng như các cuộc tấn công mạng nhằm vào UAV.

Mỹ lo Nga chiếm ưu thế trong tác chiến điện tử

Hiện không rõ các hệ thống của Mỹ có dễ bị tổn hại trước các năng lực tương tự hay không.

Theo Chuẩn tướng quân đội Mỹ Edward Sauley, khả năng gây nhiễu hệ thống máy bay không người lái đang trở thành mối đe dọa thực sự mà các lực lượng Mỹ phải tìm cách giải quyết.

Khả năng tác chiến điện tử đỉnh cao của Nga khiến Mỹ ớn lạnh - Ảnh 2.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga.

Trước đó, giới chức Mỹ đã phải nhiều lần thừa nhận rằng, Mỹ chưa có khả năng lớn về tấn công điện tử trong khi chất lượng và sự tinh xảo của hệ thống tác chiến điện tử Nga rất "khó chịu".

Tháng 11/2015, Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu - Tướng Frank Gorenc thú nhận, các hệ thống tác chiến điện tử Nga biến mọi ưu thế vũ khí công nghệ cao hiện có trong trang bị của Mỹ-NATO thành con số không.

Lý giải về khoảng cách trong năng lực tác chiến điện tử giữa Moscow và Washington, Tướng Philip Breedlove - Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu cho rằng có 2 lý do:

Thứ nhất, 20 năm trước, Nga và Mỹ là đối tác và người Mỹ đã không chú tâm tới các nghiên cứu của Nga.

Thứ hai, trong những năm gần đây, Mỹ chủ yếu chiến đấu với các lực lượng phiến quân như Taliban hoặc al-Qaeda, và Washington hầu như không nắm vững phương tiện tác chiến điện tử.

Theo ông Breedlove, Washington sở hữu các hệ thống chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD), nhưng cơ chế làm việc trong khuôn khổ chiến lược này chưa được quân đội Mỹ nghiên cứu đầy đủ.

Trong khi đó, Trung tá Gregory Griffin, người phụ trách các chương trình và yêu cầu của một đơn vị Chiến tranh Điện tử tiết lộ, Lục quân Mỹ có tổng cộng 813 chuyên viên về tác chiến điện tử, nhưng chủ yếu là nắm lý thuyết hơn phần cứng, trừ phi chúng được triển khai.

Trong doanh trại, các binh sĩ này thường được bố trí công việc khác, khiến cho tác chiến điện tử được nói đùa là chữ viết tắt của "Nhân viên bổ sung" – dù điều này đã được thay đổi khi Lục quân Mỹ tăng cường chiến lược tác chiến điện tử.

Tháng 2/2016, Quốc hội Mỹ đã đề xuất một dự luật mới nhằm đẩy nhanh phát triển công nghệ tác chiến điện tử lên ngang tầm với Nga, thay thế cho những quy định hiện hành vốn đang khiến tiến trình mua sắm vũ khí trang bị của Mỹ phải mất hàng chục năm, qua đó giúp tăng cường năng lực của quân đội Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại