Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó đã nhiều lần cho rằng Bắc Kinh từ chối cung cấp các mẫu virus từ những người mắc bệnh khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái và rằng, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiêu hủy các mẫu virus trong giai đoạn đầu này.
Liu Dengfeng, một quan chức thuộc bộ phận giáo dục và khoa học của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết việc tiêu hủy này được thực hiện tại những phòng thí nghiệm chưa được cấp phép nhằm "ngăn ngừa rủi ro với sự an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm và ngăn ngừa thảm họa thứ hai do các bệnh không xác định gây nên".
"Những bình luận mà một số quan chức Mỹ đưa ra không đặt vào bối cảnh sự việc và có mục đích gây hiểu lầm", ông Liu Dengfeng cho biết trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 15/5.
Khi căn bệnh giống như viêm phổi cấp lần đầu tiên ghi nhận các ca mắc ở Vũ Hán, các viện nghiên cứu chuyên nghiệp cấp quốc gia đã làm việc để xác định nguyên nhân gây bệnh, ông Liu cho biết.
"Dựa trên các nghiên cứu toàn diện và ý kiến chuyên gia, chúng tôi quyết định tạm đưa căn bệnh gây viêm phổi cấp vào Lớp II - có khả năng lây nhiễm cao và áp đặt các yêu cầu an ninh sinh học với việc thu thập, vận chuyển và các hoạt động thí nghiệm trên mẫu cũng như việc tiêu hủy mẫu".
Ông Liu cũng đánh giá thêm rằng điều này phù hợp với quy định tiêu chuẩn của Trung Quốc về việc xử lý các mẫu virus có khả năng lây nhiễm cao, vốn là những mẫu vật không nên được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm không đáp ứng tiêu chuẩn.
Các bệnh Lớp II có thể truyền nhiễm giữa con người và động vật, cũng như gây nên các bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như SARS và đậu mùa.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang gần đây khi 2 bên đưa ra các cáo buộc nhau về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, hiện đã khiến gần 4,7 triệu người mắc bệnh và hơn 300.000 người tử vong trên toàn thế giới. Trung Quốc đang đứng trước sức ép ngày càng gia tăng từ nhiều nước đòi điều tra quốc gia này về cách xử lý dịch bệnh.
Theo thông báo của một ủy ban y tế cấp tỉnh đưa ra hồi tháng 2, những cơ sở xử lý các mẫu virus được yêu cầu không cung cấp cho bất kỳ viện nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm nào các mẫu virus nếu không có sự cho phép. Các phòng thí nghiệm chưa được cấp phép có được các mẫu virus vào giai đoạn đầu của dịch bệnh phải tiêu hủy chúng hoặc gửi chúng đến trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh cấp thành phố để lưu trữ.
Cũng trong ngày 15/5, ông Liu cho biết Trung Quốc từng chia sẻ chủng virus gây cúm trước đây và hiện nay nước này sẵn sàng cởi mở chia sẻ mẫu virus SARS-CoV-2 theo “cách tuần tự trong khuôn khổ của Tổ chức Y tế thế giới" nhằm "tăng cường nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, thúc đẩy quá trình sản xuất cũng như phân phối các loại thuốc điều trị, công cụ chẩn đoán và vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng".
Ủy ban Y tế này cũng bác bỏ những nhận định của các quan chức Mỹ rằng Trung Quốc từ chối yêu cầu của WHO về việc thăm Viện Virus học Vũ Hán có mức độ an ninh cao.
Li Mingzhu, một quan chức cấp cao thuộc cơ quan hợp tác quốc tế của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết WHO không hề yêu cầu đến phòng thí nghiệm trong suốt 2 chuyến thăm tới Vũ Hán hồi tháng 1 và tháng 2.
"WHO chưa bao giờ đưa ra yêu cầu thăm phòng thí nghiệm, vì thế, tuyên bố WHO bị từ chối thăm phòng thí nghiệm Vũ Hán là không đúng sự thật", Li Mingzhu khẳng định./.