Tham vọng “sánh ngôi” cùng Mỹ và phương Tây
Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh tham vọng trở thành một siêu cường toàn cầu thực sự. Tuy nhiên, liệu nước này có thể thực sự chế tạo được máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 để phục vụ mục tiêu đó hay không?
Để đạt được điều này, Trung Quốc đã tìm cách xây dựng một lực lượng hải quân “nước xanh” đẳng cấp thế giới, có khả năng khuếch trương sức mạnh ở Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và còn hơn thế nữa.
Tương tự, Bắc Kinh cũng không ngừng tập trung vào việc phát triển một chương trình máy bay nội địa không phụ thuộc vào các thiết kế của Nga hay Liên Xô trước đây.
Tiêm kích J-31 (FC-31 Gyrfalcon), dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hai động cơ, dù vẫn đang ở giai đoạn phát triển nguyên mẫu, là một đại diện điển hình cho tham vọng nói trên.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 của Trung Quốc
Có thông tin cho rằng Trung Quốc còn đang tìm cách trở thành một trong số ít quốc gia phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6.
Xét tới thực tế các cường quốc quân sự tiên phong khác vẫn còn đang ở giai đoạn đầu của chương trình này thì có lẽ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với quá nhiều khó khăn trước mắt.
Chỉ mới tuần trước, tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough, Bộ Quốc phòng Anh thông báo rằng một mẫu máy bay trình diễn thuộc Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) do London đứng đầu (hay còn được gọi là Tempest) sẽ ra mắt trong thời gian 5 năm tới.
Tuy nhiên, thông báo trên lại trùng hợp với tin tức cho rằng chương trình phát triển máy bay cạnh tranh thế hệ thứ 6 do Pháp - Đức dẫn đầu (cũng gọi là FCAS) có nguy cơ bị hủy bỏ.
Sự chậm trễ của chương trình này cùng với những bất đồng về hướng đi của dự án được coi là một mối quan ngại lớn.
Thậm chí còn xuất hiện tin đồn hai nỗ lực của châu Âu nên hợp nhất làm một và Nhật Bản đã tìm cách hợp tác với chương trình do Vương quốc Anh đứng đầu.
Máy bay chiến đấu F-35 (trên) và tiêm kích phản lực J-31
Vẻ “hào nhoáng” bên ngoài
Xét tới tình trạng chậm trễ hoặc thậm chí không đạt được tiến độ như mong muốn ở châu Âu thì Trung Quốc có thể còn gặp phải nhiều khó khăn hơn nữa trong việc phát triển một loại máy bay như vậy.
Tất nhiên, mọi việc có thể thuận lợi hơn khi Bắc Kinh tiếp tục sử dụng chiêu bài “sao chép” từ các nỗ lực của FCAS hoặc Chương trình Thống lĩnh Không quân thế hệ kế tiếp (NGAD) của Mỹ.
Trước đây, đã từng xuất hiện không ít thông tin nghi ngờ việc Trung Quốc đánh cắp các chi tiết thiết kế từ F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Lockheed Martin. Vì vậy, cho dù Bắc Kinh có liên tục quảng bá về khả năng phát triển trong nước các loại máy bay hiện đại thì kiểu gì họ cũng vẫn phải có được sự “giúp đỡ” từ phương Tây!
Thông tin về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc lần đầu tiên được Thời báo Hoàn cầu (Global Times) công bố vào năm 2019 khi tờ báo này viết rằng: “Trung Quốc sẽ không bị tụt lại trong cuộc đua toàn cầu đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6”.
Khi đó, Global Times còn trích dẫn thêm một cuộc phỏng vấn với Wang Haifeng, kiến trúc sư trưởng tại Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thành Đô, người từng tham gia vào quá trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
“Truyền thống của Trung Quốc là khi đã đưa một thế hệ vào phục vụ thì chúng ta sẽ phát triển một thế hệ máy bay mới và một thế hệ tiếp theo được triển khai nghiên cứu”, một chuyên gia quân sự nói với Global Times với ý ám chỉ tới trường hợp của các tàu sân bay Trung Quốc.
“Giờ đây, J-20 đã được đưa vào sử dụng, việc phát triển một loại máy bay mới cũng đang được tiến hành”.
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Trung Quốc
Đó chắc chắn là một kế hoạch đầy tham vọng nhưng Trung Quốc chưa chứng minh được với thế giới rằng máy bay thế hệ thứ 5 của họ đã đạt trình độ ngang bằng với các máy bay của Mỹ mà rất có thể họ đã “sao chép”.
Từ lâu, Bắc Kinh đã không ngừng quảng bá về các khả năng của J-20, máy bay chiến đấu tàng hình hai động cơ hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô phát triển.
Tuy nhiên, những khả năng đó cũng đã bị các nhà quan sát phương Tây nghi ngờ từ lâu. Họ cho rằng máy bay Trung Quốc thực sự không thể đối đầu với F-22 hoặc F-35 của Quân đội Mỹ.
“Về khả năng chiến đấu, F-22 vượt trội hơn đáng kể so với J-20 trên hầu hết mọi khía cạnh”, Justin Bronk, một chuyên gia tác chiến trên không tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) bình luận trên Business Insider.
Nói cách khác, J-20 có thể có khả năng hoạt động nhưng chỉ “hào nhoáng” bề ngoài.
Ngay cả khi Trung Quốc có thể trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 vào giữa những năm 2030 - một mục tiêu đầy tham vọng - thì nước này vẫn sẽ tụt hậu so với những gì mà Anh hoặc Mỹ có thể sở hữu vào thời điểm đó.