Trung Quốc - Muôn mặt tham nhũng

Anh Thông (Theo Global Times, People’s Daily, SCMP) |

Mới đây, quan chức họ Lâm tại Trùng Khánh (Trung Quốc) đã bị sa thải vì cố ý đãi tiệc, nhận hối lộ trá hình.

Vợ quan chức này đã mở một bữa tiệc hoành tráng mừng con gái thi đỗ đại học ngay sau khi bà ly hôn chồng được… bốn ngày.

Tại buổi tiệc, số tiền mừng thu về gần 36.000 NDT (khoảng 5.500 USD).

Ủy ban kỷ luật đảng huyện Vu Sơn vào cuộc điều tra, cuối cùng xác định họ cố tình ly hôn để có thể mở tiệc chiêu đãi, tạo cớ cho cấp dưới của ông Lâm đi quà.

Tháng Năm vừa qua, báo chí Trung Quốc có đăng bài "điểm mặt" những hành vi hối lộ, tham nhũng phổ biến nhất, trích lời ông Vương Nho Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây khi nói về vấn đề chống tham nhũng ở tỉnh này, đã phê phán một giám đốc sở nghiện nhận hối lộ đến mức bất kỳ lý do gì cũng đãi tiệc nhằm "thu hụi chết".

Tệ nạn hối lộ ở Trung Quốc trầm trọng đến nỗi nhà đất, tiền mặt, thẻ tín dụng, thiết bị điện tử, đồ cổ, tranh vẽ … chẳng thứ gì thiếu trong danh sách những quà biếu.

"Văn hóa quà tặng" - lớp vỏ bọc của hành vi hối lộ, tham nhũng là chủ đề được người dân Trung Quốc vô cùng quan tâm, ước tính có tổng trị giá lên đến khoảng 230 tỷ USD mỗi năm.

Quà tặng càng xa xỉ việc nhờ vả càng khó, cấp bậc người được nhờ càng cao. Muốn hối lộ thì phải biết cách mua đồ cho đúng ý người nhận.

Rượu mạnh là món quà ít nhất phải có khi lui tới nhà sếp. Rượu Mao Đài, với giá mỗi chai 2.300 NDT (gần 350 USD), là cái tên đứng đầu danh sách rượu quý bất cứ quan tham nào cũng muốn có.

Năm 2014, cảnh sát phát hiện 1.853 chai rượu Mao Đài khi khám nhà Phùng Việt Hân, cựu trưởng công an một quận ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Đông Bắc Trung Quốc.

Ước tính, số rượu trên trị giá đến 2 triệu NDT (hơn 300.000 USD), gồm rượu được biếu tặng và cả dùng tiền công quỹ để mua.

Các món hàng hiệu đắt tiền, trong đó đồng hồ cao cấp, cũng là xa xỉ phẩm không thể thiếu với quan chức.

Zhou Zuogeng, giám đốc nhà ở tại một quận thuộc Nam Kinh bị phát hiện tham nhũng vì "không đánh mà khai" khi sử dụng quá nhiều đồng hồ đắt tiền.

Những chiếc đồng hồ của ông ta có giá từ vài ngàn USD đến hàng chục ngàn USD, gấp nhiều lần mức lương của ông.

Không chỉ có đồng hồ, mà bất cứ món gì đắt tiền, độc lạ, quý hiếm đều có thể làm quà biếu.

Các sản phẩm thời trang hàng hiệu như Louis Vuitton, Chanel, Gucci trị giá hàng chục ngàn USD cũng có người mua làm quà biếu sếp, lấy lòng phu nhân.

Theo một nghiên cứu năm 2012 của Công ty tư vấn kinh doanh Bain & Company, người tiêu dùng Trung Quốc đang đứng đầu về tiêu thụ xa xỉ phẩm, chiếm 25% hoạt động tiêu dùng xa xỉ phẩm toàn cầu, mà 25% hoạt động mua xa xỉ phẩm ở Trung Quốc là để phục vụ việc biếu tặng.

Ở Trung Quốc thậm chí còn rầm rộ phong trào hối lộ… người đã khuất!

Hãng thời trang Gucci mới đây phải gửi văn bản cảnh cáo đến các cửa hàng vàng mã ở Hồng Kông (Trung Quốc), kêu gọi họ ngừng việc sao nhái sản phẩm của mình thành phiên bản cho người cõi âm!

Những món hàng bằng giấy gần như có tất cả các sản phẩm của những thương hiệu sành điệu nhất.

Nhu cầu về các sản phẩm này đặc biệt tăng vọt trong dịp Tết Thanh minh và như một quy luật bất thành văn, không ít cấp dưới đã tự động mua sắm để các sếp chăm lo cho… người thân quá cố.

Trung Quốc - Muôn mặt tham nhũng - Ảnh 1.

Nhà sang hàng mã - Ảnh: LOCKERDOME

Hối lộ, tham nhũng ở Trung Quốc có muôn hình vạn trạng.

Năm ngoái, Trung Quốc cấm các đảng viên chơi golf vì môn thể thao này rất tốn kém và đặc biệt, nhiều người ngầm hiểu sân golf là nơi diễn ra những cuộc "đi đêm" chớp nhoáng.

Một trong những trường hợp quan chức bị nêu tên là ông Lin Chunsong, Phó thị trưởng thành phố Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến, thành viên của một câu lạc bộ golf.

Trong hai năm từ 2013-2015 ông Lin đã chơi 163 lần tại câu lạc bộ, trong đó có ít nhất 12 lần trong giờ làm việc, chi phí bỏ ra để chơi golf thấp hơn rất nhiều so với mức quy định, đổi lại là lợi ích cho những cá nhân cần nhờ cậy đến ông.

Ông Lin bị sa thải vì vi phạm luật chống tham nhũng cũng như các quy định kỷ luật đối với quan chức.

Dù đã nỗ lực ra quy định cấm chơi golf đối với quan chức, đảng viên nhưng tháng Tư vừa qua, Ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc lại tuyên bố, các quan chức có thể chơi golf miễn là sử dụng tiền túi của họ.

Tiền từ đâu để các quan chức cấp bé hối lộ quan chức cấp lớn? Không thể kể hết những hình thức làm nên vòng xoáy bất tận từ hối lộ đến tham nhũng và ngược lại.

Nỗ lực bài trừ hối lộ, tham nhũng chưa bao giờ dễ dàng ở Trung Quốc, nơi mà các hành vi trái pháp luật vốn được thực hiện không mấy khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại