Cuối tuần trước, cuộc biểu tình tại Hồng Kông bước vào tuần thứ 12 với 1,7 triệu người xuống đường (theo thống kê của những người tổ chức). Cuộc biểu tình lần này đã có một bước ngoặt nguy hiểm khi cảnh sát triển khai vòi rồng và tiếng súng đã vang trên bầu trời đặc khu để giải tán những người biểu tình khi họ ném gạch vào cảnh sát.
Chính quyền đặc khu Hồng Kông cũng xác nhận rằng 6 sĩ quan cảnh sát đã rút súng ngắn để thị uy những người biểu tình được cho là tấn công họ, và một trong số các cảnh sát đã bắn chỉ thiên. Trong một cuộc họp báo hôm thứ hai 26.8, lực lượng cảnh sát đã biện minh cho phát súng cảnh cáo. Phía cảnh sát nói rằng tính mạng của họ khi ấy gặp nguy hiểm lớn và việc sử dụng vũ lực của họ là cần thiết và hợp lý. Việc sử dụng đạn dược vốn cực kỳ hiếm ở Hồng Kông và nó chứng tỏ căng thẳng đang leo thang, các bên bắt đầu dễ bị kích động hơn.
Hôm Chủ nhật, 25.8, cảnh sát Hồng Kông đã bắt 36 người, trong đó người trẻ nhất mới 12 tuổi, sau các cuộc đụng độ biểu tình. Chi tiết một thiếu niên 12 tuổi bị bắt trong đợt biểu tình cũng được dư luận chú ý. Trước đó 1 ngày, cảnh sát đặc khu bắt 29 người biểu tình, bao gồm Ventus Lau, người tổ chức cuộc tuần hành ngày 24.8 với cáo buộc "tập trung bất hợp pháp, sở hữu vũ khí trái phép và tấn công cảnh sát".
"Việc leo thang các hành vi bất hợp pháp và bạo lực của người biểu tình cực đoan không chỉ gây phẫn nộ, mà còn đẩy Hồng Kông đến bờ vực nguy hiểm", chính quyền đặc khu SAR hôm thứ hai 26.8 ra tuyên bố.
Ngay sau các cuộc đụng độ, Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đăng một bài xã luận khẳng định rằng Bắc Kinh có thẩm quyền và trách nhiệm nhảy vào can thiệp để dập tắt tình trạng bất ổn. “Nếu bạo loạn xảy ra, chính quyền trung ương phải can thiệp”, Tân Hoa Xã nhắc lại “di huấn lịch sử” trước đây của ông Đặng Tiểu Bình.
Bài xã luận cũng gọi các cuộc biểu tình là một dạng cách mạng màu nhằm mục đích lật đổ chính quyền. Các quan chức chính phủ Trung Quốc trong những tuần trước cũng đã nói rằng các cuộc biểu tình có đặc điểm của một cuộc cách mạng màu, với ý đề cập đến các phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở các nước thuộc Liên Xô cũ và Balkan trong những năm đầu thập niên 2000.
Việc Trung Quốc nhắc nhở “cách mạng màu” dường như thẩm thấu vào người biểu tình Hồng Kông và họ còn ngược dòng lịch sử thêm 1 thập niên nữa. Cuối tuần qua, những người xuống đường đã có động thái chưa từng làm trước đây. Vào thứ sáu 23.8, họ nắm tay nhau thành một chuỗi người (human chain) dài vô tận. Đây mới chính là điều khiến chính quyền Bắc Kinh cảm thấy lo ngại hơn cả việc biểu tình quậy phá.
Chuỗi người dài vào ngày 23.8 nhắc lại thời khắc của 30 năm trước khi người ở 3 nước Baltic (Litva, Latvia, Estonia) cũng biểu tình kiểu chuỗi người để đòi tách khỏi Liên Xô. Chuỗi người là biểu tượng của sự đoàn kết trong việc đòi… ly khai. Dĩ nhiên, Trung Quốc không chấp nhận, không mong muốn chuỗi người này xuất hiện và đó là lý do truyền thông Trung Quốc tỏ ra tức giận, cường điệu về vấn đề Hồng Kông mạnh mẽ hơn các tuần trước.
Trong những tuần gần đây, đã xuất hiện lo ngại cho rằng Bắc Kinh có thể can thiệp vũ lực để bình ổn Hồng Kông theo ý của họ trước lễ kỷ niệm Quốc khánh vào ngày 1.10, đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Mối lo này càng lớn khi xuất hiện lực lượng cảnh sát dã chiến Trung Quốc đang dồn quân tại thành phố Thâm Quyến gần đó.
"Con đường Baltic" là một sự kiện diễn ra vào ngày 23.8.1989 khi xấp xỉ hai triệu người cùng nắm tay tạo thành một chuỗi dài hơn 600 cây số trải qua 3 nước vùng Baltic là Latvia, Litva và Estonia. Cuộc biểu tình diễn ra với mục đích tạo sự chú ý của dư luận quốc tề về số phận lịch sử chung mà 3 quốc gia vùng Baltic phải gánh chịu.
Chuỗi người tại Litva
Những người biểu tình cùng nhau nắm tay vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương. Các chương trình radio đặc biệt góp phần giúp đỡ cho nỗ lực này. Tại Vilnius, hàng ngàn người tập trung tại Quảng trường Nhà thờ Lớn, tay cầm nến hát vang các bài hát của dân tộc Litva. Tại các nhà thờ, thánh lễ được tổ chức và chuông được rung lên. Cuộc biểu tình diễn ra hoàn toàn không có bạo động. Về sau, cuộc biểu tình đã được ghi vào sách kỷ lục về hàng người dài nhất trong lịch sử. Sách kỷ lục Litva cũng ghi nhận đây là vụ kẹt xe dài nhất lịch sử do gần 100 cây số đường cao tốc Vilnius-Kaunas bị tắc nghẽn.
Chuỗi người tại Estonia
Chuỗi người cùng nhau nắm tay đã tượng trưng cho tình tương trợ giữa các dân tộc Baltic trong đấu tranh giành độc lập và tự chủ. Nó giúp thiết lập ý tưởng về một khối các "quốc gia Baltic" cùng nhau hợp tác để phát triển. Cuộc tuần hành cũng đã biểu dương sức mạnh quần chúng trong ôn hòa. Và Trung Quốc hiện nay cũng có 3 mối lo ở sát nhau: Hồng Kông, Macau và Đài Loan
Ngày 11.3.1990, nước Cộng hòa Litva tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Xô viết. Tháng 9.1991, Việt Nam đã công nhận Litva. Ngày 18.3.1992, hai nước đã ký Nghị định thư về thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ.
Ngày 4.5.1990, nước Cộng hòa Latvia tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Xô viết. Ngày 12.2.1992 tại Moscow, Việt Nam và Latvia đã ký Nghị định thư về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngày 20.8.1990, nước Cộng hòa Estonia tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Xô viết. Ngày 9.9.1991, Việt Nam đã công nhận Estonia . Ngày 20.2.1992, hai bên ký Nghị định thư về thiết lập quan hệ Ngoại giao cấp Đại sứ.