Tại Triển lãm Công nghệ Hàng không Ấn Độ đang diễn ra tại Bengaluru, nước chủ nhà đã gây chú ý khi cho ra mắt biến thể thu gọn của tên lửa hành trình diệt hạm siêu thanh BrahMos với tên định danh BrahMos-NG (viết tắt của Next Generation - thế hệ tiếp theo).
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, BrahMos-NG chính là tên gọi mới của tên lửa BrahMos-M (BrahMos mini) khi nó đã hoàn thiện và sẵn sàng bước vào giai đoạn chế tạo hàng loạt
Loại tên lửa này xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 4-2014, nó có trọng lượng khoảng 1,5 tấn, chiều dài ước chừng 6 m, đường kính thân đoạn lớn nhất khoảng 0,5 m.
Tên lửa BrahMos-NG có thể đạt tốc độ gấp 3,5 lần vận tốc âm thanh, mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường trọng lượng 200 - 300 kg, tầm bắn tối đa 290 km (tương lai có thể mở rộng lên 600 km).
Sở dĩ Ấn Độ phải chế tạo phiên bản BrahMos-NG là do biến thể BrahMos-A phóng từ trên không có trọng lượng quá nặng lên tới 2,5 tấn, chỉ tích hợp được vào những chiếc tiêm kích Su-30MKI đã trải qua gia cố khung thân.
Với biến thể thu gọn BrahMos-NG, mọi chiến đấu cơ Su-30MKI của Ấn Độ đều có thể sử dụng vũ khí này, thậm chí còn mang được tới 3 quả thay vì chỉ duy nhất 1 đạn như trước kia.
Bên cạnh Su-30MKI, với thông số về trọng lượng như trên thì ngay cả tiêm kích hạng trung MiG-29K và phiên bản cũ hơn MiG-29UPG cũng có thể mang được tên lửa BrahMos-NG.
Hiện nay ngoài tiêm kích hạm MiG-29K thuộc dòng đa nhiệm, Không quân Ấn Độ đang tích cực nâng cấp các máy bay MiG-29 thế hệ cũ lên chuẩn MiG-29UPG có tính năng kỹ chiến thuật tương đương MiG-29SMT của Nga.
Mới đây Ấn Độ còn công bố thương vụ mua lại 21 khung thân MiG-29 đang lắp ráp dở dang được niêm cất từ thời Liên Xô, toàn bộ sẽ trải qua quá trình nâng cấp lên chuẩn MiG-29UPG có năng lực tác chiến vượt trội.
Với các thiết bị điện tử hàng không có nguồn gốc từ phương Tây, MiG-29UPG của Ấn Độ sẽ đảm đương tốt cả vai trò tấn công mặt đất - mặt biển thay vì chỉ tập trung không chiến như trước kia.
Phi đội MiG-29UPG và MiG-29K dự kiến sẽ được bố trí phối hợp tác chiến cùng Su-30MKI để tạo ra thế trận nhiều tầng nhiều lớp nhằm xuyên thủng hàng rào phòng ngự của đối phương.
Khí tài quan trọng nhất trên tiêm kích MiG-29UPG của Không quân Ấn Độ chính là radar mảng pha quét điện tử Zhuk-AE, nó có thể dẫn bắn cho tên lửa BrahMos-NG ở cự ly tối ưu.
Tải trọng vũ khí mà các tiêm kích MiG-29 này mang được là 5 tấn, phân bổ trên 7 giá treo dưới cánh và thân, trong đó mấu cứng hạng nặng ở chính giữa hai cửa hút gió chịu được sức tải 1,5 tấn, tức là đúng bằng trọng lượng của BrahMos-NG.
Sau khi trang bị tên lửa BrahMos cho hơn 270 tiêm kích Su-30MKI thì Không quân Ấn Độ đã có năng lực chống tàu mặt nước cực mạnh, họ lại càng đáng sợ hơn nữa khi được bổ sung gần 100 chiếc MiG-29 có khả năng mang BrahMos-NG.
Trước viễn cảnh trên thì Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng lo sợ vì họ sắp phải đương đầu với một địch thủ cực mạnh, có trong tay số lượng phương tiện và vũ khí tác chiến hiện đại với uy lực cao.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-trung-quoc-lanh-gay-khi-an-do-dua-ten-lua-brahmos-len-tiem-kich-mig29/799870.antd