Hãng tin Sina của Trung Quốc dẫn các phân tích của chuyên gia quân sự nước này cho biết, tầm bay của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat là khoảng 18.000km và có thể mang theo 16 đầu đạn hạt nhân.
Với những tính năng đáng kinh ngạc như vậy, theo hãng tin Trung Quốc, một khi Nga khai hoả, tên lửa Sarmat có thể "huỷ diệt toàn bộ tiểu bang Texas của Mỹ".
Ngoài tên lửa Sarmat, hãng tin Sina cũng để cập đến việc Nga phát triển đầu đạn siêu thanh Avangard. Theo đó, vũ khí này có thể "buộc phương Tây phải xem xét lại chiến lược phòng thủ và răn đe hạt nhân".
Chuyên gia Trung Quốc tin rằng, "người Mỹ hiểu là Nga đang giành lợi thế trước các cường quốc quân sự khối NATO trong lĩnh vực vũ khí siêu âm".
"Đây là tên lửa đạn đạo hạng nặng có khả năng xé toạc gần như bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nào trên thế giới. Tôi muốn nói cả trong hiện tại lẫn tương lai", người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và là cựu Phó Thủ tướng Nga, ông Dmitry Rogozin, tuyên bố.
Sarmat được phát triển từ năm 2011, nhưng tính năng của nó vẫn được giữ bí mật. Hiện chỉ biết rằng, Sarmat có thể mang tải trọng gần 10 tấn, tầm bắn gần 11.000 km. Sarmat sẽ dần thay thế R-36М2 Voevoda trong biên chế.
Nhờ các động cơ mới, tên lửa có thể đưa các đầu đạn không chỉ theo các quỹ đạo tối ưu mà theo cả các quỹ đạo bất ngờ đối với đối phương.
Một trong những hướng bay quen thuộc và tối ưu của các tên lửa chiến lược là Bắc Cực. Sarmat cũng có thể đưa các đầu đạn hạt nhân bay qua cả Nam Cực.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được phóng thử lần đầu tiên vào năm 2016. Tháng 10/2016, Trung tâm Tên lửa quốc gia mang tên Makeyev đã công bố bức ảnh tên lửa Sarmat, nhưng không tiết lộ chi tiết kỹ thuật nào về tên lửa mới.