Trung Quốc lo ngại khi Australia mua tàu ngầm Pháp
Ngày 1/5, tờ Sina của Trung Quốc đã đăng bài viết của nhà nghiên cứu Mã Nghiêu đến từ Học viện Quan hệ quốc tế và Các vấn đề công, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc bàn về mối đe dọa từ tàu ngầm mới Australia vừa đặt mua của Pháp.
Theo tờ báo, ngày 26/4, Thủ tướng Australia Turnbull tuyên bố mở thầu mua sắm mới của Hải quân Australia, Cơ quan chế tạo Hải quân Pháp cuối cùng đã giành được đơn đặt hàng trị giá 50 tỷ đô la Úc (tương đương 38,5 tỷ USD) sau cuộc cạnh tranh khốc liệt cùng 2 nhà thầu khác đến từ Đức và Nhật Bản .
Trong bối cảnh các gia tăng quân sự trên biển Đông vẫn hết sức phức tạp thì việc Australia muốn chế tạo 12 tàu ngầm tấn công lớp Barracuda tiên tiến hoàn toàn không phải là tin tốt đối với Trung Quốc vào thời điểm này.
Tỏ ra thận trọng, nhà nghiên cứu Mã Nghiêu nhấn mạnh, Bắc Kinh cần ứng phó thích đáng để làm giảm tới mức thấp nhất các tác động từ việc Australia sở hữu tàu ngầm lớp Barracuda.
Theo Mã Nghiêu, Trung Quốc có thể làm tốt một số công tác chuẩn bị quân sự dưới đây như: nâng cao tính năng trang bị thu thập thông tin hải quân, đặc biệt yếu tố chiến thuật hàng đầu của tàu ngầm là tính bí mật.
Một khi mất đi tính bí mật, bất lợi trên phương diện tốc độ và khả năng nhận biết trạng thái chiến trường của tàu ngầm sẽ làm cho nó rơi vào tình cảnh nguy hiểm.
Thứ hai là nâng cao khả năng tác chiến săn ngầm lấy săn ngầm đường không làm thủ đoạn chủ yếu.
Cuối cùng là tăng cường xây dựng cụm chiến đấu tàu sân bay, chủ yếu là loại tàu có năng lực kiểm soát biển mạnh nhất, cũng là trang bị trung tâm của hải quân tầm xa, là loại tàu duy nhất có thể tiến hành săn ngầm ở biển xa.
Trung Quốc gặp họa khi phá Australia?
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đã gặp họa khi dùng cách gia tăng các sức ép để khiến Astralia không lựa chọn tàu ngầm Nhật Bản và chuyển hẳn sang đối tác đến từ Pháp.
Trước thời điểm khi Canberra đưa ra quyết định cuối cùng, truyền thông phương Tây đã đồn thổi về việc Tokyo thua vì lợi ích.
Thực tế, Trung Quốc có tầm kinh tế quan trọng đối với Australia, là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài trong năm 2014- 2015 so với 12% của Nhật Bản.
Thương mại của giữa 2 nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, trong khi thương mại với Nhật Bản đã bị suy giảm tương đối.
Đặc biệt nếu chọn Nhật Bản, Australia chắc chắn sẽ bị phía Trung Quốc phản đối vì Bắc Kinh coi đây là dấu hiệu tham gia vào các nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Với những lợi ích kinh tế đạt được từ Bắc Kinh, việc Australia quyết định loại Nhật Bản khỏi vụ đấu thầu đóng mới tàu ngầm có thể được coi là chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia về quân sự, quốc phòng, toan tính của Bắc Kinh dường như đã phản tác dụng khi những thống kê cho thấy tàu ngầm lớp Barracuda của Pháp có nhiều lợi thế vượt trôi hơn so với Nhật Bản.
Cụ thể, với tàu ngầm lớp Soryu Nhật Bản các phương diện như hành trình, khả năng tấn công đối đất, hệ số an toàn và tuổi thọ, tàu ngầm lớp Soryu có khuyết điểm khá lớn.
Trong khi đó, tàu ngầm Barracudacủa Pháp được đánh giá hoàn thiện khi đã khắc phục được nhiều điểm yếu.
Nó không chỉ có kích thước ngoại hình và lượng giãn nước lớn hơn mà các chỉ tiêu kỹ chiến thuật như hiệu quả chạy êm, hiệu năng vũ khí, tốc độ cũng chiếm ưu thế nổi trội trong số các tàu ngầm hạt nhân tấn công của các nước trên thế giới hiện này.
Theo thống kê, tàu còn được trang bị một radar để tìm kiếm mục tiêu mặt nước, hệ thống liên lạc vệ tinh, sóng âm.Về vũ khí, tàu được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533 mm.
Ống phóng này có thể khởi động ngư lôi hạng nặng Black Shark, hoặc phóng tên lửa chống hạm Exocet. Cơ số ngư lôi, tên lửa mang theo khoảng 18 quả.
Tàu còn có khả năng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Naval Scalp tầm bắn 1.000 km thông qua ống phóng ngư lôi. Tính năng này chỉ có ở trên tàu của Pháp.
Trước đó, hồi cuối tháng 2 năm nay, phát biểu trước báo chí, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng hơn 21 tỷ USD đồng thời sắm thêm 12 chiếc tàu ngầm nhằm kiềm chế Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Rõ ràng Trung Quốc đang tự chuốc họa vào thân khi tìm cách phá Australia mua tàu ngầm của Nhật Bản.