Đã có tên lửa siêu xa, Nga còn cần tới căn cứ quân sự nước ngoài?

Hải Vy |

Nhờ các loại vũ khí hiện đại, giờ đây, quân đội Nga có thể "vươn tới" bất cứ mục tiêu nào và tới bất cứ đâu. Liệu Nga có cần tới các căn cứ quân sự ở nước ngoài nữa hay không?

Vũ khí Nga có thể "vươn tới" bất cứ mục tiêu nào

Trong suốt thế kỷ 20, giới chuyên gia coi căn cứ quân sự ở nước ngoài như một chỉ số về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của một quốc gia. Nó thể hiện quốc gia đó có quyền gọi mình là "cường quốc" hay không.

Thời gian gần đây, với những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ quân sự, giới chức chính trị và quốc phòng Nga đã bắt đầu nhìn nhận lại quan điểm này.

Trong bài phân tích của mình, kênh tinh tức Zvezda.ru của Nga đặt câu hỏi: Hiện nay, liệu Nga có cần tới các căn cứ quân sự ở vùng lân bang (như thuộc Liên Xô cũ) hoặc những khu vực khác trên thế giới hay không?

"Gần đây", Zvezda viết, "Tổng thống Vladimir Putin đã bày tỏ lập trường của mình về vấn đề này".

Phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm diễn ra vào ngày 17/12/2015, ông Putin cho rằng Nga chưa chắc đã cần căn cứ quân sự lâu dài ở Syria.

Theo nhà lãnh đạo Nga, nhờ các loại vũ khí hiện đại, quân đội Nga có thể "vươn tới" bất cứ mục tiêu nào và bất cứ đâu.

Đặc biệt, ông Putin đề cập tới tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu chiến, với tầm bắn 1.500km và tên lửa hành trình Kh-101 phóng từ trên không, với tầm bắn 4.500km.

Cả 2 loại tên lửa này đã tham gia tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria.

"Vì sao chúng ta cần tới căn cứ tại đó (Syria)? Nếu cần, chúng ta có thể 'vươn tới' mục tiêu mà không cần căn cứ sở tại' - ông Putin trả lời câu hỏi liệu Nga có triển khai quân thường trực tới Trung Đông hay không.

Theo Zvezda, trong thời hậu Xô Viết, Nga - cũng giống như Liên Xô trước đây - coi căn cứ quân sự như công cụ quyền lực, sẵn sàng bảo vệ lợi ích không chỉ của Nga mà còn các đồng minh của Moscow.

Căn cứ quân sự luôn được xem như công cụ răn đe đối phương và là cơ sở hỗ trợ quân đội Nga trên các đấu trường địa chính trị.

Sự hiện diện quân sự của Nga trên lãnh thổ các quốc gia khác còn giúp tăng cường ổn định cho khu vực đó. Hai ví dụ điển hình trong trường hợp này là các căn cứ quân sự của Nga tại Tajikistan và Kyrgyzstan, đều thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Đổi lại cho sự hiện diện tại đây, Moscow có trách nhiệm giúp đỡ huấn luyện và tái trang bị cho quân đội 2 quốc gia này.


Lực lượng Nga tại căn cứ quân sự ở Tajikistan.

Lực lượng Nga tại căn cứ quân sự ở Tajikistan.

"Tại Uzbekistan, từ năm 2006, Nga đã sử dụng căn cứ không quân ở Karshi-Khanabad để xây dựng lực lượng và triển khai quân tại Trung Á. Nhưng sau đó, Moscow đã mất quyền sử dụng căn cứ này do Uzbekistan rút khỏi tổ chức CSTO vào năm 2012" - Zvezda viết.

Trên thực tế, sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì căn cứ quân sự ở các nước láng giềng.

Chẳng hạn, trước đây, căn cứ hải quân của Nga tại Sevastopol (trước thuộc Ukraine) luôn có tầm quan trọng tối cao đối với Nga về mặt quân sự, "ít nhất là cho đến khi căn cứ Novorossiysk được xây dựng".

Tuy nhiên, nếu Hạm đội Biển Đen của Nga còn đóng tại Sevastopol, Moscow sẽ thường xuyên gặp phải các cuộc xung đột với chính quyền Ukraine.

"Căn cứ này được dùng làm công cụ gây áp lực với Moscow về mặt chính trị và rõ ràng, nếu Crimea vẫn còn thuộc Ukraine thì hiện nay, giới chức nước này - với sự hậu thuẫn của Washington- sẽ làm mọi thứ có thể để ép thủy thủ Nga rời khỏi bán đảo.

Cũng có khả năng, họ sẽ kéo Nga vào một cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng, biến Moscow thành kẻ xâm lược" - Zvezda cho hay.

"Dù bất cứ trường hợp nào thì trong tương lai gần, Nga sẽ phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết về căn cứ quân sự tại Trung Á, bởi sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan, phong trào Mujahideen bị khuấy động đã khiến tình hình trong khu vực càng thêm trầm trọng".

Trong khu vực Liên Xô cũ nói chung, "Nga cần có những điểm tựa mạnh mẽ để có đủ khả năng can thiệp khi tình hình chuyển biến theo hướng xấu".

Song thật không may, trái ngược với Mỹ, các căn cứ quân sự Nga tại nước ngoài luôn trở thành chủ đề của những cuộc mặc cả chính trị gay gắt.

"Chẳng hạn, trong hơn 20 năm qua, Nga đã có một căn cứ quân sự ở Transnistria. Lực lượng vũ trang Nga tại đây là một phần trong lực lượng gìn giữ hòa bình 3 bên, với khoảng 1.200 binh sĩ.

Giới chức và người dân của Transnistria ủng hộ binh sĩ Nga tiếp tục đóng quân. Tuy nhiên, các nhà chính trị châu Âu đã đề xuất thay đổi hình thức của hoạt động gìn giữ hòa bình, trong đó có đề nghị lực lượng gìn giữ hòa bình Nga rút quân khỏi khu vực xung đột" - Zvezda viết.


Mạng lưới căn cứ quân sự Nga và Mỹ trên thế giới (Màu đỏ: Nga; Màu xanh: Mỹ).

Mạng lưới căn cứ quân sự Nga và Mỹ trên thế giới (Màu đỏ: Nga; Màu xanh: Mỹ).

Nhìn chung, trong số các quốc gia hậu Liên Xô, có lẽ chỉ có Belarus và Armenia là thực sự hỗ trợ Nga trong bối cảnh đối đầu với NATO mà không tính toán quyền lợi.

Đồn đoán và sự thật về căn cứ quân sự Nga ở nước ngoài

Theo Zvezda, trong thời kỳ Xô Viết, Liên Xô có căn cứ quân sự tại tất cả các châu lục, trừ Australia.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã bỏ hầu hết căn cứ quân sự tại nước ngoài. Và thường thì lý do không chỉ là khó khăn về kinh tế, mà còn vì Moscow cố gắng tạo dựng một chương mới trong mối quan hệ với Washington thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, Washington đã có những phản ứng không đúng như kỳ vọng của Moscow.

Bên cạnh đó, theo thời gian, đã có những đồn đoán rằng Nga đã sẵn sàng lấy lại quyền sử dụng các căn cứ đã mất và xây dựng căn cứ mới.

Đặc biệt, có tin cho rằng trong chuyến thăm của phái đoàn Nga tới Cuba, Moscow đã hủy bỏ món nợ 32 tỷ USD cho quốc gia này và đổi lại, Nga đã đạt được một thỏa thuận với Cuba để giành quyền sử dụng trung tâm tình báo tín hiệu tại Lourdes.

Song, ngày hôm sau, Tổng thống Vladimir Putin đã bác bỏ thông tin trên và khẳng định Nga có đủ khả năng "giải quyết các nhiệm vụ gặp phải trong lĩnh vực quốc phòng mà không cần tới điều đó".

Một thời gian sau, xuất hiện thông tin Argentina đồng ý để Nga đặt các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ. Thông tin trên xuất hiện vào thời điểm cả thế giới đang bị cuốn theo cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga đã phải lên tiếng bác bỏ thông tin sai lệch này và khẳng định đó là "tin đồn khiêu khích".

Cho tới gần đây, căn cứ quân sự duy nhất của Nga tại nước ngoài (nằm ngoài khu vực Liên Xô cũ) là chốt hỗ trợ vật tư - kỹ thuật tại Tartus, Syria, được thành lập từ năm 1971.

Chiến lược của Nga tại nước ngoài

Zvezda đặt câu hỏi: Liệu Nga có cần tới các căn cứ quân sự ở nước ngoài hay không?

Trước khi trả lời câu hỏi này, cần đề cập tới học thuyết quân sự của Nga. Học thuyết này được hình thành dựa trên đánh giá về các mối đe dọa quân sự và lợi ích chính trị của nước Nga.

Nếu Nga muốn thống trị thế giới hoặc làm chủ các vùng nhiều dầu mỏ ở Trung Đông thì hiển nhiên là nước này cần các căn cứ ở Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, chính phủ Nga chưa từng thực hiện điều này dù các quan chức cấp cao từng nói sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở các nước như Việt Nam, Cuba, Venezuela…

Đáng chú ý là, theo Zvezda, Nga không đề cập tới việc thiết lập các căn cứ quân sự chính thức với hàng nghìn nhân viên - loại hình mà Mỹ đang áp dụng trên toàn thế giới.

Đối với Moscow, điều quan trọng là phải có cơ sở hậu cần cho lực lượng Không quân và Hải quân.

Chẳng hạn, những con tàu sau chuyến hành trình dài cần phải sửa chữa, tiếp nhiên liệu, thực phẩm. Ngoài ra, có những vấn đề kỹ thuật thuần túy không thể giải quyết được nếu không có các cơ sở hỗ trợ như vậy.

Một lựa chọn khác để Nga mở rộng hiện diện quân sự tại nước ngoài là đơn giản hóa thủ tục cho phép tàu chiến Nga cập cảng các quốc gia khác.

Các thỏa thuận liên quan đã được Nga ký kết với một số quốc gia như Nicaragua và Cộng hòa Guinea Xích Đạo.

Theo Zvezda, trong mọi trường hợp, cần lưu ý rằng các loại vũ khí hiện đại cho phép Nga không cần tới các căn cứ quân sự nước ngoài và bởi việc duy trì các căn cứ như vậy sẽ là gánh nặng lớn đối với bất cứ chính phủ nào.

"Tại sao Nga phải vác gánh nặng này khi chiến dịch quân sự tại Syria đã chứng minh rằng, chúng ta có lực lượng không quân chiến lược hiện đại có thể tiến hành các cuộc tấn công chính xác cao bằng tên lửa, mà không cần xâm nhập vào vùng xung đột?" - Zvezda viết.


Các nhà báo nước ngoài tại căn cứ quân sự Hmeymim.

Các nhà báo nước ngoài tại căn cứ quân sự Hmeymim.

Kênh tinh tức Nga cho rằng, trong thế giới hiện nay, "để giải quyết các mục tiêu chiến đấu cụ thể, chỉ cần thiết lập một căn cứ không quân tạm thời, chẳng hạn như căn cứ Hmeymim ở Syria".

Tại căn cứ đó, Nga sử dụng thiết kế module, có thể dễ dàng tháo dỡ và đưa lên máy bay vận tải để chuyển về Nga trong vài ngày.

Trên cơ sở đó, chính sách của Nga về căn cứ quân sự cần có sự linh hoạt. Moscow nên xét theo các ưu tiên quân sự nhưng cũng đồng thời nhìn nhận thận trọng nguồn lực của mình.

Hướng tiếp cận cân bằng là "kết hợp đánh giá tình hình quân sự và khả năng tài chính".


Tổ hợp căn cứ quân sự Nga tại Tskhinvali.

Tổ hợp căn cứ quân sự Nga tại Tskhinvali.

Zvezda kết luận rằng, việc triển khai căn cứ quân sự của Nga phụ thuộc vào tình hình chính trị - quân sự nói chung và tình hình các khu vực cụ thể.

Dễ thấy rằng tình hình hiện nay đang nóng lên, NATO đang tiếp tục hiện diện lực lượng thường trực gần biên giới với Nga.

Nếu NATO tiếp tục chính sách này, Nga sẽ buộc phải mở rộng các căn cứ ở nước ngoài như các cơ sở phòng thủ, cách càng xa biên giới Nga càng tốt để có thể đón đầu đối phương từ xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại