Nga, Trung có vũ khí xuyên thủng "lá chắn thần" của Mỹ tại châu Á

Hải Vy |

Gần đây, cả Nga và TQ đều đã thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm, có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà Mỹ dự định triển khai tới Hàn Quốc.

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, cuộc thử nghiệm lần này là "lời cảnh báo tới Mỹ".

Tờ SCMP (Hồng Kông) dẫn lời giáo sư He Qisong, chuyên gia chính sách quốc phòng tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải nhận định:

"Các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm của Nga và Trung Quốc nhằm mục đích tạo ra mối đe dọa đối với Mỹ, khi nước này dự định thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc".

Đồng quan điểm với ông He, chuyên gia quân sự Li Jie (tại Bắc Kinh) cho hay, Trung Quốc đang thông qua cuộc thử nghiệm DF-ZF gần đây để cảnh báo Mỹ rằng: Quân đội Trung Quốc (PLA) "có một loại vũ khí uy lực khác có thể chống lại hệ thống THAAD của Mỹ".


Mỹ đang có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc.

Mỹ đang có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc.

Trước đó, Mỹ đã đề nghị triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, tuyên bố rằng hệ thống này cần thiết để bảo vệ các đồng minh của Mỹ trong khu vực trước mối đe dọa từ Triều Tiên.

Đề nghị của Washington đã bị cả Nga và Trung Quốc chỉ trích là làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ Sáu tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo rằng, Mỹ không nên lợi dụng các hoạt động của Bình Nhưỡng, như thử vũ khí hạt nhân hay phóng tên lửa, để làm cái cớ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Cuộc thử nghiệm lần thứ 7 vũ khí siêu vượt âm DF-ZF đã được Trung Quốc tiến hành thành công cách đây 1 tuần. Loại vũ khí này được thiết kế để đánh bại các hệ thống phòng thủ của Mỹ.

DF-ZF có thể di chuyển với tốc độ từ Mach 5 đến Mach 10, tức là gấp từ 5-10 lần tốc độ âm thanh và có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ sử dụng tên lửa đánh chặn của Mỹ.


Tên lửa thông thường dễ bị hệ thống phòng thủ ngăn chặn, trong khi vũ khí siêu vượt âm lại vượt qua dễ dàng.

Tên lửa thông thường dễ bị hệ thống phòng thủ ngăn chặn, trong khi vũ khí siêu vượt âm lại vượt qua dễ dàng.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), hiện vẫn chưa rõ phương tiện bay siêu vượt âm DF-ZF sẽ trang bị đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn thông thường.

Nó cũng có thể được gắn trên các tên lửa đạn đạo chống tàu để tấn công các mục tiêu hàng hải. Ví dụ, tên lửa DF-21 trang bị DF-ZF sẽ có tầm bắn được mở rộng từ 2.000 đến hơn 3.000km.

Theo các quan chức tình báo Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng DF-ZF như một loại vũ khí tấn công chiến lược thông thường, có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên thế giới trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Lầu Năm Góc đã giám sát chặt chẽ quá trình phát triển của DF-ZF từ khi nó được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 1/2014.

Trong bản báo cáo thường niên gần đây nhất, Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung đề cập rằng, chương trình vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc đang "tiến triển nhanh chóng" và vũ khí tấn công mới có thể được Bắc Kinh triển khai vào năm 2020.

Ngoài ra, một phiên bản mới, mạnh hơn đang được phát triển và có thể triển khai vào năm 2025.

Gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng xác nhận thông tin từ báo Mỹ rằng, vào ngày 12/4, Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất mang tên DF-41, có tầm bắn ít nhất 12.000km.

Cũng trong tháng 4, Nga đã tiến hành cuộc thử nghiệm bay thứ 2 đối với vũ khí siêu vượt âm mang tên 3M22 Zircon.

Zicron được phóng từ tên lửa đạn đạo chiến lược RS-18A (NATO định danh là SS-19 Stiletto). Vụ thử nghiệm đã diễn ra thành công, song không có chi tiết nào được tiết lộ, như tốc độ của phương tiện bay hay quãng đường mà nó đã di chuyển.

3M22 Zircon dự kiến sẽ được Nga đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại